| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình làm sạch môi trường nuôi biển [Bài 3]: Cộng đồng tự nguyện thu gom rác thải

Thứ Tư 20/12/2023 , 11:21 (GMT+7)

Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải tại vùng nuôi biển ở Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) cần được nhân rộng để giảm thiểu ô nhiễm.

Mô hình khẳng định hiệu quả

Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu (Phú Yên), trước đây, Sở TN-MT tỉnh Phú Yên đã thực hiện dự án thu gom rác thải, chất thải nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường vùng nuôi biển ở khu phố Phước Lý thuộc phường Xuân Yên. Đến nay, dù dự án nói trên đã kết thúc, nhưng do hiệu quả của mô hình đã mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi, nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi, do đó người nuôi trồng thủy sản ở Phước Lý hiện vẫn tiếp tục thực hiện một cách tự nguyện.

“Hiệu quả của dự án thu gom rác thải trên biển, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tại khu phố Phước Lý đã nâng cao ý thức của người nuôi biển ở đây, dù dự án đã kết thúc, nhưng người nuôi biển ở Phước Lý hiện vẫn tự giác tập kết rác thải trong vùng nuôi theo hình thức thu gom rác sinh hoạt. Người này làm người kia thấy làm theo, lâu dần hình thành thói quen trong cộng đồng. Rác thải sinh hoạt trong hoạt động nuôi tôm hùm trên vùng nuôi được người nuôi gom hết lại trên bè, đưa vào trong bờ tập kết tại vị trí thu gom rác sinh hoạt để đưa đi tiêu hủy”, ông Nguyễn Thái Hải Anh chia sẻ.

Người tôm tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) tự nguyện thu gom vỏ tôm lột mang vào bờ đưa đi tiêu hủy chứ không vứt bừa bãi xuống biển như trước đây. Ảnh: V.Đ.T.

Người tôm tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) tự nguyện thu gom vỏ tôm lột mang vào bờ đưa đi tiêu hủy chứ không vứt bừa bãi xuống biển như trước đây. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ngành chức năng thị xã Sông Cầu, rác thải sinh hoạt, rác thải từ biển và từ hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống và môi trường vùng nước nuôi, là nguyên nhân dẫn tới tôm, cá chết đột ngột gây thiệt hại cho người nuôi.

Để giải quyết vấn nạn này, các ngành chức năng của thị xã Sông Cầu xây dựng các mô hình thu gom rác thải, chất thải trong các khu dân cư gần biển và trên lồng bè. Hiện các mô hình nói trên tại thị xã Sông Cầu đang hoạt động ổn định, địa phương này đã thành lập được tổ thu gom với 36 xe đẩy rác. Rác thải được thu gom trung chuyển với tần suất 3 lần/tuần. Người dân ở đây đã hình thành được thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác trôi nổi ngay tại bè hay trên bãi biển…

Lan tỏa mô hình hay

Anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) chia sẻ: “Từ khi mô hình thu gom rác thải hình thành tại địa phương, gia đình tôi lập tức bỏ ngay theo thói quen vứt rác ra biển để sóng cuốn đi. Tôi tự làm một cái thùng rác đặt trên bè nuôi, rác thải trong hoạt động nuôi tôm hùm như bì nhựa, thức ăn thừa của tôm sau khi làm vệ sinh lồng, vỏ tôm lột và rác thải trong sinh hoạt tôi cho hết vào thùng, chiều cho lên ghe chờ về bờ đưa đến nơi tập kết rác. Vợ chồng tôi căn dặn con cái ở nhà phải để rác đúng nơi quy định để xe của công nhân vệ sinh thu gom”.

Đầm Ô Loan nằm trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên) cũng lan tỏa thu gom rác thải trên biển, nạn ô nhiễm trên những vùng nuôi biển đã dần được cải thiện. Các trường hợp sử dụng cọc tre, lưới mùng để khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực đầm Ô Loan đã được chính quyền địa phương xử lý triệt để, tạo thông thoáng, hạn chế ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy sản trong đầm.

Người nuôi tôm hùm đã ý thức gom rác thải vào thùng đựng rác để đưa lên bờ xử lý. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm hùm đã ý thức gom rác thải vào thùng đựng rác để đưa lên bờ xử lý. Ảnh: KS.

Theo người dân ở các vùng nuôi biển của thị xã Sông Cầu, hiện nay, có 1 thực trạng mà ngành chức năng cần khắc phục là hạ tầng khu rác thải tập trung của thị xã Sông Cầu đang lâm cảnh quá tải trong việc thu gom rác sinh hoạt, điều này cũng gây khó không ít cho việc xử lý rác thải của các vùng nuôi biển.

Hơn nữa, rác thải trên bờ thì được đơn vị chức năng thu gom định kỳ theo lịch, mà rác thải ở những vùng nuôi trong đó có thức ăn thừa trong nuôi trồng thủy sản nếu đưa vào bờ mà không được thu gom đưa về khu rác thải tập trung ngay thì sẽ bốc mùi tanh tưởi, gây ô nhiễm cho những khu dân cư lân cận. Với lại, những điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên bờ không có nhiều cũng gây khó thêm cho việc thu gom rác thải của hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, phường Xuân Yên đã triển khai mô hình thu gom chất thải trong nuôi trồng thủy sản từ cuối năm 2019, đến nay, người dân địa phương này vẫn thực hiện mang rác thải vào bờ đúng vị trí và thời gian để đội trung chuyển thu gom.

Tại phường Xuân Yên hiện có 11 điểm tập kết dưới bờ biển, tại mỗi điểm tập kết rác thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản được đặt 1 xe đẩy tay do Sở TN-MT Phú Yên hỗ trợ. Dự án thu gom rác thải ở những vùng nuôi biển cũng cấp phát 387 giỏ đựng chất thải cho các hộ nuôi trồng thủy sản để các hộ nuôi mang chất thải từ ngoài bè nuôi vào bờ. Tinh thần tự nguyện thu gom rác thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản từ mô hình được xây dựng tại phường Xuân Yên cần được nhân rộng ra những vùng nuôi biển ở Phú Yên.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.