HTX Vườn cây trái Trường Khương A tại xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ sau 7 năm thành lập đã có 45 thành viên với diện tích gần 50ha vườn cây ăn trái. Trong năm 2022, HTX chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty chế biến nông sản, xuất khẩu hơn 90 tấn vú sữa sang các thị trường lớn.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A cho biết, vườn cây ăn trái của HTX đạt năng suất khoảng 10 tấn trái/ha, được doanh nghiệp thu mua với giá trung bình từ 45 - 60 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, nông dân vẫn còn lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Đời sống các xã viên cũng được nâng lên qua các năm, khoảng 90% là hộ khá giàu. HTX còn giải quyết được việc làm cho trên 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Để đạt được những kết quả trên, HTX đã không ngừng thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng tiến bộ KH-CN vào canh tác. Cụ thể, HTX lắp đặt hệ thống phun tưới tự động cho hơn 50ha vườn cây ăn trái, giúp tiết kiệm chi phí, sức lao động cho các thành viên trong HTX.
“Tôi chỉ cần ngồi một chỗ điều khiển hệ thống tưới tự động. Nếu sử dụng hệ thống phun tưới nhỏ giọt cho 1ha sầu riêng, tôi chỉ tốn khoảng 20 nghìn đồng tiền điện/ngày, lại không có khói bụi, máy nổ gây tiếng ồn ảnh hưởng tới hàng xóm. Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới tự động đã giúp bà con tiết kiệm hơn 40% lượng nước so với máy bơm”, ông Chiến cho biết.
Tại Trà Vinh, mô hình sản xuất lúa theo quy trình tưới ngập - khô xen kẽ được triển khai tại huyện Tiểu Cần với diện tích 27,8ha, có 52 hộ tham gia. Nông dân Thạch Rene ở xã Phú Cần chia sẻ: "Gia đình tôi tham gia thực hiện mô hình sản xuất ngập - khô xen kẽ trên diện tích 1ha. Quy trình này có cái lợi cho nông dân là tiết kiệm được số lần bơm tát vào ruộng (từ 8 - 9 lần/vụ lúa, nay giảm còn 4 lần/vụ), mỗi lần tiết kiệm được 300.000 đồng/ha. Ngoài tiết kiệm chi phí, sản xuất ngập - khô xen kẽ giúp cho lúa nở bụi tốt hơn, tăng năng suất, hạn chế lúa đổ ngã".
Tại mô hình sản xuất lúa ngập - khô xen kẽ, được lắp thiết bị đo nước hình trụ đặt ở giữa ruộng lúa. Nông dân sẽ sử dụng thiết bị smartphone dựng lại hình ảnh cột đo và gửi về trung tâm để theo dõi và sẽ phản hồi lại để khuyến cáo nông dân cần bơm nước vào ruộng hay không. Nhờ vậy, lượng nước tưới tiêu của nông giảm đáng kể. Việc sản xuất tiết kiệm nước trong giai đoạn hiện nay (khô hạn, mặn xâm nhập) sẽ giúp nông dân chủ động việc đưa nước vào ruộng với các chu kỳ sinh trưởng của lúa một cách phù hợp.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, qua đánh giá thực tế trên đồng ruộng, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu năng suất cao hơn 25 - 30% so với ruộng đối chứng (không sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh).
Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình bình quân đạt 7,3 - 8,3 tấn/ha (đối chứng 6 - 7 tấn/ha). Về lợi nhuận, sản xuất lúa trong mô hình đạt từ 24 - 26 triệu đồng/ha. Đây là một trong những giải pháp tổng hợp để nông dân canh tác nâng cao năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác...