| Hotline: 0983.970.780

Những người giúp miền núi tiến vượt miền xuôi: [Bài 3] Cách mạng trong ngôi nhà đất

Thứ Sáu 10/05/2024 , 06:30 (GMT+7)

Đã có một cuộc cách mạng âm thầm nhưng mạnh mẽ trong những ngôi nhà đất thấp lè tè ở bản người Dao Hin Đăm thuộc xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Gặp lại cố nhân

Lúc tôi đến một đoàn người Dao ở tỉnh Cao Bằng đang lặng lẽ đi trên con đường bê tông mới mở mờ mịt trong sương để tìm đến nhà anh Dương Kim Long, cựu trưởng bản Hin Đăm đợi chỉ đạo việc phát cỏ rừng. Ngồi uống nước bên cái quán tạp hóa kiêm cây giống mới xây, cạnh chiếc xe bán tải đẹp nhất bản, anh tâm sự, đời mình trước đây chỉ nghĩ đi làm thuê, không ngờ có ngày lại tạo công ăn việc làm cho nhiều người đến vậy.

Những kỷ niệm lại hiện về rõ rệt trong đầu khi vào năm 2009, cán bộ xã Kiên Mộc chở tôi đến Hin Đăm-một trong bốn bản vùng cao khó khăn nhất trên con đường đất lổn nhổn đá hộc, vừa đi vừa dắt đến non chiều, đói lả mới tới. Nơi đó, bà con vẫn sống trong những ngôi nhà đất tạm bợ thấp lè tè; vẫn 13, 14 tuổi gả chồng mà hồi môn ngoài tiền mặt ra còn 200 - 300kg thịt lợn, 80 - 100 lít rượu, 100 kg gạo, nợ cưới đời bố có khi đến đời con chưa trả hết; vẫn dùng dùi sắt nung đỏ dí vào lỗ sâu răng để đỡ đau; vẫn phải mời thầy cúng đến để…đuổi ma đi khi người ốm hay lợn ốm chứ không chịu đến bệnh viện hay mời bác sỹ đến thăm khám, kê đơn, cho thuốc.

Những ngôi nhà đất như thế này là cảnh phổ biến ở Hin Đăm 10 năm trước. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Những ngôi nhà đất như thế này là cảnh phổ biến ở Hin Đăm 10 năm trước. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Tối ấy, tôi ngủ tại căn nhà đất của trưởng bản, nghe gió lùa vào ào ào qua những kẽ hở trên vách. Dưới gầm giường một con lợn đã chui vào nằm tự lúc nào hòng tìm chút hơi ấm giữa buổi đông lạnh giá. Anh Long cứ trăn trở mãi về chuyện không biết làm sao để gia đình mình và dân bản thoát được nghèo khi chẳng có đường, có điện, có sóng điện thoại chịu tìm đến Hin Đăm. Tôi khuyên anh rằng nên chăn trâu, bò vì chúng không mất tiền mua thức ăn, nên trồng rừng vì lợi thế đất đai rộng rộng rãi. Thấy đúng quá, anh à lên một tiếng rồi nói mình đã bắt đầu trồng rừng từ mấy năm nay... 

Anh Long vốn nhanh nhẹn nên được một người lái trâu ở tỉnh Bắc Giang lên bản rủ đi buôn cùng. Thực thà anh trả lời rằng mình không có tiền, người ấy khoát tay bảo không sao, cứ theo tao vài buổi rồi sẽ biết cách nhìn trâu mà đoán được bao nhiêu cân thịt. Đầu tiên người lái trâu giao anh mua một vài con, khi thấy cầm cân bằng mắt đã chuẩn, tin tưởng rồi thì giao cả cục tiền để mua cả chục con liền cho đủ chuyến.

Có được chút vốn từ nghề buôn trâu, năm 2003 anh đã thuê người trồng thông và vận động bà con trong bản trồng cùng. Họ bảo: “Chúng tao để đồi chăn trâu, chăn bò thôi, không cho mày trồng cây vì vướng chân trâu, bò đi lại”. Anh trả lời: “Tôi chỉ làm theo Đảng, theo Nhà nước hướng dẫn để xóa đói, giảm nghèo thôi mà…”.

Khu rừng thông rất đẹp của mấy anh em nhà Dương Kim Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu rừng thông rất đẹp của mấy anh em nhà Dương Kim Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hồi ấy có anh Đặng Đình Đức là cán bộ nông nghiệp huyện về hướng dẫn dân Hin Đăm trồng thông lấy gỗ làm nguyên liệu giấy và còn cho luôn giống nhưng không mấy người thiết tha. Chẳng phải bản Hin Đăm mà ba bản vùng cao khác của xã Kiên Mộc như Khe Bủm, Khe Luồng, Tùm hồi đó đều còn rất nghèo và lạc hậu. Nhiều lúc xuống dưới chợ huyện, thấy người ta có tiền, có quần áo đẹp để mặc còn mình thì không, cảm thấy xấu hổ quá anh Long lại càng thấm thía lời cán bộ dạy.

Không may là 1ha rừng của anh được hỗ trợ giống, trồng được vài tháng chẳng hiểu sai kỹ thuật hay sao mà chết gần hết. Tiếc công, tiếc của anh ngày ăn cháo không ngon, đêm nằm ngủ không say nhưng chẳng nản chí mà quyết bán đàn gà đi để lấy tiền mua giống về trồng bù vào. Đồi gần, đồi thấp anh trồng trước, đồi xa, đồi cao trồng sau. Lúc này cũng có vài người dân trong bản học theo nhưng vì mù mờ về mục đích nên chỉ trồng diện tích ít. Còn anh thì trồng không ngừng, hễ đồi núi chỗ nào người đi được là cho phát băng, cuốc hố rồi cắm cây giống xuống.

Năm 2007 anh Long được bầu làm trưởng bản, công việc bận rộn không đi buôn trâu được, không có tiền nên tốc độ trồng rừng có chậm hơn nhưng chưa bao giờ dừng lại. Đến năm 2010 thì anh đã phủ kín xong 30ha đất trống đồi trọc bằng thông mã vĩ. Lúc cây rừng còn nhỏ anh trồng ngô, cấy lúa để ăn, chăn đàn trâu bò gần 20 con để lấy tiền nuôi rừng.

Dương Kim Long (bên trái) và Dương Kim Hương bên cánh rừng thông 20 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dương Kim Long (bên trái) và Dương Kim Hương bên cánh rừng thông 20 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm người phải biết làm kinh tế

Trên 40 hộ của bản Hin Đăm lúc đó đều đói, mấy anh em của anh cũng vậy nhưng anh Long vẫn động viên họ phải đi tiên phong trong việc trồng rừng. Bởi thế mà các em như Dương Kim Hương, Dương Kim Hẻn, Dương Kim An, Dương Kim Định đều nhận về mỗi nhà 20 - 30ha đồi trọc để ngày ngày cặm cụi cắm xuống mảnh đất cằn những cây thông nhỏ xíu.

13 năm đằng đẵng chờ đợi đến năm 2017 cánh rừng đầu tiên của anh Long trồng mới cho thu nhựa. Vụ đó, sau khi cạo hơn 1.000 cây, bán nhựa thu được 50 - 60 triệu đồng, anh ra chợ mua mấy cân thịt lợn về để cả nhà cùng ăn mừng một bữa cho thỏa. Để rồi từ ấy, năng suất nhựa cứ tăng lên đều đặn, năm được giá anh thu 200 triệu đồng, năm mất giá anh thu 100 triệu đồng.

Dương Kim Hẻn em trai anh Long là người đầu tiên ở Hin Đăm mua ô tô tải nhưng chẳng thể đánh được về nhà vì… không có đường. Vậy là mấy anh em lại bàn nhau bỏ tiền ra thuê 30 - 40 người dùng cuốc, dùng xẻng cả chục ngày hì hụi sửa lại tuyến đường quốc phòng đã bỏ không từ hồi chiến tranh biên giới để cho xe ô tô hai cầu có thể đi lại. Vì là con đường đất nên sau mỗi cơn mưa lớn nó lại bị xói lở, thành ra một năm phải sửa lên sửa xuống đến cả chục lần.

Anh Dương Kim Long bên cái quán và chiếc xe bán tải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Dương Kim Long bên cái quán và chiếc xe bán tải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy em trai chở vật liệu xây dựng vào bản rồi chở gỗ ra ngoài xã anh Long mới nảy ra ý tưởng đi buôn nhựa thông để không còn phụ thuộc vào tư thương với giá mua phập phù nữa. Nghĩ là làm, anh bán cả đàn trâu đi để mua chiếc ô tô tải, gom nhựa thông của người dân chở từ bản mình đi lên cửa khẩu bản Chắt để bán tận ngọn. Điều không ai ngờ là đại dịch Covid bất thần kéo đến, việc xuất hàng bị đình trệ, lúc mua giá 50.000 đồng/kg mà lúc bán chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg, anh ngậm ngùi lỗ cả tỷ đồng: “Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ đến việc làm giàu. Có những khi 2 - 3 đêm liền không ngủ được vì tức bởi mình đã hết sức “kéo” rồi mà tiền vẫn không chịu về, chứ có phải dễ dàng chấp nhận bỏ cuộc giữa chừng đâu”.

Dương Kim Hương một người em trai khác của anh Long kể trước đây vợ chồng mang buồng chuống, lít mật ong xuống thị trấn Đình Lập bán, dọc đường phải dừng lại giữa rừng, bỏ cháo ra ăn vì sợ đến chợ người ta thấy sẽ cười chê. Thấy các con biết xấu hổ trước cái đói nghèo, ông Dương Chống Lỷ, một đảng viên lão thành đã khích lệ họ làm người trước tiên phải biết làm kinh tế. Nghe lời bố anh Hương về bàn với vợ để trồng rừng theo gương anh Long nhưng chị không chịu, chỉ thích trồng ngô để lấy cái ăn trước mắt. Không chịu đầu hàng, anh vừa thuyết phục vợ vừa thuê người trồng rừng, để đến bây giờ đã có trong tay 30 ha thông lên xanh mướt mát.

Anh Dương Kim Long viết chữ Nho để duy trì truyền thống của người Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Dương Kim Long viết chữ Nho để duy trì truyền thống của người Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dẫn tôi lên đỉnh Đụ Nhuần để xem rừng thông đều tăm tắp vươn ngọn cao vút lên trời như những cây noel khổng lồ, anh bảo chúng được trồng từ năm 2005 tới giờ mới cạo nhựa vì càng để to càng nhiều nhựa: “Giờ bán vội 30 ha rừng cũng được 3 tỷ đồng nhưng vì còn nghĩ giữ cho con, cho cháu nên tôi để lại. Tôi không muốn xây nhà to mà chỉ muốn lo làm kinh tế. Đời mình không giàu thì đời con cháu sẽ giàu. Tôi luôn nhớ lời bố khuyên trước đây rằng: “Các con không được bán đất, chịu khó làm ăn sẽ không lo nghèo. Bản Hin Đăm có ½ gia đình đã làm được nhà xây kiên cố, nhiều nhà sắm được cả ô tô, tuy nhiên vẫn còn một số hộ nghèo vì chỉ làm hôm nay đủ ăn ngày mai là dừng, vì chưa làm đã muốn đi chơi”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.