| Hotline: 0983.970.780

Những người Việt về đất mẹ tìm cố hương trăm năm

Thứ Bảy 21/12/2019 , 07:05 (GMT+7)

Suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhiều thanh niên Việt Nam đã bị bắt đi lính sang Pháp và mất liên lạc với cố hương.

Thanh niên Việt Nam tại nhà ga Saint Raphael. Ảnh tư liệu.

Ngày 11/11/2018, tại nước Pháp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918-2018). Một người đàn ông mang 2 dòng máu Pháp - Việt là Joel, người quản trị trang travailleurs-indochinois.org chuyên kết nối thân nhân những người từng bị bắt đi lính Pháp đã về thăm quê hương để tìm gốc gác. Câu chuyện của ông đã gợi lại ký ức về những đoàn quân đầu búi tóc, cầm đũa ăn cơm trong ở mặt trận Provence-Alpes-Côte d’Azur 100 năm trước.

Thông tin trên những trang đầu tiên của Joel đề cập là hình ảnh chiếc thánh giá ở một nghĩa trang của Pháp mang tên Ngô Doãn Tôn, quê quán chỉ gói gọn với chữ Indochinois (bán đảo Đông Dương). Lính khố đỏ thời đó thường được gọi là tirailleurs indochinois.

Các trang bên dưới là bảng danh sách ghi địa danh những người bị bắt lính ở khắp nơi như: Bạc Liêu, Bến Tre, Biên Hòa, Chợ Lớn, Long Xuyên, Gò Công, Thái Bình, Nghệ An, Bình Định…

Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra từ ngày 28/7/1914 đến ngày 11/11/1918 và bao trùm khắp châu Âu dẫn đến hơn 19 triệu người bỏ mạng. Cuộc chiến này giữa phe hiệp ước Anh, Pháp, Nga, sau đó là Mỹ và Braxin với phe liên minh, bao gồm các nước Đức, Áo, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri và Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Hơn 70 triệu lính bị xua ra trận tiền, trận chiến diễn ra đẫm máu nhất là ở Verdun, sông Somme của Pháp. Pháp là quốc gia bị thương vong lớn và tổn thất nặng nề. Và thực dân Pháp đã huy động hơn 100 ngàn thanh niên Việt Nam thời đó xuống tàu vượt biển sang Pháp để tham chiến. Trong số đó có nhiều người nằm lại chiến trường khốc liệt, một số được hồi hương và có người ở lại định cư trên đất Pháp.

Và như Joel đã viết trên trang travailleurs-indochinois.org kể về thân phận của những thanh niên Việt Nam tham gia vào chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ 2 rằng “Một phần nhỏ trong số họ được sinh ra ở Pháp và hòa quyện vào xã hội Pháp. Rất ít người còn sống khi chúng ta viết những dòng này.

Hầu hết trong số họ sẽ bị mắc kẹt ở Metropolitan France trong nhiều năm và sẽ định cư giữa đất nước của họ và quốc gia mà họ đã phục vụ một cuộc chiến tranh phi hạt nhân hóa”.

Nguồn tư liệu tốt để nghiên cứu về những người thanh niên Việt Nam bị bắt đưa sang Pháp tham gia chiến tranh, đó là cuốn sách “Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861-1945” của nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường, quê ở tỉnh Bình Định. Ông viết rằng, khi xảy ra thế chiến thứ nhất thì có một phong trào rầm rộ cổ động cho Đông Dương gởi người, gởi tiền bạc sang giúp mẫu quốc.

Ông chủ bút Nam Phong đã cho vẽ trên tờ báo hình ảnh con rồng Việt Nam phun bạc làm ngã tên lính Đức và ghi chú thích “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc, một mai Đại Pháp thắng trận dân ta ắt có phần”.

Bài báo cổ xúy thân Pháp đó đã góp phần thu được khá nhiều tiền từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, như Nam Kỳ hơn 15.716 phờ răng, Bắc Kỳ hơn 15.305 phờ răng, Trung Kỳ hơn 2.600 phờ răng, Cao Miên (Campuchia ngày nay) hơn 2900 phờ răng và Lào hơn 740 phờ răng.

Báo chí đề cập khoảng hơn 100 ngàn người Việt đã bị bắt đi lính sang Pháp, nhưng con số thống kê cụ thể của Tạ Chí Đại Trường là 43.430 thanh niên bị bắt lính và sung vào các tiểu đoàn tác chiến, tiểu đoàn yểm trợ, y tá thuộc địa, lính hành chính quốc gia.

Số công nhân thuộc địa phục vụ chiến tranh là 8.981 người, toàn bộ thanh niên bị bắt lính sang Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất là 92.411 người. Con số trên được trích từ văn thư của Bộ Thuộc địa Pháp.

Suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhiều thanh niên Việt Nam đã bị bắt đi lính sang Pháp và mất liên lạc với cố hương. Năm 2017, ông Lê Hoàn Nam, ở TP Đà Nẵng đã theo di nguyện của người cha và đi tìm tung tích của cụ Lê Cao Phan từng bị bắt sang Pháp để làm lính thợ trong chiến tranh thế giới thứ 2 và mất tại thị trấn La Voulte năm 1945. Mong muốn của gia đình ông Nam là đưa hài cốt của cụ Phan hồi hương về Việt Nam. Ý nguyện trên đã được ông Nam thực hiện và phải mất 10 năm tìm kiếm tung tích, tro cốt của cụ Phan mới được đưa về an táng tại quê hương.

Năm 2018, kỷ niệm 100 năm chiến tranh thế giới thứ nhất, báo chí Pháp đã đăng tải nhiều hình ảnh những người lính đến từ Việt Nam. Đó là hình ảnh về địa danh những người lính khi vừa đặt chân lên Saint Raphael, một thị trấn ven bờ Địa Trung Hải, thuộc tỉnh Var trong vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur ở phía đông nam nước Pháp. Thời kì thế chiến thứ nhất nơi đây được coi là một tổng kho tiếp vận với ga xe lửa đầu mối, đường ô tô. Đây cũng là một quân trường khổng lồ với những trại lính dưới chân núi.

07-29-42_2_so_thnh_nien_bi_bt_linh_duoc_du_len_xe_r_mt_trn
Những thanh niên Việt Nam lên xe ra mặt trận. Ảnh tư liệu.
Joel Phạm lập trang tìm kiếm thân nhân những người từng bị bắt đi lính Pháp và cho biết, ông sẽ viết thư gởi Tổng thống Pháp yêu cầu bồi thường cho những người Việt từng bị bắt đi lính Pháp.

Những hình ảnh gây chú ý và được bình luận nhiều, như những người lính trẻ có dáng người chắc và đậm vừa bước xuống ga đầu mối Saint Raphael.

Những chiếc tàu hỏa thời đó được chạy bằng hơi nước đang nhả khói và trông nét mặt người lính nào cũng đầy ưu tư, nặng nỗi nhớ quê nhà, sau 3 tháng hải trình từ Việt Nam sang Pháp và sắp bước ra mặt trận.

Hình ảnh đậm chất của thanh niên Việt Nam thời đó là giờ nghỉ giải lao ở nhà ga Saint Raphael. Chiếc điếu cày mang theo từ quê nhà đã cho thấy, những người lính đến từ một miền quê Bắc Bộ.

Kết nối và chia sẻ với phóng viên trên facebook, kể chuyện trở về Quảng Ngãi để tìm tung tích người thân, Joel cho biết, có cha là ông Phạm Kỳ từng bị bắt đi lính sang Pháp, cha ông bị bắt đưa đến Marseille, Pháp năm 1939, sau đó tiếp tục làm việc trong một xưởng chế tạo vũ khí ở Sorgues vào năm 1940.

Để phản chiến, ông đã phải tự chặt đứt một ngón tay để được đưa về tuyến sau làm lính hậu cần. Năm 1944, ông lại tham gia cầm súng, tham gia vào lực lượng kháng chiến của Pháp để chống phát xít Đức xâm lược.

Những thanh niên bị bắt sang Pháp để tham chiến có được trở về quê hương? Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường có đề cập đến số thanh niên bị bắt lính được trở về quê nhà từ đầu năm 1920 có 3.541 lính tập.

Những người đi lính trở về được hứa hẹn sẽ được vào làm việc tại các nhà máy, bệnh viện theo Nghị định 17/10/1913. Nhà cầm quyền Pháp thời đó có bảng nhận xét, những thanh niên Nam Kỳ đi lính có tính phiêu lưu hơn thanh niên Bắc Kỳ, họ sử dụng phần lớn tiền lương được cấp, còn thanh niên Bắc Kỳ thì tiết kiệm, không dám tiêu xài mà gởi tiền lương về cho người thân ở quê nhà.

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.