| Hotline: 0983.970.780

Những người khóc nhiều nhất

Thứ Năm 14/11/2013 , 10:04 (GMT+7)

Nhìn 2 người đàn ông ấy, ít ai nghĩ họ lại “yếu đuối” như vậy. Nhưng, chứng kiến công việc họ làm mới thấy, việc nước mắt người đàn ông lăn dài trên má là chuyện bình thường.

Nhìn 2 người đàn ông ấy, ít ai nghĩ họ lại “yếu đuối” như vậy. Nhưng, chứng kiến công việc họ làm mới thấy, việc nước mắt người đàn ông lăn dài trên má là chuyện bình thường. Bởi hàng ngày, tiếp xúc với những sinh linh bé nhỏ, tím tái, thiếu chân tay, thậm chí không đầu… dù có “thần kinh thép” cũng phải mềm.

>> Nơi 15.000 sinh linh bị vứt bỏ

CẢ ĐỜI BÊN NHỮNG SINH LINH

“Mỗi hài nhi bị vứt bỏ có hình hài khác nhau, lại cho tôi cảm xúc khác nhau, không ít ngày, chúng tôi rơi nước mắt vài lần khi nhìn những đứa bé đã đủ hình hài nằm trong bọc hay trong hộp xốp lăn lóc đâu đó”, anh Phụng nói thế.

“Sao anh lại gắn bó với công việc này?”, tôi hỏi. Anh Phụng trầm ngâm, đôi mắt nhìn dõi ra những hàng mộ nhỏ xíu. Một lát sau anh mới nói: “Có lẽ, do duyên trời. 12 năm trước, má tôi mất, tôi đến nghĩa trang này xây mộ cho bà, tình cờ thấy gần đó có người đến chôn cất một thai nhi. Tôi tò mò lại hỏi mới biết, họ làm tình cờ thấy đứa trẻ chắc sinh thiếu tháng bị vứt bỏ, đã tím tái, kiến bu đầy, cầm lòng không được nên mang đến đây.

Lúc đó, tôi cũng có chung cảm giác với họ. Vừa xót xa, vừa nghĩ, sao lại có người ác thế. Tiện xây mộ cho mẹ, tôi xây luôn cho cháu bé này một ngôi mộ nhỏ khác. Sau hôm đó, tôi cứ bị ám ảnh, đêm toàn nằm những chuyện liên quan đến những đứa trẻ bị vứt bỏ. Những ngày sau đó, mỗi lần đến thăm mộ mẹ, tôi lại để ý và thấy những bao ni lông màu đen.

Ban đầu, tôi sợ lắm, không dám lại gần, nhưng đôi chân như có ai níu lại, buớc đi không nổi. Buộc lòng tôi phải làm những việc cần làm. Sau đó, dù vẫn còn sợ, nhưng thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm hơn”.

Những ngày đến nghĩa trang chôn cất hài nhi (TP Pleiku, Gia Lai), anh Phụng mới biết vị linh mục Nguyễn Văn Đông và ông Sáu Phước, những người dành hết tâm huyết, tiền bạc dành dụm được để lập nên nghĩa trang hài nhi này từ hơn chục năm trước.

Bây giờ, ngoài anh Phụng, còn có anh Lễ, bà Tâm đến góp sức. Hàng ngày, họ cùng nhau đi gom nhặt những bào thai tội nghiệp, đem về chôn cất và chăm chút cho những nấm mộ nhỏ bớt lạnh giá, cô đơn.


Những ngôi mộ mới liên tục được xây thêm

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, khuôn mặt nhăn nheo, nhưng nước mắt bà Tâm vẫn nhiều lắm. Không may cho tôi là lúc gặp, bà Tâm không được khỏe nên không thể ngồi dậy. Nằm trên chiếc giường nhỏ, bà nói: “Gần như ngày nào bà cũng chứng kiến những cảnh làm bà khóc. Thương lắm cháu ạ. Nhìn con cháu mình tung tăng, rồi nghĩ đến những đứa trẻ bị bỏ ngoài nghĩa trang, bà không cầm được nước mắt. Không hiểu tụi nhỏ bây giờ suy nghĩ như thế nào mà dễ dàng chối bỏ máu mủ mình như thế”.

Bà Tâm cho biết, hàng ngày, bà vẫn thấy nhiều cô gái trẻ tới viếng nghĩa trang. Họ khóc lả đi trước một nấm mồ vô danh nào đó, và khi có người bắt gặp thì vội ngoảnh mặt, lẳng lặng lẻn đi.

“Hồi trước, chi phí mua vật liệu để xây một ngôi mộ chỉ khoảng 50.000 đồng, nay đã tăng lên 300.000 đồng. Kinh phí mỗi ngày bỏ ra để xây mộ, lo hương khói cho nghĩa trang cả triệu. Để lo được cho các cháu, rất cần nhiều tấm lòng…”, anh Phụng nói.

Anh Phụng bảo, các trường hợp phá bỏ thai nhi nhiều nhất vẫn là sinh viên, các cô gái làm nghề mại dâm. Riêng những cô gái người dân tộc thiểu số có thai ngoài ý muốn, không dám để vì lý do luật lệ hà khắc.

Làng không chấp nhận người con gái có thai trước, vì làm như vậy thì Yàng (trời) sẽ trút cơn giận xuống làm cho người làng và trâu bò bị bệnh chết, lúa bắp trên rẫy bị mất mùa. Sợ bị phạt trâu phạt heo rất nặng và bị bêu xấu, nên cô gái đã không dám giữ lại cái bào thai.

“Tôi còn nhớ mãi đêm Giáng sinh năm 2004, khi cha Đông đang khâm liệm cho một hài nhi thì có cô gái người Ja Rai bước vào. Cô nói: "Tôi đem con cho ông, ở trong cái gùi này". Nói xong cô gái để chiếc gùi lại rồi đi ra. Nhìn vào trong gùi, thấy một thai nhi đã đủ hình hài, không còn thở và đang tím tái dần vì trời lạnh, tôi rùng mình, lòng quặn thắt, nước mắt trào ra", bà Tâm nhớ lại.

NHỮNG CÂU CHUYỆN RỢN NGƯỜI

Biết đây là nơi chôn cất thai nhi nên người ta đem bào thai đến bỏ nhiều. Sau một đêm, sáng ra trong nghĩa địa có tới cả chục túi đựng hài nhi vung vãi hoặc chôn lấp vội vàng. Những người trông nom ở đây làm một tấm bảng khắc dòng chữ "Xin đừng vùi lấp, vứt bỏ, hãy đặt con ở đây để chôn cất cho con".

Từ đó, công việc thu gom, chôn cất những hài nhi của những người làm việc thiện ở đây phần nào nhẹ nhàng hơn. Ít phải đi tìm kiếm hơn, mỗi sáng ra lại thấy dưới tấm bảng tập kết những bịch ni lông đen…

Rồi ông Phước liên hệ với cánh xe ôm, dán số điện thoại khắp nơi, gửi đến các nhà hộ sinh. Cứ ở đâu gọi, ngày hay đêm, mưa hay nắng, dù đang ngủ hay đang ăn, cứ có điện thoại là họ lại tung chăn, bật cửa, chạy đi đón các cháu về chôn cất.

Trò chuyện và nghe những chuyện anh Phụng, anh Lễ kể, dù đầy sắc tâm linh, nhưng tôi vẫn cứ nghe như nuốt từng lời, cứ thấy xốn xang trong lòng. “Một đêm trời mưa tầm tã và rất lạnh. Tôi đang ở nhà thì điện thoại reo. Giờ ấy mà điện thoại reo thì chỉ có bệnh viện gọi ra nhận thai nhi về chôn cất thôi. Và đúng như thế. Tôi vội vàng đội mưa đi.

Đến nơi, nhận thai thi xong, mượn chùm chìa khóa của anh bảo vệ ra mở cửa nhà xác, tính gửi ở đấy rồi mai mang ra nghĩa trang làm cho cẩn thận. Nhưng đúng lúc ấy, đôi chân tôi bủn rủn, bước đi không nổi. Ngồi xuống một lúc lâu mà không đỡ, đến khi nhìn xuống 2 bọc ni lông, chợt nghĩ, hay là hài nhi muốn tôi đưa ngay ra nghĩa trang? Tôi nghĩ thế và quyết định đứng lên quay ra nghĩa trang, lúc ấy tôi mới bước đi được”, anh Phụng kể.

"Một lần, tôi nhặt về hai túi, cứ nghĩ là chỉ có hai thai nhi trong ấy. Chôn cất xong lúc 9h sáng, thì chuông điện thoại cứ reo hoài mà không thấy số. Tôi bắt máy lên thì có tiếng nói không nghe rõ. Vừa cúp đi lại nghe đổ chuông tiếp.

Cả chục lần như thế, rồi cuối cùng, tôi nghe đâu đó tiếng nói không rõ ràng là 2 bịch đó không phải 2 mà là 3. Tôi nghe giật thót người, phải ra móc lên kiểm tra thì mới biết là trong một bịch có 2 thai nhi. Sau khi tách ra chôn thành 3 mộ, mọi chuyện mới yên”, anh Phụng kể tiếp.

Hơm 10 năm qua, các anh cũng gặp nhiều chuyện trớ trêu. Có cô bán vé số dạo, ba lần mang thai ngoài ý muốn, hai lần bỏ. Đến lần thứ ba, anh Phụng khuyên và đứng ra chịu trách nhiệm lo thuốc men chăm sóc cho cô và thai nhi cho đến khi sinh.




Hàng ngày, rất nhiều người đến viếng; trong đó, không ít người đến thăm chính 
giọt máu của mình

Có cô bé chỉ chừng 13 - 14 tuổi đầm đìa nước mắt lấy từ cặp sách đi học ra một túi ni lông đựng bào thai vừa giải quyết: “Nhờ các chú chôn hộ”. Một đôi bạn khác vừa đưa cho các anh bịch “sản phẩm” của mình, 3 ngày sau lại đến, đưa thêm một bịch thai nhi của cô bạn vừa phá bỏ.

Một ngày ở nghĩa trang hài nhi, tôi đếm được gần 3 chục lượt người đến viếng, trong đó có những đôi nam nữ còn rất trẻ. Họ bước vào, thắp nhang thành kính, đôi mắt rơm rớm. Liệu dưới nấm mộ nhỏ xíu kia, có phải là sinh linh họ từng vứt bỏ?

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công an cảnh báo các chiêu lừa đảo dịp lễ 30/4

TP.HCM Dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè gia tăng các thủ đoạn lừa người dân mua các tour du lịch, máy bay giá rẻ trên mạng để chiếm đoạt tiền.

Bình luận mới nhất