Nhiều thứ không rất lạ
“Ô tô nhà trai về đến đầu làng rồi ông Đỗ ơi”. Mấy đứa trẻ vừa hớn hở chạy từ cổng làng về vừa hò reo lên như vậy trước đầu cái ô tô biển số Hải Phòng. Hôm nay nhà ông Văn Đỗ (đã đổi họ tên) ở thôn Quảng Tân xã Nam Tân (Nam Sách, Hải Dương) tổ chức ăn hỏi kiêm luôn đám cưới cho cô con gái út. Một đám cưới đặc biệt không có chữ song hỉ, không có phông bạt trang trí đôi chim bồ câu chụm mỏ vào nhau, không có tên cô dâu chú rể, không có chụp ảnh, không có dẫn chương trình, không có nhạc sống, không có thùng phong bì, không có người đội lễ và đặc biệt nhất là không có luôn cả…cô dâu lẫn chú rể. Bởi vậy mà nó tẻ nhạt đến nỗi nếu không có tiếng hò reo của lũ trẻ nhỏ thì người ta không nghĩ đến là nhà có đình đám nữa.
Một đám cưới không cô dâu chú rể ở thị xã Chí Linh, ảnh do bố mẹ nhân vật cung cấp |
Rạp dựng ngay ngoài ngõ, chỉ là đơn sơ một tấm vải nylon căng trên mấy cái cọc sắt còn cỗ bàn thì tự nấu. Một con lợn 70 kg được mấy anh em trong họ ngả ra từ hôm trước. Cỗ lòng, tiết canh cùng mấy phần phụ được chế biến ra 10 mâm khoản đãi cho những người đến giúp. Phần thịt chính còn lại dành gói giò hay đút tủ lạnh để cho bữa cỗ ngày hôm sau cùng với 30 kg gà ngon, hơn 10 kg tôm sú loại 1…đủ làm 6 đĩa 3 bát như thường lệ cỗ ở vùng quê này.
Một đám cưới ở nông thôn thường có nhiều thủ tục gồm lễ thăm nhà, lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, xin cưới và lễ đón dâu. Vì thể tất cho nhà trai ở Hải Phòng đường xá khá xa nên ông Đỗ quyết định gói gọn tất cả thủ tục vào trong có một buổi. Ông cười bảo với tôi rằng: “Trước khi cưới một hôm nhà trai vẫn cứ khăng khăng bàn nên đội mấy mâm lễ đến cho trịnh trọng nhưng tôi bảo lễ đó bắt buộc phải có cô dâu chú rể bởi các bạn chưa vợ của chú rể đi bưng mâm lễ đằng nhà trai còn các bạn chưa có chồng của cô dâu đứng đón mâm lễ đằng nhà gái. Không có cô dâu chú rể thì đội lễ để mà làm gì cho lích kích khi phải thuê thêm ít nhất 5 người đội lễ, 5 mâm lễ, 1 xe ô tô đi theo nữa hả chú? Đằng nào cũng là tiền của con cái mình chi ra cả”.
Nghĩ thông thoáng như vậy nên đám cưới chỉ có “lễ trắng” cho gia tiên gồm trầu cau, chè thuốc, chai rượu cộng với “lễ đen” cho gia đình là một khoản tiền mặt. “Lễ đen” là lệ ở vùng quê này bắt buộc phải có một khoản “tiền tươi, thóc thật” của nhà trai đưa cho nhà gái mới được đón dâu. Có thể chỉ 1-2 triệu nhưng cũng có khi lên tới 20 triệu tùy vào từng gia đình, từng dòng họ.
Con gái ông bà Văn Đỗ-cô dâu vắng mặt trong lễ cưới, ảnh do bố mẹ nhân vật cung cấp |
Mấy ông đại diện cho hai họ đứng lên, xoa xoa tay vào nhau, chậm rãi phát biểu vài câu, đại ý từ bây giờ nhận nhau làm thông gia rồi hai bà thông gia tất tả lên tầng hai. Ở đó, một ban thờ gia tiên đã được trang hoàng đẹp đẽ với hương hoa, phẩm oản, đèn nến đầy đủ. Trước ban thờ, bà thông gia từ Hải Phòng đại diện cho chú rể thắp hương khấn vái, lẩm bẩm một hồi còn bà Đang Thị (đã đổi họ tên, vợ ông Văn Đỗ) đại diện cho cô dâu cũng thắp hương, đáp lễ rằng: “Con nam mô a di đà phật. Con nam mô a di đà phật. Con nam mô a di đà phật. Hôm nay là ngày vui của hai cháu nhưng bởi chúng ở xa nên không về được. Con khấn ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho các cháu được khỏe mạnh, hạnh phúc, đôi bên gia đình đi lại được an toàn, trọn vẹn”.
Nén hương trên bàn thờ mới cháy được phân nửa thì trong nhà rạp tiếng chúc tụng nhau đã rộ lên từng chặp: “một, hai ba, uống”. Nhà trai ở Hải Phòng có hơn 10 người xếp vừa đủ 2 mâm còn nhà gái đông hơn xếp kín thêm 14 mâm nữa. Thức ăn vẫn còn đầy ú ụ trên bàn nhưng mấy chai rượu đã vơi vợi đi, mặt ai nấy đều từ hồng hào đến đo đỏ. Một số người toan bước về, theo thói quen vẫn thắc mắc không biết thùng phong bì ở đâu để mà bỏ nhưng bà vợ ông Đỗ phân bua: “Đám cưới nào cũng có phong bì cả nhưng riêng gia đình tôi do các cháu không có nhà nên không mở rộng, chỉ làm ít mâm mời anh em trong họ chứ không mời dân làng. Tinh thần gọn nhẹ là chính các ông các bà ạ”.
Con gái ông bà Văn Đỗ bên chồng mới cưới, ảnh do bố mẹ nhân vật cung cấp |
Họ nhà bà to, họ nhà chồng còn to hơn nên mỗi lần họp họ đều phải trên dưới 30 mâm người lớn nhưng cũng chẳng dám mời rộng. Lý do chính mà họ giải thích cho tôi là tiết giảm gánh nặng cho con cái cũng chỉ là lý do phụ. Hàm ý sâu xa bên trong là ông bà phòng sau này chúng về nước muốn tổ chức đám cưới lần nữa thì hóa ra mình hai lần thu tiền mừng à?... Họ nhà trai ăn uống xong liền xin phép về luôn để từ đó đến nay họ nhà gái cũng chưa một lần nào được đến thăm nhà trai.
Nói trắng phớ ra thì thế này...
Ông bà Văn Đỗ có tổng cộng 3 người con gái. Đứa đầu yên phận cưới chồng ở quê còn hai đứa sau theo đuổi mộng làm giàu nhờ xuất khẩu lao động. Năm 2008 Văn Thị Hờ (đã đổi họ tên) đi Đài Loan theo dạng vừa học vừa làm với mức môi giới hết 160 triệu. Cả đời bới đất, lật cỏ ông bà cũng chỉ dành dụm được một góc nhỏ của số tiền khổng lồ ấy nên hết “vay nguội” rồi lại “vay nóng” khắp lượt anh em, họ hàng.
Làm được mấy tháng thấy không ăn thua nên Hờ bỏ trốn ra ngoài lao động chui nhưng cũng không khá khẩm hơn là mấy vì dính ngay đận khủng hoảng kinh tế thế giới khiến cho nhiều nhà máy, xí nghiệp của Đài Loan phá sản hàng loạt. Cuối cùng cô đành phải chấp nhận đi làm phục vụ quán với thu nhập khoảng chừng 20 triệu đồng/tháng. Năm 2015 Hờ bỏ Đài Loan về quê lấy chồng.
Ông bà Văn Đỗ kể về đám cưới vắng mặt con |
Tiếp bước theo chị, cô em Văn Thị Tú (đã đổi họ tên) năm 2010 lại đi Đài Loan theo dạng vừa học vừa làm với chi phí môi giới rẻ hơn, mất có 70 triệu. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, Tú bỏ ra ngoài làm chui vì lúc ký hợp đồng với công ty lương 14 triệu/tháng nhưng thực tế chỉ được có 7-8 triệu/tháng, không biết bao giờ có thể hoàn vốn chứ không nói đến mộng làm giàu kiếm tiền mua đất, xây nhà. Trong quá trình lang bạt làm ăn ấy Tú gặp và yêu một người mà nay thành chồng vừa cưới.
Ông Văn Đỗ không cần rào đón giải thích thẳng: “Nói trắng phớ với nhau là như thế này, bây giờ chúng nó ăn ở với nhau như vợ chồng trước sau thì cũng phải cưới. Họ nhà trai người ta đặt vấn đề từ năm ngoái cơ nhưng do tuổi tác không hợp nên đành để sang năm nay. Nếu chúng ở nhà, theo phong tục cưới xin phải có họ có hàng, có bạn có bè nhưng giờ chúng vắng mặt thôi thì đại diện hai bên gia đình thông báo với nhau đại loại rằng con tôi con ông yêu nhau nên chúng ta cùng tổ chức cưới”.
Còn bà vợ của ông thì ngậm ngùi bình luận: “Con gái tôi bảo mai kia mà về cũng sẽ tổ chức lại đám cưới mời bạn mời bè cho vui nhưng cũng chẳng nói là bao giờ sẽ về được. Nghĩ cũng tủi thân cho con nó không được dự đám cưới của chính mình. Thương em, chị gái thứ hai của nó hôm ấy cũng dùng điện thoại để quay video rồi đưa lên facebook để cho con Tú xem cảnh đám cưới của chính mình”. Năm 2017 hai vợ chồng ông bà Văn Đỗ đã được người con gái mời đi Đài Loan chơi một chuyến phần để thăm con, phần để biết mặt rể. Khi về làng ông bà kể cả tháng cũng không hết những chuyện sạch, chuyện đẹp ở xứ người.
Ông Hoàng Văn Toan-Chủ tịch xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thống kê địa phương có trên 200 lao động đi xuất khẩu ở các nước, trung bình mỗi năm gửi về 60-70 tỉ đồng. Trong hơn 200 người ấy, khoảng trên 50% đã có gia đình, không tính còn lại là lực lượng trẻ trai chưa vợ, gái chưa chồng nên họ tìm hiểu nhau bên đó. Một số có chửa, không về được nên ở nhà cứ việc tổ chức ăn hỏi, cưới mà không có cô dâu, chú rể. Ngay cả quê ngoại nhà ông bên thị xã Chí Linh cũng có mấy trường hợp cưới không có cô dâu, chú rể mà còn tổ chức to, cỗ bàn đông và vui lắm! |