| Hotline: 0983.970.780

Cây chè đang biến mất tại đất tổ của chè

Thứ Tư 03/11/2021 , 09:30 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Cùng với việc nhiều vườn chè cổ quý bị đốn bỏ để trồng keo, vùng chè Tân Cương đã xuất hiện những mô hình làm chè mới mẻ, sản phẩm vô cùng lạ lẫm.

Nhớ về Hội chè xuân xóm Guộc

Vùng đặc sản chè Tân Cương (TP Thái Nguyên) nổi danh trong và ngoài nước cả thế kỷ nay bởi hương vị thơm ngon hiếm có. Với tổng diện tích gần 2.000 ha, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay giá trị của chè đặc sản Tân Cương có thể đạt đến trên nửa tỷ đồng/ha. Cây chè đã không chỉ giúp người làm chè Tân Cương trở nên giàu có mà đã trực tiếp góp phần phát triển nghề chè Việt Nam.

Đất tổ của chè ở xóm Nam Sơn bây giờ chỉ còn những rừng keo, những vườn chè cổ đã hoàn toàn biến mất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đất tổ của chè ở xóm Nam Sơn bây giờ chỉ còn những rừng keo, những vườn chè cổ đã hoàn toàn biến mất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Xóm Guộc, xã Tân Cương là vùng đất cổ, xóm cổ ở dưới chân núi Guộc. Đây là nơi đã phát tích danh trà Tân Cương và cũng là nơi phát tích Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên với sự kiện ông Vũ Văn Hiệt (ông Đội Năm) người quê xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên lần đầu tiên mang giống chè về trồng và lập đồn điền trồng chè, mở xưởng chế biến chè vào cuối thập niên 1910. Thương hiệu chè "Cánh Hạc" từng nổi tiếng khắp đất nước và xuất khẩu sang nhiều nước như Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc… và nổi danh "Thái Nguyên đệ nhất danh trà".

Hội chè xuân xóm Guộc lần đầu tiên, cũng là hội chè đầu tiên của Thái Nguyên được tổ chức nhân dịp vui tết đón xuân năm 2004, với các hoạt động đặc trưng của nghề chè như: Thi chè ngon, thi sao chè bằng chảo gang, thi pha trà mời khách, văn nghệ, tung còn, đánh đu, chọi gà, đấu võ, bình thơ…

Sân khấu chính của lễ hội được dựng gần xưởng chè ông Đội Năm ngày xưa. Các hộ dân trong xóm không chỉ đóng góp kinh phí tổ chức, giải thưởng mà còn chuẩn bị hơn 20 mâm cỗ mời khách đến dự hội thưởng thức.

Trong vài năm tiếp theo, Hội chè xuân xóm Guộc được tổ chức định kỳ hàng năm. Năm 2005 bắt đầu có thêm một số xóm trong và ngoài xã Tân Cương tham gia.

Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên đã quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Thái Nguyên cả trong và ngoài nước. Ảnh: ĐVT.

Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên đã quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Thái Nguyên cả trong và ngoài nước. Ảnh: ĐVT.

Năm 2006, Hội đã được tổ chức với quy mô cấp xã với tên "Hội chè xuân Tân Cương" do xóm Guộc đăng cai tổ chức. Năm 2007, tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên tổ chức Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên lần thứ Nhất. Ngày hội đã quy tụ được gần một 100 đơn vị tham gia từ làng nghề chè, các huyện thành thị trong tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Từ Hội chè xuân xóm Guộc, nhiều Festival trà Quốc tế Thái Nguyên đã được tỉnh tổ chức, mở ra những cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, quảng bá hình ảnh về đất và người, về chè Thái Nguyên, chè Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thực tế, qua những liên hoan này, thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng tỏa sáng và vươn xa. Mảnh đất xóm Guộc, tấm bia ghi: “Nơi đây phát tích danh trà Tân Cương và Lễ hội văn hóa Trà Thái Nguyên, Việt Nam” .

Tuyệt tích chè cổ

Đưa chúng tôi vào nơi trồng những cây chè Tân Cương đầu tiên, anh Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết, xóm Guộc trước đây đã chia thành 03 xóm, gồm: Xóm Nhà Thờ, xóm Guộc và xóm Nam Sơn, nơi có đồn điền trồng chè của cụ Đội Năm và xưởng chế biến chè.

Nhiều vườn chè xóm Nam Sơn đã bị đốn bỏ, thay thế bằng cây keo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhiều vườn chè xóm Nam Sơn đã bị đốn bỏ, thay thế bằng cây keo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bác Nguyễn Duy Tiên, 70 tuổi, Bí thư Chi bộ xóm Nam Sơn kể rằng, đến đầu những năm 2000, xóm vẫn còn những cây chè cổ từ thời đồn điền, cây nào cây nấy thân to bằng cái phích nước, tán bằng cái nia. Vào đầu những năm 2000, cây chè cổ được mang đi tham dự các Lễ hội chè, từ đó thành trào lưu đào bán làm cây cảnh nên nay đã hoàn toàn tuyệt tích tại chính mảnh đất tổ của chè Tân Cương.

Dân xóm Nam Sơn làm chè từ thời cụ Đội Năm, rồi đến thời hợp tác xã chè sau này. Cây chè trung du trồng hạt có tuổi thọ cao do rễ cọc cắm sâu xuống lòng đất hàng mét để hút chất dinh dưỡng. Chè trung du xưa nay nổi tiếng hương thơm, nước xanh, vị đậm đà ngọt hậu mà các loại chè cao sản sau này khó có thể bằng được.

Bác Tiên đưa chúng tôi đi thăm vị trí vườn chè cụ Đội Năm xưa kia, mà theo như dân làng kể, họ được chia thời kỳ khoán sản những năm 1980, vườn chè cổ vẫn tươi tốt, tiếp tục cho khai thác. Sau này, chè cành bán được giá hơn, người dân bèn đốn bỏ nhiều diện tích chè cổ để trồng chè cành.

Những năm gần đây, nhiều hộ làm chè tại các xóm khác của Tân Cương đầu tư bài bản vào làm chè chất lượng cao, đồng thời với xây dựng thương hiệu, dẫn đến chè xóm Nam Sơn càng "yếu thế" do người dân ít quan tâm chăm sóc.

Thời điểm này, giá chè búp khô trung du tại các xóm đang “ăn nên làm ra” của Tân Cương lên tới trên dưới 1 triệu đồng/kg; chè búp thường cũng có giá trên 250 nghìn đồng/kg, trong khi chè trung du ngon nhất của Nam Sơn cũng chỉ bán được 150 nghìn đồng/kg.

Bác Tiên buồn rầu nói: "Cả xóm chỉ còn vài hộ còn rang chè, hầu hết bán búp tươi giá thấp hoặc bỏ hẳn không thu hái. Trước đây, 100% số hộ làm chè mà giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay".

Ngày nay, những giống chè cao sản đã thay thế hoàn toàn các giống chè cổ ở đất chè Tân Cương. Ảnh: ĐVT.

Ngày nay, những giống chè cao sản đã thay thế hoàn toàn các giống chè cổ ở đất chè Tân Cương. Ảnh: ĐVT.

Bác Tiên vẫn làm một ít "chè ta", vườn chè gần 20 năm tuổi diện tích khoảng 200 m2, mỗi lứa sao khô được gần 3kg, chỉ đủ để nhà dùng và biếu người thân. Cái “chất chè ta” nó đặc biệt lắm, nó mềm môi, chát ngọt, đậm, hậu sâu không có chè nào bì được.

Còn đồi chè hơn 2,5 sào, như bác nói, đồi ấy chất đất hợp chè, chè tốt lắm nhưng các nhà xung quanh trồng keo, bạch đàn, xoan hoặc các loại cây ăn quả, dụ sâu bọ về phá chè ghê lắm, với lại nhà cũng không có người làm nên cũng đành phá bỏ để trồng keo.

Bác Tiên nói bằng giọng đầy nuối tiếc, xóm bây giờ toàn ông bà già, thanh niên hơn 100 cháu đi làm ăn, tuy không "ly hương" thì cũng "ly nông". Trồng keo cốt để giữ đất cho cỏ dại khỏi mọc, chứ thu nhập có ăn thua gì đâu, 1 sào keo 5 năm trời mới bán được vài triệu đồng. Trong khi cây “chè ta” đến dăm bảy chục năm tuổi vẫn cho sản lượng và chất lượng tốt.

Đất hợp với cây chè như thế nhưng đành bỏ phí, giá như có doanh nghiệp thuê đất của dân để khôi phục nghề trồng chè thì chắc bà con đều sẵn sàng. Lớp có tuổi trong xóm đều mong muốn khôi phục vườn chè nhưng các gia đình con cái đều đi làm ăn thoát ly hết nên đành lực bất tòng tâm.

Đến Nam Sơn bây giờ, nhìn đâu cũng thấy đồi cây rậm rạp, quang cảnh như thể chỉ có ở những thôn bản vùng cao miền núi, khó có thể tin rằng đây chính là nơi trồng những cây chè Tân Cương đầu tiên, càng khó tin được, đất này đã cả thế kỷ nay gắn bó với cây chè, đang thuộc vùng chè danh tiếng lẫy lừng cả trong nước và trên thế giới.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm