| Hotline: 0983.970.780

Những công trình hiện đại thích nghi biến đổi khí hậu

Thứ Ba 29/06/2021 , 17:12 (GMT+7)

Cống Vũng Liêm thuộc tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước thích ứng BĐKH vùng Nam Măng Thít được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, khiến người dân nơi đây mừng vui.

Những năm gần đây, Vĩnh Long liên tục chịu sự đe doạ của xâm nhập mặn. Để giúp địa phương chủ động hơn trong bảo vệ sản xuất, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi tiên tiến có quy mô lớn như: cống Vũng Liêm, cống Bông Bót, cống Tân Dinh và các đê bao nằm trong tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Nam Măng Thít. Đến nay, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng giúp cho địa phương chủ động hơn trong công tác điều tiết thuỷ lợi phục vụ sản xuất, nhất là nông nghiệp.

Cống Vũng Liêm giúp kiểm soát mặn ngọt cho 80% diện tích đất nông nghiệp của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Ảnh: Hữu Đức.

Cống Vũng Liêm giúp kiểm soát mặn ngọt cho 80% diện tích đất nông nghiệp của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Ảnh: Hữu Đức.

Tháng 9/2020, Bộ NN-PTNT chính thức bàn giao 3 công trình là cống Bông Bót, Tân Dinh và Vũng Liêm cho hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long quản lý, vận hành phục vụ sản xuất. Đặc biệt, thời điểm đó, hạn mặn lên cao có nguy cơ khốc liệt như mùa khô 2019-2020. Các công trình được đưa vào sử dụng đúng thời điểm mang đến niềm phấn khởi lớn trong nhân dân.

Ông Dương Ái Đạo, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: Huyện Vũng Liêm có diện tích đất nông nghiệp trên 24.300ha. Mùa khô đầu năm 2020, huyện Vũng Liêm có trên 1.000ha đất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn với tổng thiệt hại ước trên 200 tỷ đồng.

Năm nay, dù xâm nhập mặn không bằng đầu năm 2020 nhưng nước mặn có nồng độ cao, ảnh hưởng đến cây ăn trái như sầu riêng, lúa,… vẫn kéo dài khoảng 4 tháng. Các công trình thuỷ lợi của Bộ NN-PTNT đầu tư như cống Vũng Liêm, các đê tuyến đê bao trong tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước thích ứng BĐKH vùng Nam Măng Thít đã giúp huyện kiểm soát tốt xâm nhập mặn. Đặc biệt, cống Vũng Liêm đã kiểm soát nước mặn xâm nhập cho hơn 80% diện tích đất nông nghiệp của huyện, do hai xã cù lao Thanh Bình – Quới Thiện không nằm trong khu vực kiểm soát của cống Vũng Liêm.

 Tuyến đê bao Ngã Hậu - Mây Phốp giúp sản xuất nông nghiệp của địa phương thêm khởi sắc. Ảnh: Hữu Đức.

 Tuyến đê bao Ngã Hậu - Mây Phốp giúp sản xuất nông nghiệp của địa phương thêm khởi sắc. Ảnh: Hữu Đức.

Bên cạnh cống Vũng Liêm, công trình thuỷ lợi kênh Ngã Hậu – Mây Phốp trên địa bàn huyện Vũng Liêm là một trong các công trình thuộc Tiểu dự án Nam Măng Thít cũng được đưa vào sử dụng. Nói về công trình này, ông Cao Văn Thân, một người dân sống ven kênh Ngã Hậu – Mây Phốp ở ấp An Điền 1, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm phấn khởi cho biết:

“Từ khi có bờ bao này, nước khai ra lấy vào cũng dễ, tạo điều kiện cho lúa trúng. Bờ bao không những giúp bảo vệ lúa còn giúp việc gieo sạ, cắt lúa cũng dễ. Hệ thống kênh này được nạo vét giúp lòng sông thông thoáng ghe đi lại dễ dàng, mưa nước rút nhanh. Ngày xưa, mưa 3 - 4 ngày mới rút. Bây giờ nước rút ra sông lớn nhanh. Lúa không ngập úng nên sạ trúng hơn trước. Hồi đó, vụ hè thu này trúng chừng 20 giạ, chứ bây giờ vụ này lúa tôi cầm chắc 30 giạ. Lúa đông xuân còn trúng hơn trước nữa.”

Người dân phấn khởi yên tâm sản xuất vì có những công trình thuỷ lợi hiện đại. Ảnh: Hữu Đức.

Người dân phấn khởi yên tâm sản xuất vì có những công trình thuỷ lợi hiện đại. Ảnh: Hữu Đức.

Thật vậy, từ khi hệ thống đê bao Ngã Hậu – Mây Phốp được đưa vào sử dụng, giao thông ven kênh thuận lợi hơn. Nhiều ngôi nhà khang trang bắt đầu mọc lên ven tuyến kênh này. Người dân yên tâm hơn trong sản xuất.

Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, việc đưa vào khai thác sử dụng cống Vũng Liêm có nghĩa rất lớn đối với việc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế ở địa phương. Đợt hạn mặn 2019 – 2020, dù nằm ở khu vực rốn của ĐBSCL nhưng nông dân Vĩnh Long bị ảnh hưởng rất lớn của hạn mặn, ước tổng thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

Cống Vũng Liêm vận hành đã giúp điều tiết nước, phục vụ công tác thuỷ lợi, nhất là sản xuất nông nghiệp của địa phương. Việc chủ động kiểm soát mặn ngọt, giúp cho sản xuất nông nghiệp được chủ động bài bản. Từ đó, thu nhập của người dân, nhất là nông dân đã tốt hơn. Đây cũng là thể hiện quyết tâm của Vĩnh Long trong tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Những ngôi nhà bắt đầu mọc lên vên tuyến kênh Ngã Hậu - Mây Phóp. Ảnh: Hữu Đức.

Những ngôi nhà bắt đầu mọc lên vên tuyến kênh Ngã Hậu - Mây Phóp. Ảnh: Hữu Đức.

Cống kiểm soát, điều tiết mặn, ngọt Vũng Liêm đặt tại lòng sông Vũng Liêm thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, có chiều rộng thông cống 75m. Công trình này nằm trong tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước thích ứng BĐKH vùng Nam Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Cùng với các công trình khác ở địa phương, cống Vũng Liêm góp phần tiêu úng kiểm soát mặn ngọt cho gần 28.500ha đất nông nghiệp. Các công trình cống Bông Bót, Tân Dinh và cống Vũng Liêm sẽ phát huy hiệu quả kiểm soát mặn ngọt, bảo vệ sản xuất cho hai tỉnh Trà Vinh – Vĩnh Long.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.