| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình làm sạch môi trường nuôi biển [Bài 2]: Xã hội hóa thu gom rác thải trên vịnh Vân Phong

Thứ Ba 19/12/2023 , 11:10 (GMT+7)

Để hạn chế rác thải từ các vùng nuôi lồng bè, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho thực hiện mô hình xã hội hóa thu gom rác thải trên biển.

Các bè nuôi biển ở khu vực Hòn Ông, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh hiện đã bố trí thùng rác để thu gom rác sinh hoạt, không vứt xuống biển. Ảnh: KS.

Các bè nuôi biển ở khu vực Hòn Ông, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh hiện đã bố trí thùng rác để thu gom rác sinh hoạt, không vứt xuống biển. Ảnh: KS.

Người nuôi hưởng ứng thu gom rác thải

Chiếc cano đưa chúng tôi ra khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Hòn Ông, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh trước mắt hiện ra lồng bè dày đặc.

Điều chúng tôi bất ngờ rác sinh hoạt, túi ni lông không còn tình trạng trôi nổi nhiều trên mặt nước như trước đây từng đến. Trên các bè đều có thùng xốp đựng rác hoặc rác thải được người nuôi thu gom gọn gàng bỏ trong bao.

Ghé bè anh Đặng Khắc Độ, ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) hiện nuôi tôm hùm ở khu vực này cho biết, trước đây cũng như các vùng nuôi lồng bè khác, người dân trên các bè nuôi sinh hoạt vứt rác bừa bãi xuống mặt biển. Rác theo dòng nước trôi nổi tấp vào bè trông rất nhếch nhác và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều ghe, tàu chạy qua lại trên biển bị vướng vào chân vịt phải lặn xuống gỡ rác gây mất nhiều thời gian. Hơn nữa, thời tiết bình thường còn đỡ, chứ lúc mưa gió lặn xuống biển gỡ rác rất cực khổ.

Vùng nuôi trở nên sạch sẽ hơn, không còn thấy rác sinh hoạt trôi nổi như trước đây. Ảnh: KS.

Vùng nuôi trở nên sạch sẽ hơn, không còn thấy rác sinh hoạt trôi nổi như trước đây. Ảnh: KS.

Trước thực trạng này, từ ngày UBND xã Vạn Thạnh thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải tại các vùng nuôi lồng bè trên địa bàn, đã làm môi trường nơi đây trở nên sạch sẽ.

Theo người nuôi, kinh phí đóng hàng tháng trong việc thu gom rác từ các bè được người nuôi và đơn vị thu gom rác thỏa thuận với mức giá từ 80 - 150 ngàn đồng đối với bè lớn và 50 ngàn đồng đối với bè nhỏ.

Anh Đặng Khắc Độ tỏ vẻ đồng tình với việc thu gom rác thải này nhằm bảo vệ môi trường cũng như sinh kế lâu dài của người dân, trước thực trạng vùng nuôi đã và đang suy giảm.

Đến bè anh Trần Văn Tri, ở xã An Ninh Đông cũng nuôi tôm hùm ở khu vực Hòn Ông, chứng kiến rác sinh hoạt có bỏ vào thùng đựng.

Anh Trần Văn Tri cho biết, hiện nay bè nào cũng bỏ thùng thu gom rác sinh hoạt và thức ăn dư thừa từ nuôi tôm cá. Theo quy định cứ 2 - 3 ngày là có người thu gom rác trên các bè. Từ ngày thực hiện thu gom rác này, anh thấy môi trường xung quanh khu vực nuôi đã bớt rác thải rất nhiều.

Ghe đi thu gom rác tại vùng nuôi lồng bè ở xã Vạn Thạnh. Ảnh: KS.

Ghe đi thu gom rác tại vùng nuôi lồng bè ở xã Vạn Thạnh. Ảnh: KS.

Do đó, anh tin rằng nếu mỗi bè nuôi đều chấp hành gọn gàng, không xả rác bừa bãi xuống biển như hiện tại thì môi trường sẽ khởi sắc trở lại. Khi đó, bà con nuôi tôm cá sẽ thuận lợi. Do đó, anh mong rằng mô hình này sẽ được duy trì và nhân rộng tại các địa phương khác để môi trường xanh sạch đẹp.

Phần đông người nuôi đã thay đổi nhận thức

Rời Hòn Ông, chiếc cano tiếp tục hành trình đưa chúng tôi ra khu vực nuôi thủy sản lồng bè ở Mũi Me, nằm trên vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, đúng hôm nay đến lượt thu gom rác. Từ sáng sớm, chiếc ghe có 2 người phụ trách đã có mặt tại vùng nuôi này thực hiện thu gom rác từ các bè tương đối nhiều.

Ông Trần Thiện Toàn, ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, là người tổ chức điều hành việc thu gom rác cho biết, ngoài thu gom rác trên bờ, ông có 3 chiếc ghe thay nhau thu gom rác tại 4 khu vực nuôi trồng lồng bè trên địa bàn xã gồm Đầm Môn, Bãi Giếng, Mũi Me và Hòn Ông. Mỗi ngày lượng rác được thu gom tại các bè khoảng 3 tấn. Rác được thu gom đưa về cảng Đầm Môn, sau đó có xe chở đến nơi tập kết để xử lý theo quy định.

Theo ông Trần Thiện Toàn, đây là năm thứ 4, ông thực hiện việc thu gom rác thải tại các vùng nuôi lồng bè trên biển. Phần đông bà con đã ý thức vấn đề ô nhiễm môi trong vùng nuôi nên rất đồng tình hưởng ứng việc thu gom này.

Mỗi ngày lượng rác thải được ghe thu gom khoảng 3 tấn đưa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

Mỗi ngày lượng rác thải được ghe thu gom khoảng 3 tấn đưa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số bà con chưa ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường vùng nuôi. Do đó, ông mong rằng, các cơ quan ban ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nuôi chung tay bảo vệ môi trường biển được tốt hơn.

Ông Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, thời gian qua để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, địa phương đã tuyên truyền, vận động người nuôi thu gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm cá vào bờ xử lý theo quy định. Đồng thời, địa phương cho chủ trương để một đơn vị trên địa bàn xã thực hiện xã hội hóa thu gom rác trên biển tại vùng nuôi thủy sản lồng bè.

Ban đầu, nhiều người nuôi không chấp nhận vì phải đóng phí hàng tháng. Tuy nhiên dần về sau này, nhiều người nuôi đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi. Từ đó bỏ rác vào một góc bè để đơn vị thu gom rác đưa vào bờ xử lý. Nhờ vậy việc bảo vệ môi trường vùng nuôi đang mang lại hiệu quả tích cực.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất