| Hotline: 0983.970.780

Quẳng nỗi lo khô hạn nhờ hệ thống tưới tiết kiệm VnSAT

Thứ Tư 23/03/2022 , 09:28 (GMT+7)

Trước tình trạng thời tiết khô hạn ở Tây Nguyên, công nghệ tưới tiết kiệm ngày càng được nông dân quan tâm nhờ giảm được nhiều chi phí bơm tưới, tiết kiệm nước.

Năm 2021, vụ cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vừa được mùa vừa được giá, giúp người dân quan tâm hơn tới áp dụng kỹ thuật, công nghệ để cà phê đạt chất lượng tốt, đem lại nguồn thu bền vững. Trồng cà phê, với nhiều nông dân Tây Nguyên bây giờ không còn cuốc cỏ, đào bồn tưới nước rất cực nhọc.

Vừa tiết kiệm nước, vừa thay thế sức người

Những ngày này, thời tiết ở các tỉnh Tây Nguyên càng trở nên hanh khô, cà phê như báo hiệu cây cần nước tưới đợt đầu tiên trong năm. Vườn cà phê nhà anh Siu Bốp ở làng Mnông Yố 2, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, Gia Lai) lá cây ủ rũ dưới cái nắng chói chang. Ngay lập tức, anh Siu Bốp ra mở khóa nước hướng ra vườn cà phê của mình. Chỉ trong chốc lát, làn nước mát rượi đã phun đều vào từng gốc cà phê.

Hệ thống tưới tiết kiệm đang phát huy hiệu quả rất tốt đối với cây cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Hệ thống tưới tiết kiệm đang phát huy hiệu quả rất tốt đối với cây cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Anh Siu Bốp cho biết, mọi năm, anh phải tốn 10 ngày liên tục, làm từ sáng tới tối đêm mới hoàn thành được một đợt tưới cho hơn 2 nghìn cây cà phê. Còn bây giờ, chỉ cần vài lần mở ống – khóa ống, hệ thống tưới bằng công nghệ tiết kiệm mới sẽ thay thế toàn bộ sức người. Cùng với gia đình anh Siu Bốp, nhiều thành viên khác của HTX Sản xuất –Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp và Du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai) cũng đã sử dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc.

“Trước đây, chưa được hỗ trợ hệ thống tưới bằng béc tự động, chúng tôi phải tưới bằng tay, trung bình 1ha mất 4 - 5 ngày. Từ lúc được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tự động, chỉ 1 - 2 ngày đã tưới xong, không tốn công, cũng không tốn điện, nước. Đến mùa mưa, mình bật máy tưới xong rồi bón phân dễ hơn, không khó khăn như trước nữa”, anh Siu Bốp chia sẻ.

Không chỉ ở Gia Lai, nhiều hộ dân tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cũng rất vui mừng khi được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Ông Hoàng Danh Chuyền ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết, năm 2020, gia đình được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối ứng 50/50 hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích hơn 7 ha cà phê.

Gia đình ông Chuyền được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hơn 7ha hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình ông Chuyền được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hơn 7ha hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo đó, trung bình 1 ha đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc hết khoảng 90 triệu đồng thì gia đình chỉ phải bỏ hơn 40 triệu đồng. Chưa kể, do gia đình có sẵn ống nước, máy bơm… nên vốn đầu tư cũng không đáng kể.

Ông Chuyền cho biết, Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho người dân có ý nghĩa rất tốt, giúp nâng cao năng suất, giá trị cho cây cà phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Minh chứng cho thấy, trước đây chưa sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, 1 ha cà phê chỉ cho năng suất 15 tấn tươi, còn hiện tại năng suất đạt trên 20 tấn.

Đặc biệt, hệ thống tưới tiết kiệm giúp gia đình rất nhàn hạ trong việc chăm sóc cà phê và chi phí thuê nhân công cũng chỉ bằng ¼ so với trước đây. Cụ thể, trước đây 1 ha ông Chuyền phải thuê 4 ca tưới, hết 800 ngàn đồng/ngày, còn hiện tại chỉ hết 200 ngàn đồng.

“Hệ thống tưới tiết kiệm còn sướng ở chỗ, nguồn nước không bị phung phí và gốc cây cà phê luôn giữ được độ ẩm cần thiết. Trước đây, gia đình tôi cũng sử dụng hệ thống tưới péc quay trên ngọn nhưng không mang lại hiệu quả, nước bị thất thoát nhiều”, ông Chuyền chia sẻ.

Nhờ hệ thống tưới tiết kiệm, người trồng cà phê giảm được rất nhiều chi phí nhân công bơm tưới, tiết kiệm nước, tiền điện... Ảnh: Đăng Lâm.

Nhờ hệ thống tưới tiết kiệm, người trồng cà phê giảm được rất nhiều chi phí nhân công bơm tưới, tiết kiệm nước, tiền điện... Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Chuyền dẫn chứng trên diện tích 1,5 ha, với péc quay trên ngọn phải tưới mất 42 tiếng nhưng nước bị thất thoát nhiều. Còn với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc chỉ mất 24 tiếng cho 1 đợt tưới là đã đủ lượng nước cho cây cà phê.

“Phải nói rằng, hệ thống tưới tiết kiệm rất hiệu quả khi lượng nước được tưới đều nên những cây cà phê xanh tốt như nhau”, ông Chuyền chia sẻ.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT, năm 2021, Dự án không hỗ trợ lắp đặt thêm các hệ thống tưới tiết kiệm nước cho các tổ chức nông dân do chủ trương được điều chỉnh để tập trung cho đầu tư công.

Kết quả luỹ kế về hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm trên địa bàn tình Gia Lai từ năm 2016 đến nay, Dự án VnSAT đã hỗ trợ đầu tư 187,8 ha cho các HTX và các tổ chức nông dân.

Trong khi đó tại Kon Tum, Dự án VnSAT đã lắp đặt và đi vào vận hành công nghệ tưới tiết kiệm nước phun mưa tại gốc được 89,4 ha với 65 hộ dân thuộc 2 HTX và 2 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đăk Hà.

Chi phí đầu tư cao, người dân mong VnSAT tiếp tục hỗ trợ

Ông Chuyền cũng cho biết, hiện vườn cà phê của gia đình còn 7 ha chưa có hệ thống tưới tiết kiệm. Trong thời gian tới, nếu Dự án VnSAT tiếp tục hỗ trợ, gia đình ông sẽ mạnh dạn đầu tư.

Hệ thống tưới tiết kiệm rất hiệu quả nhưng vốn rất lớn, người dân khó có khả năng đầu tư nếu không có sự hỗ trợ của Dự án VnSAT. Thử nghĩ, nếu vay ngân hàng để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm hết 90 triệu đồng, như vậy trung bình 1 năm phải trả lãi hết khoảng hơn 8 triệu đồng. Trong khi, 1 năm tưới trung bình 5 lần, mỗi lần tưới chi phi hết cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều người dân ngại bỏ khoảng tiền lớn để đầu tư nếu không có sự hỗ trợ 50/50 từ Dự án VnSAT".

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, Kon Tum) cho biết, đến nay Dự án VnSAT đã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho các thành viên HTX với diện tích 37 ha. Với hệ thống tưới tiết kiệm, không chỉ giúp giảm được 50% lượng nước mà còn tiết kiệm được vật tư, nhân công.

Mùa khô hạn, người trồng cà phê không còn phải lo thiếu nước nhờ có hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Đăng Lâm.

Mùa khô hạn, người trồng cà phê không còn phải lo thiếu nước nhờ có hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Đăng Lâm.

Trung bình 1 ha, nếu sử dụng péc trên ngọn tưới mất 2 ngày sẽ hết khoảng 1 triệu đồng tiền điện và 1,2 triệu tiền công/đợt, còn với tưới phun mưa dưới gốc chi phí sẽ giảm được hơn một nửa.

“Bộ NN-PTNT cũng đã nói rất nhiều về câu chuyện đưa những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tái canh cà phê bền vững. Muốn vậy, tất cả đều phải phụ thuộc vào nguồn nước và phân bón. Chính vì vậy, nếu không đầu tư vào thủy lợi cũng như hệ thống tưới tiết kiệm thì sẽ không thể giảm được giá thành trong sản xuất cà phê. Đặc biệt vào mùa khô hạn như bây giờ, nguồn nước lại càng tiêu thụ nhiều, nếu được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, người dân sẽ rất vui mừng, từ đó chuyên tâm hơn vào sản xuất cà phê bền vững”, ông Sáu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tri Sáu, hiện nhu cầu đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm còn rất lớn nhưng do chi phí đầu tư cao khiến nhiều người dân còn e ngại. Chỉ tính riêng trong xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) có hơn 3.000 ha cà phê, nhưng chủ yếu tưới trên ngọn, trong khi diện tích áp dụng tưới phun mưa tận gốc không đáng kể. Do chi phí đầu tư lớn nên rất mong Bộ NN-PTNT cũng như Dự án VnSAT tiếp tục hỗ trợ đầu tư để các thành viên trong HTX hướng đến sản xuất cà phê bền vững, nâng cao năng suất, tăng thu nhập.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất