Hình mẫu đóng góp của quốc tế vào nông nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn vừa qua, dự án đầu tiên mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) cam kết hỗ trợ triển khai cho ngành nông nghiệp nước ta đó là Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chọn 2 ngành hàng đặc biệt quan trọng của ngành nông nghiệp nước ta là lúa gạo và cà phê để ưu tiên triển khai dự án. Dự án đã được thực hiện ở 13 tỉnh, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên cho ngành hàng cà phê và 8 tỉnh vùng ĐBSCL cho ngành hàng lúa gạo.
“Tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu của Dự án sẽ kết thúc vào 30/6/2022. Hiện tất cả các tiêu chí đặt ra của Dự án đều đã được triển khai và hoàn thành rất xuất sắc. Việc triển khai Dự án không chỉ có ý nghĩa, tác động cả về hiệu quả kinh tế như cải thiện năng suất, chất lượng cho ngành hàng lúa gạo và cà phê, mà còn cải thiện, tạo chuyển biến hết sức tích cực về vấn đề môi trường và cả về yếu tố xã hội”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, World Bank đánh giá Dự án VnSAT là dự án hình mẫu. Từ Dự án VnSAT, chúng ta cũng đã xác định việc sản xuất đối với lúa gạo và cà phê nói riêng, các ngành hàng khác của nông nghiệp nói chung luôn luôn phải hướng tới mục tiêu phải phát triển bền vững. Không chỉ tăng năng suất mà phải đi đôi với giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất… Từ việc giảm chi phí sản xuất, sẽ có tác động giúp bảo vệ môi trường tốt hơn, đặc biệt là việc giảm được phân bón, thuốc BVTV trong trồng trọt.
“Đây là cách tiếp cận rất đúng, và cũng không phải là điều gì quá xa xôi, mà bản thân chúng ta cũng có thể tổng kết thành các gói kỹ thuật để đưa vào sản xuất, kết hợp với việc tổ chức sản xuất của nông dân, hỗ trợ hợp tác xã/tổ chức nông dân để liên kết khép kín trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, từ Dự án VnSAT, Bộ NN-PTNT cùng với World Bank và các địa phương sẽ cùng nhau tổng kết dự án để mở ra với các đối tác mới, các dự án mới trong giai đoạn tới.
Khảo sát tình hình phát triển các vùng cà phê tại Tây Nguyên cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, quan điểm, định hướng trong phát triển cà phê của Tây Nguyên là sẽ hình thành ngành hàng cà phê bền vững để đi xa hơn. Vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai Dự án VnSAT và một số dự án phát triển cà phê bền vững khác. Đối với ngành cà phê Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT sẽ phát triển ngành hàng logistic cà phê để tạo ra cây cà phê có giá trị gia tăng hơn, có nhiều sản phẩm tinh tế, vượt trội hơn thời gian vừa qua. Từ đó tạo ra chuỗi giá trị cho cây cà phê.
Thay đổi tư duy, tập quán sản xuất
Đánh giá kết quả Dự án VnSAT tại hội nghị tổng kết dự án ngày 14/1/2022, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng các đơn vị thực hiện đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, tìm ra nhiều giải pháp "thuận thiên", thúc đẩy liên kết đa giá trị của chuỗi ngành hàng cho lúa gạo và cà phê, nhất là đã thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của nông dân.
Lấy ví dụ về việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh đến năng suất vượt trội của vùng này, nhất là từ khi Dự án VnSAT được triển khai. Về giống, sau thời gian dài thực hiện Dự án VnSAT, Việt Nam đang có những giống cà phê chịu được hạn hán, năng suất cao đồng đều và rải vụ, giúp giãn lao động, giãn thị trường, không dồn dập vào một thời điểm.
Những năm qua, mặc dù giá cà phê giảm sâu song với những tác động từ Dự án VnSAT, nông dân vẫn giữ được sức khỏe vườn cây, năng suất tiếp tục tăng. Đặc biệt về tái canh cà phê, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện bài bản, thay giống mới nhưng năng suất không giảm. Kết quả nổi bật nhất trong thực hiện dự án là các tiểu dự án đạt và vượt kế hoạch đặt ra.
Đánh giá cao những tác động của Dự án VnSAT tới sản xuất, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thời gian qua cũng đã chỉ đạo bên cạnh việc đảm bảo các nội dung về đầu tư, xây dựng công trình của dự án, các địa phương cần phải tiếp tục duy trì thực hiện các hoạt động mang tính chất “mềm”, không ngơi chỉ đạo nhân rộng các giải pháp kỹ thuật để lan tỏa ra sản xuất, ví dụ các quy trình kỹ thuật trong canh tác lúa như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Bởi hiện nay, giá phân bón tăng cao, các tiến bộ kỹ thuật mà Dự án VnSAT chuyển giao sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất lúa gạo, nâng cao lợi nhuận cho người dân. Vì vậy thời gian tới, Ban Quản lý Dự án VnSAT cũng như các địa phương cần tiếp tục đánh giá kết quả trong thực tế sản xuất của dự án để nhân rộng.
Thay đổi bộ mặt ngành hàng lúa gạo và cà phê
Đánh giá về những giá trị, tác động mà Dự án VnSAT mang lại, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, dự án không chỉ có tác động to lớn mà còn là tiền đề để phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu lúa gạo và cà phê bền vững.
Theo ông Thịnh, đây là một trong những dự án đầu tư của Nhà nước rất hiệu quả. Hai ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên sau 5 năm thực hiện Dự án VnSAT đã có thay đổi thực sự. Như cà phê ở Tây Nguyên, có những điểm Dự án VnSAT đã làm được và làm rất tốt. Đầu tiên là làm chuyển đổi nhận thức về canh tác cà phê theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những khóa đào tạo nông dân, HTX/tổ chức nông dân miệt mài của Dự án VnSAT về sản xuất theo tiêu chuẩn đã làm chuyển biến nhận thức về canh tác cà phê bền vững.
Việc áp dụng những tiêu chuẩn, ban đầu chỉ có khoảng 10% làm theo các tiêu chuẩn 4C thì hiện nay đã có khoảng 50% diện tích cà phê của chúng ta đã trồng theo tiêu chuẩn. Hiện nay, việc Dự án VnSAT khuyến cáo chuyển đổi sang canh tác bền vững như dùng phân vi sinh hữu cơ là bước cực kỳ lớn trong việc chuyển đổi nhận thức của người trồng cà phê ở Tây Nguyên.
Kết quả thứ hai là thay đổi về hạ tầng, nhất là hạ tầng canh tác, trong đó đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là các HTX. Có 42 HTX trồng cà phê được Dự án VnSAT hỗ trợ hạ tầng là một trong những thành tựu thay đổi cả nhận thức về liên kết chuỗi. Liên kết phải có những điều kiện, ví như các doanh nghiệp liên kết với HTX thì các HTX phải đáp ứng được các điều kiện như hạ tầng, kho bãi để tập trung nguyên liệu cho chế biến, thậm chí là sơ chế thô ban đầu.
Việc đầu tư của Dự án VnSAT vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kinh doanh của HTX, cùng đường sá trong các khu sản xuất theo quy chuẩn rất tốt. Ngoài đầu tư hạ tầng, chuyển biến về nhận thức, Dự án VnSAT đã tổ chức các hiệp hội ngành hàng để đảm bảo các điều kiện cho phát triển ngành hàng lúa gạo và cà phê bền vững.
"Tôi nhấn mạnh Dự án VnSAT là một trong những dự án đầu tư của Nhà nước có hiệu quả nhất từ trước đến nay đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững", ông Thịnh đánh giá.
Qua chuyến khảo sát các mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cà phê của Dự án VnSAT tại các tỉnh Tây Nguyên hồi cuối tháng 12/2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã đánh giá cao những kết quả đạt được và những tác động rất lớn của Dự án VnSAT đối với ngành hàng cà phê và kinh tế nông nghiệp địa phương.
Thứ trưởng Nam yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án vùng nguyên liệu bền vững đạt chuẩn. Đồng thời gợi ý: Để làm được việc này, phải xây dựng và phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng, truyền thông và phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, tư vấn phát triển các HTX, kết nối thị trường cho nông dân; đẩy mạnh kết nối, liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp với HTX, nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê.
“Để xây dựng được vùng nguyên liệu, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ đầu tư một phần đường giao thông, nhà kho, sân phơi, silo chứa cà phê... Vùng nguyên liệu sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi cà phề bền vững, từ đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác để có vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết.