Lượng ngô tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ tăng 16% vào năm 2027, trong đó ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi sẽ tăng từ 56% lên 58%. Nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Úc hay các nước thuộc khối Liên minh châu Âu đã chuyển sang sử dụng ngô sinh khối cho ngành chăn nuôi, chiếm tỷ trọng gần 50%.
Thức ăn thô xanh hàng đầu cho chăn nuôi
Xu hướng các nước như Úc, Mỹ, New Zealand, Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối dùng làm thức ăn chăn nuôi được thúc đẩy bởi kết quả nhiều nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới, theo đó, cho thấy ngô sinh khối có nhiều ưu điểm vượt trội để làm thức ăn thô xanh hàng đầu. Ngô sinh khối lấy được tất cả các bộ phận từ thân, lá, bắp, đồng thời rất giàu chất xơ, nhiều protein và có hàm lượng dinh dưỡng cao, với chỉ số RDF, NDF phù hợp cho gia súc ăn cỏ. Nhờ những ưu điểm đó, ngô sinh khối đã trở thành loại cây chủ lực được chọn làm thức ăn ủ chua dùng cho chăn nuôi trên thế giới trong hơn 2 thập niên gần đây.
Tại Việt Nam, do không có đồng cỏ tự nhiên, nên nước ta có nhu cầu rất lớn về thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ để phục vụ mục tiêu đạt quy mô chăn nuôi 2,4 – 2,6 triệu con trâu, 6,5 - 6,6 triệu con bò thịt, 650 - 700 ngàn con bò sữa và 4 – 4,5 triệu con dê, cừu được nêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nước ta chỉ mới có hơn 50 ngàn ha trồng ngô sinh khối, năng suất từ 120-150 tấn/ha/năm, chiếm tỷ lệ rất thấp trên tổng diện tích gieo trồng của cả nước. Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu tính trên định mức kinh tế kỹ thuật, cần có tổng diện tích trồng cây thức ăn thô xanh vào năm 2030 lên gần 1 triệu ha thì mới đủ khối lượng thức ăn thô xanh (khoảng 55 triệu tấn) cho đàn gia súc ăn cỏ theo mục tiêu định ra.
Trong bối cảnh này, ngô sinh khối sẽ là giải pháp then chốt cho ngành chăn nuôi Việt Nam, với vai trò là cây trồng chủ lực đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh bền vững. Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua đã chỉ đạo các địa phương có điều kiện khuyến khích bà con nông dân trồng ngô sinh khối trên đất hai vụ lúa và vụ đông.
Điều này vừa giúp nông dân giảm áp lực về nguyên liệu ngũ cốc đầu vào, vừa chủ động được nguồn thức ăn thô xanh có chất lượng, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, việc trồng ngô sinh khối để tự nuôi gia súc ăn cỏ hoặc bán cho các doanh nghiệp chăn nuôi thường có lãi gấp từ 2,5 - 3,5 lần so với trồng lúa - đây cũng là một động lực kinh tế quan trọng giúp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Tạo dựng chuỗi lợi ích chung
Với thời gian trên ruộng chỉ khoảng 80-85 ngày và thu hoạch vào giai đoạn chín sáp sẽ cho khối lượng sinh khối cao nhất, ngô sinh khối có giá thu mua từ 800.000 – 900.000 đồng/tấn, bà con có thể thu lãi khoảng 20-25 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều cây trồng khác. Đồng thời, giai đoạn chín sáp ngô sinh khối có hàm lượng dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò thịt hoặc bò sữa ăn thức ăn này sẽ cho chất lượng thịt, sữa tốt nhất.
Như vậy, việc triển khai các mô hình sản xuất ngô sinh khối bền vững sẽ mang lại hiệu quả cho cả ba bên: người nông dân, nhà chăn nuôi và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ của các doanh nghiệp ngày càng lớn cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường mối liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất – tiêu thụ, từ đó tạo dựng chuỗi lợi ích chung.
Để hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất ngô sinh khối bền vững, đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững, giống chuyên dùng cho sản xuất ngô sinh khối có vai trò quan trọng hàng đầu. Hiện trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm hạt giống ngô sinh khối khác nhau, trong đó, được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi nhất tại tất cả các vùng trồng ngô sinh khối phải kể đến hai giống NK7328 và NK7328Bt/GT (giống ngô kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ) của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam.
Qua nhiều vụ trồng, vùng trồng ở nhiều địa phương trên cả nước như vùng Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hai giống ngô sinh khối NK7328 và NK7328Bt/GT đã thể hiện các ưu điểm vượt trội như: cây sinh trưởng, kết hạt tốt, màu hạt đẹp, chống chịu tốt với nhiều loại sâu bệnh hại như bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, bộ lá xanh bền đến khi thu hoạch, với công nghệ Agrisure kháng sâu đục thân và có xử lý Cruiser bảo vệ cây con, không lo sâu xám.
Ông Đỗ Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa cho hay: “Bà con nông dân khi canh tác giống ngô NK7328 đều thấy giống này có khả năng thích nghi rộng, dễ canh tác, cho năng suất hạt, năng suất sinh khối. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích bà con lựa chọn giống ngô sinh khối này để canh tác vừa giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc, nhưng vẫn đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao giúp cải thiện thu nhập và đời sống của bà con trong khu vực. Giống NK7328 đã và đang là giống ngô chủ lực tại quê hương tôi”.