| Hotline: 0983.970.780

Những người giữ 'huyết mạch' cho cánh đồng

Thứ Ba 19/03/2024 , 10:50 (GMT+7)

Nhờ các tổ thủy nông ở thôn bản, hệ thống kênh mương dài hàng trăm km liên tục được khơi thông, đưa nước tới những cánh đồng để bà con vùng cao gieo cấy.

Hệ thống kênh mương dẫn nước giúp bà con nông dân xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) sản xuất ổn định. Ảnh: Hải Đăng.

Hệ thống kênh mương dẫn nước giúp bà con nông dân xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) sản xuất ổn định. Ảnh: Hải Đăng.

Có nước, canh tác thuận lợi hơn rất nhiều

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, có địa hình chia cắt bởi các dãy núi, xen kẽ những thung lũng nhỏ hẹp là nơi sinh sống và canh tác của bà con nông dân.

Trong 17 xã, thị trấn thì Mường So có thể coi là nơi canh tác lúa tập trung nhất của huyện này khi 80% bà con duy trì sản xuất lúa nước và canh tác nương rẫy. Xã Mường So còn là trung tâm giao lưu hàng hóa của các dân tộc trong khu vực. Tuy cuộc sống của bà con còn khó khăn, song so với trước đây, nhờ có hệ thống kênh mương dẫn nước tới những cánh đồng khiến việc canh tác của bà con thuận lợi hơn rất nhiều.

“Ở vùng cao nước quan trọng lắm, có nước cây trồng mới sống được, cây lúa mới tốt. Trước đây, bà con canh tác phục thuộc nước trời thì nay có kênh mương thủy lợi nước đến tận đồng ruộng. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên từ lúc cấy lúa đến giờ cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, mong là năm nay sẽ bội thu”, ông Lò Văn Trang ở bản Huổi Én, xã Mường So cho biết.

Mặc dù hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng từ lâu nhưng vẫn duy trì hoạt động phục vụ nước tưới tiêu cho các cánh đồng lúa hiệu quả, đáp ứng 100% diện tích chăm sóc lúa của bà con nông dân.

Trong đó, UBND xã cùng các tổ thủy nông duy tu, bảo dưỡng và quản lý trực tiếp 2 hệ thống công trình thủy lợi Huổi Sen và Mường So duy trì nước cho khoảng gần 30ha ruộng canh tác của người dân. Khoảng gần 170ha canh tác còn lại được tưới tiêu bằng 3 công trình thủy lợi Nà Củng, Đon Sang và Nậm Nhịp do Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý. Các công trình thủy lợi này một số vẫn là kênh đất còn lại là kênh kiên cố.  

“UBND xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân ở các bản, tổ quản lý các công trình thủy lợi, phát quang nạo vét, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên 5 công trình thủy lợi trên địa bàn. 2 công trình do xã trực tiếp quản lý; 3 công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý, đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất. Xã chỉ đạo công chức chuyên môn thường xuyên giám sát thi công các công trình đảm bảo thực hiện theo đúng hồ sơ được duyệt, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt trên địa xã”, ông Lò Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So cho biết. 

Có nhiều tuyến kênh đất vẫn phát huy hiệu quả nhờ được nạo vét, khơi thông thường xuyên. Ảnh: Hải Đăng.

Có nhiều tuyến kênh đất vẫn phát huy hiệu quả nhờ được nạo vét, khơi thông thường xuyên. Ảnh: Hải Đăng.

Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên

Từ giai đoạn chuẩn bị thời vụ và trong mùa vụ, UBND xã chỉ đạo công chức địa chính nông nghiệp phối hợp trưởng các thôn bản huy động các thành viên trong tổ thủy nông "ra quân" nạo vét kênh mương, đảm bảo dòng chảy phục vụ nước sản xuất cho bà con, đảm bảo thời vụ đề ra.

Phối hợp với các bản tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh thôn, bản, không vứt rác bừa bãi gây tắc nghẽn các kênh mương dẫn nước.

Ông Nông Đức Thín ở bản Nậm Cung chia sẻ, tổ thủy nông có nhiệm vụ duy trì hoạt động của các kênh mương trên địa bàn, đưa nước tưới đến những cánh đồng. Công việc này, các thành viên trong tổ 6 người được luân phiên thực hiện rà soát, kiểm tra dọc các tuyến kênh mương hằng ngày. Do đó, ngay từ khi xuất hiện những hư hỏng nhỏ đều được phát hiện khắc phục ngay. 

“Sau khi hết vụ, mình đi khơi thông dòng chảy thì lúc đó có vất vả một chút. Còn khi vào vụ rồi công việc thường ngày đều đi kiểm tra, tắc nghẽn khơi thông ngay. Thi thoảng có đợt mưa to, gió lớn, cây cối, lá cây rơi xuống có thể gây tắc, tổ thủy nông huy động thêm bà con để khắc phục nếu cần thiết”, ông Nông Đức Thín nói. 

Hàng năm, UBND huyện giao kinh phí cho UBND xã để chi trả cho các thành viên trong tổ nạo vét… Mỗi năm trên 2 tuyến kênh, tổ thủy nông được hưởng khoảng 30 triệu đồng để duy trì hoạt động của dòng chảy. Số tiền này không lớn so với công sức của những thành viên nhưng đó là động lực để họ làm việc trách nhiệm hơn với cộng đồng, uy tín với bà con. 

“Với những hư hỏng, xã đều báo cáo lên Phòng NN-PTNT. Tuy nhiên, với hư hỏng nhỏ thì tổ quản lý tự khắc phục cùng với người dân. Còn những hỏng hư hỏng lớn sẽ đề xuất lên huyện để có nguồn kinh phí khắc phục. Ngoài ra, hiện bà con nông dân không chăn thả trâu bò tự do nên không còn cảnh gia súc phá hại các kênh mương thủy lợi. Thời điểm tháng 4. tháng 5 là lúc có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ khoảng 2 tuần. Trước vấn đề này, xã đã có kế hoạch sử dụng máy bơm để đưa nước về cho bà con sản xuất”, ông Lò Văn Biên cho hay.

Lão nông phấn khởi vì lúa mới cấy xanh tốt do nước tưới được duy trì đều. Ảnh: Hải Đăng.

Lão nông phấn khởi vì lúa mới cấy xanh tốt do nước tưới được duy trì đều. Ảnh: Hải Đăng.

Đảm bảo nước cho sản xuất

Công trình thủy lợi, cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện Phong Thổ trải dài trên 17 xã, thị trấn với 170 thôn, bản. Hiện nay, toàn huyện có 193 công trình thủy lợi và 152 công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Trong đó, huyện quản lý 184 công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý 9 công trình. Tổng chiều dài của tuyến kênh mương của huyện lên tới 396km. Trong đó, 329km đã được kiên cố bằng bê tông, số còn lại hơn 65km là kênh mương đất. 

“Các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đến hết năm 2023 cơ bản hoạt động đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho nhân dân. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thiên tai, một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện đã xuống cấp, hư hỏng phải nâng cấp, sửa chữa”, ông Trịnh Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết.

Cũng theo ông Trịnh Văn Đoàn, trong năm 2023, huyện được đầu tư xây mới 2 công trình kè, 3 công trình thủy lợi; nâng cấp sửa chữa 6 công trình.

“Các công trình thủy lợi, công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện sau khi hoàn thành được giao lại cho các đơn vị hưởng lợi tự quản lý vận hành khai thác. 17/17 xã, thị trấn đã thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Các tổ quản lý vận hành thường xuyên thực hiện kiểm tra công trình theo định kỳ, nhất là trước, trong và sau mùa mưa lũ”, ông Trịnh Văn Đoàn nói.

Các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời giải quyết được khó khăn về nước sinh hoạt, nước sản xuất cho bà con. Là điều kiện quan trọng, để người dân thuận lợi triển khai các mô hình sản xuất kết hợp du lịch dịch vụ... thúc đẩy kinh tế địa phương.

Hiện nay, nông dân huyện Phong Thổ đã gieo cấy gần 740ha lúa đông xuân theo kế hoạch đề ra. Thời gian này, tranh thủ thới tiết nắng ấm, bà con tiến hành chăm sóc, làm cỏ, tỉa dặm diện tích lúa trà sớm để đảm bảo khung thời vụ. Việc gieo cấy gặp nhiều thuận lợi do hệ thống kênh mương thủy lợi hoạt động hiệu quả, không xảy ra tình trạng thiếu nước.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.