| Hotline: 0983.970.780

Những người giúp miền núi tiến vượt miền xuôi:[Bài 2] Chủ tịch, Bí thư 'giàu sạch'

Thứ Năm 09/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Ông Kỳ Dùng Phú là người Nùng chính gốc ở bản Mạ, xã Bắc Xa - một địa danh vùng biên giới cách trung tâm huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn gần 40km.

Cái gì có lợi cho dân thì nói họ mới nghe

Cụ ông là Kỳ Xẻng Sử, lý trưởng thời Pháp thuộc nhưng về sau con, cháu chẳng thấy giàu có gì mà sáng, trưa, tối đều phải ăn cháo với muối ớt thay cho rau, chỉ biết miếng thịt vào ba ngày Tết. Lớn lên ông làm Bí thư đoàn, Phó Chủ tịch UBND rồi Chủ tịch UBND xã Bắc Xa đến năm 1994 thì nhất quyết xin nghỉ sau khi cống hiến 30 năm hoạt động xã hội.

“Mỗi tháng tôi lên huyện 3 lần để họp, mỗi lần phải đi bộ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới đến nơi, ngủ nhờ nhà anh em rồi đợi mai họp. Còn bình thường thì 5 giờ sáng đã dậy đi làm ruộng đến 7 giờ sáng về ăn bát cháo rồi xuống xã làm việc tới chiều mới về.

Vợ bị khớp nặng nằm liệt giường, 6 đứa con phần lớn còn nhỏ, tôi mới xuống gặp Bí thư huyện Đình Lập là ông Bế Xuân Lập trình bày hoàn cảnh và xin: “Các anh cho tôi nghỉ Chủ tịch xã về tham gia chi bộ thôn chứ không bỏ Đảng, bỏ quần chúng đâu”.

Ông ấy không chịu nhưng sau đó một buổi có bất ngờ về kiểm tra, thấy cái nhà đất cũ nát bên trong có hai nồi cháo, nồi thấp để các con tự múc cho mình và người mẹ nằm liệt giường ăn, nồi cao dành để tối về tôi múc cho cả nhà cùng ăn. Đợi cả buổi tôi mới đi cày về, ông bảo: “Anh làm tốt công tác nhưng gia cảnh quá khó khăn thế này thì tôi không thể giữ được nữa rồi”. Từ đó tôi được nghỉ chức Chủ tịch xã, làm Bí thư chi bộ bản Mạ”.

Ông Kỳ Dùng Phú trên đường vào rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Kỳ Dùng Phú trên đường vào rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói về chuyện trồng rừng thì từ năm 1974 lúc ông Phú là Bí thư đoàn xã đã được cán bộ lâm trường tuyên truyền liền xin đăng ký cho bản Mạ trồng 30 ha thông với mục đích chỉ để lấy nhựa về nhóm bếp với thắp sáng.

Lúc đầu chẳng biết vì sao mà rừng thông cứ bị cháy khiến ông phải huy động thanh niên đi dập lửa. Nhiều lần như thế, ông mới điều tra ra là các cụ trong bản đã xui trẻ con đốt rừng để lấy bãi chăn trâu, tức quá liền mới đến nói lý rằng: “Các cháu đã mất công trồng cây rồi mà các cụ còn xui người đốt thì sao mà thành rừng?”. Các cụ chẳng những không nghe mà còn mắng: “Cái thằng Phú sau này mày cứ trông vào cái cây thông để mà ăn thôi, chẳng cần ăn cái gì khác nữa”. Con ông đi thả trâu thì người ta đuổi không cho theo đàn trâu của bản, phải chăn ở tận đồi xa cũng vì sự kỳ thị đó.

Năm 1989, cánh rừng thông của bản bắt đầu cho khai thác nhựa bán sang Trung Quốc. Cứ một gánh nhựa đi một gánh hàng về, lúc là phân bón, lúc là muối, mỡ, cuốc, xẻng. 9 hộ ở bản Mạ bắt đầu bớt đói nhờ được chia đất trồng rừng.

Năm 1991 có dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Kỳ Cùng, ông xin cho xã được trồng hơn 200ha. Năm 1995 có dự án trồng rừng 327 ông lại xin cho xã được trồng tiếp. Ông thuyết phục dân rằng: “Dân Trung Quốc trồng nhiều rừng, đã khai thác có ăn rồi dân mình cũng phải trồng thôi, sắp đến thời sướng rồi”. Nhưng không mấy người hiểu ra, kể cả là cán bộ nên xã tổ chức chia đồi nhiều gia đình đã không dám nhận vì sợ không quản lý được. Về sau phải nói mãi thì người dân mới chịu nghe. Trung bình mỗi hộ của xã Bắc Xa hồi ấy nhận trung bình 20 - 30ha đất trồng để trồng rừng.

Ông Kỳ Dùng Phú bên một gốc thông mình trồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Kỳ Dùng Phú bên một gốc thông mình trồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dẫn tôi lội qua suối để vào khu rừng thông cao vút của bản, ông Phú thủ thỉ: “Thay đổi về chính sách là cả một cuộc cách mạng, rất vất vả mà người Đảng viên phải kiên trì theo đuổi, thuyết phục dân. Hễ cái gì có lợi cho dân thì họ mới nghe theo mình nói”. Năm 2006 khi thông đã khai thác cạn nhựa, gốc đã to 2 người ôm không xuể, ông bán 500 cây được 360 triệu đồng rồi bán 9 con trâu mộng nữa để cất lên ngôi nhà hai tầng thứ hai ở xã, sau nhà ông hiệu trưởng  trường tiểu học, trị giá 500 triệu đồng.

1kg thịt lợn hồi đó có giá 12.000 đồng nhưng bây giờ đã 120.000 đồng nên 500 triệu đồng hồi đó phải tương đương cỡ 5 tỉ đồng ngày nay. Không những thế, ông còn hào sảng hiến hết số gỗ thông trị giá 170 triệu cho xã bán đi để làm công trình công cộng. Nhờ vậy mà người ta đặt cho ông biệt danh là... đại gia.

“22 hộ ở bản Mạ ngày nay có trung bình mỗi hộ trên 20ha thông, nếu năm đắt thu 300 triệu đồng, năm rẻ cũng thu trên 100 triệu đồng nên nhà dân cái sau đều to hơn cái trước, như anh Mùng Văn Phương mới xây một cái hơn 2 tỷ đồng khiến cho ngôi nhà của tôi thành ra lạc hậu rồi. Còn trên phạm vi xã, mình tuy đi đầu trong việc trồng rừng nhưng do bản Mạ ít đất nên kinh tế chỉ được như thế chứ các bản khác nhiều đất người ta có nhiều tỷ phú lắm”, ông Phú giải thích.

Một góc bản Mạ hôm nay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc bản Mạ hôm nay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi năm không thu được 500 - 600 triệu đồng là buồn

Tôi gặp ông Tô Vũ Liên, cựu Bí thư Đảng ủy Bắc Xa lúc ông đang quần đùi, áo cộc gánh hồi từ hiên nhà ra sân phơi giống như bất kỳ nông dân nào ở xã. Cách đây 30 năm bản Quầy quê ông vì không có đường, không có điện, không đủ ruộng nên 18 hộ thì 8 hộ đã bỏ đi Nam, còn trên phạm vi toàn xã thì phải quá nửa dân lũ lượt bỏ đi như thế.

“Chúng tôi khổ quá, không có gạo để ăn, phải đi thôi”. Dân họ thường nói thế với cán bộ. Họ Bế của ông có 4 anh em thì đi mất 3, chỉ còn bố ông ở lại để trông mồ mả. Ông cũng thử vào Nam để tìm cách đổi đời nhưng đi 2 lần thì đều sốt rét nên sợ quá mới quay về lại quê. Năm 1991 vận động tham gia dự án trồng rừng 327 nhưng dân chẳng theo, những cán bộ như ông liền đi tiên phong nhận trước. Phải đến khi thấy ngày Tết nhà cán bộ trồng rừng được dự án thanh toán cho ít tiền mua gạo, mua thịt thì người dân dần mới chịu theo.

Ông Tô Vũ Liên gánh hồi ra sân phơi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tô Vũ Liên gánh hồi ra sân phơi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bản Quầy giáp ranh với biên giới Trung Quốc, diện tích đất rộng nhất xã Bắc Xa. 10 hộ dân ban đầu của bản nhận mỗi nhà cả trăm ha đất trống đồi trọc để trồng rừng, sau đó con cái ra ở riêng mới chia thành 18 hộ nên trung bình còn được 60 - 70 ha/nhà. Sau hơn 10 năm cây thông bắt đầu cho nhựa. Những hộ trồng đầu tiên như ông Liên được thu trước, lúc giá nhựa vẫn còn rất đắt, tới 40.000 - 50.000 đồng/kg, ngang với 1kg thịt lợn, bởi thế ai cũng phấn khởi.

Hơn 4 giờ sáng dân bản đã thấy ông Bí thư xã đeo đèn pin lên đồi cạo nhựa, đến 6 giờ về ăn bát cháo rồi đi làm, 5 giờ chiều lại lên đồi đến khi không thấy đường nữa mới thôi. Có vụ nhựa ông thu được tới hơn 500 triệu đồng, trong khi lương Bí thư xã hồi ấy chỉ có hơn 1 triệu đồng. Năm 2014 ông xây ngôi nhà 3 tầng cho người con cả. Năm 2020 ông lại xây ngôi nhà 2 tầng trị giá 1,4 tỷ cho mình và người con thứ ở.

Ông Tô Vũ Liên bên gánh hồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tô Vũ Liên bên gánh hồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Nếu năm nào mà nhà tôi thu dưới 500 triệu đồng là buồn vớ! Làm kinh tế từ rừng nên khi về hưu tôi cảm thấy rất thoải mái vì mình không có lỗi gì với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân để phải hổ thẹn cả. Đồng tiền mình kiếm được là đồng tiền sạch, lại tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 - 7 lao động Mông ở Hà Giang xuống phát rừng với ngày công 400.000 đồng, hay hàng chục lao động ở huyện Lộc Bình đến cạo nhựa với cơ chế ăn chia 50-50 nên rất vui. Giờ có tuổi rồi, ngày ngày tôi chỉ chăm hoa quanh vườn, thả lưới dưới suối, cho mấy con dê, bồ câu ăn để bạn đến là thịt …”.

Bên chén trà trong khu vườn lộng gió trước hiên nhà, ông vừa cười khà khà vừa nói với tôi về một tuổi già sống vui, sống khỏe, sống có ích của mình như vậy.       

Anh Nông Văn Huân - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đình Lập cho biết, huyện có 70.773ha rừng trồng, trong đó cây thông 49.588 tập trung ở các xã vùng cao như Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa…, cây keo 22.358ha tập trung ở xã trũng thấp như Châu Sơn, Bắc Lãng, Lâm Ca... Năm 2023 người dân thu được khoảng 148 tỷ đồng tiền gỗ, 380 tỷ đồng tiền nhựa thông, trong đó khá nhất là Bắc Xa rồi đến Lâm Ca.

Để phát triển rừng bền vững Đình Lập đã đi tiên phong trong việc tham gia 2 chứng chỉ rừng gồm PFCS với 4.593ha ở 5 xã Châu Sơn, Bắc Lãng, Bắc Xa, Đình Lập, Kiên Mộc và FSC tập trung ở xã Lâm Ca với tổng diện tích đăng ký đạt trên 4.500ha. Khi làm được điều đó, các công ty cam kết sẽ mua lâm sản cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.