| Hotline: 0983.970.780

Những giải pháp đưa trái cây Việt Nam đi sâu vào Trung Quốc

Thứ Ba 15/10/2024 , 15:09 (GMT+7)

Để trái cây Việt Nam đi sâu vào thị trường Trung Quốc, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về bảo quản, logistics, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau...

Người dân Bắc Kinh quan tâm tới dừa tươi Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân Bắc Kinh quan tâm tới dừa tươi Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), thị trường trái cây ở khu vực phía Bắc Trung Quốc là rất lớn và đầy tiềm năng cho trái cây Việt Nam. Nhưng để đưa trái cây của Việt Nam đi sâu vào nội địa Trung Quốc, trước hết phải tổ chức lại sản xuất trái cây theo hướng sản xuất lớn, sản xuất tập trung và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và đáp ứng được các quy định của thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần có công nghệ bảo quản tốt để trái cây vẫn giữ được chất lượng sau thời gian dài vận chyển. Cùng với đó là đầu tư phát triển những phương thức và phương tiện vận chuyển phù hợp nhất với xuất khẩu trái cây. Mục đích là đưa trái cây Việt Nam tới được Bắc Kinh, các tỉnh phía Bắc và các khu vực ở sâu trong lục địa của Trung Quốc trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể.

Công nghiệp chế biến rau quả, nhất là chế biến trái cây cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để tạo ra nhiều những sản phẩm đa dạng, hợp thị hiếu người tiêu dùng, qua đó, có thể cung cấp cho người tiêu dùng ở Bắc Kinh và các vùng ở sâu trong nội địa Trung Quốc có thêm nhiều sự lựa chọn hơn đối với trái cây Việt Nam. Trái cây chế biến với thời gian bảo quản lâu, cũng là cách để vận chuyển sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, trong đó có các tỉnh phía Bắc.

Sầu riêng - loại trái cây số 1 trong xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sầu riêng - loại trái cây số 1 trong xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Về phía các doanh nghiệp, ông Bình cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần phải tự nâng cao khả năng cung ứng trái cây, khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bởi nhìn chung người Việt Nam vẫn thích bán tại chỗ, khi khách hàng có nhu cầu đến hỏi mua thì chúng ta bán hàng chứ chưa có thói quen, chưa có sự chủ động để đưa hàng hóa của mình đến những thị trường lớn, những trung tâm phân phối, hệ thống tiêu thụ hiện đại…

Vì vậy, để đưa trái cây Việt Nam đi sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, để có thể là đáp ứng tốt hơn nhu cầu trái cây ở Trung Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp muốn có thêm nhiều khách hàng, thì cần phải tích cực đi đến những chợ lớn đầu mối lớn ở những khu vực xa hơn nhằm tiếp cận những khách hàng mới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đưa trái cây Việt Nam đi sâu vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, Vinafruit sẽ xem xét, sắp xếp, tổ chức lại các hoạt động nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp để cùng nhau đưa trái cây Việt Nam đến những khu vực, những thị trường mới, cùng tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội mới về thị trường. Vinafruit sẽ cố gắng làm sao để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau, qua đó bảo vệ được lợi ích của các doanh nghiệp.

Còn đối với các bộ, ngành liên quan, ông Bình đề nghị, với các Nghị định thư đã kí kết với Trung Quốc, cần tiếp tục đàm phán để phía Trung Quốc cấp thêm các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm gia tăng diện tích, sản lượng các loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán về các Nghị định thư mới để có thêm những loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc, nhất là những loại trái cây có nhiều tiềm năng xuất khẩu như bưởi, na, bơ …

Xem thêm
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và 'cuộc chiến' chất lượng

'Cạnh tranh về chất lượng giữa các doanh nghiệp FDI và nội địa, các doanh nghiệp FDI với nhau, nội địa với nhau sẽ ngày càng khốc liệt', TS Võ Trọng Thành nhận định.

Tái đàn đón thị trường Tết: Người tự tin người e dè dịch bệnh

THÁI NGUYÊN Sau khi vệ sinh môi trường, sửa chữa chuồng trại, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn vật nuôi để đón đầu nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng cao vào cuối năm.

Tiến tới nông thôn số - nông dân số

Bộ NN-PTNT đã và đang có nhiều chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh lấy người dân làm trung tâm.

Bình luận mới nhất