| Hotline: 0983.970.780

Những phận đời phía sau 'Cô Vy': Ảm đạm vé số dạo

Thứ Ba 07/04/2020 , 09:20 (GMT+7)

Virus SARS-CoV-2 đã khiến hàng trăm ngàn lao động lâm cảnh khốn khó. Nhưng, bên cạnh nỗi buồn lo, vẫn le lói niềm vui, bởi những câu chuyện xúc động về tình người...

Bà Mai, bán vé số trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh:

Bà Mai, bán vé số trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh: "Xấp vé số bao nhiêu người cầm, cũng sợ lắm. Nhà nước tạm ngưng thì nhiều người khó khăn hơn, nhưng phải vậy thôi". Ảnh: Phúc Lập.

Hàng ngàn người nghèo bán vé số đã không khỏi hụt hẫng, lo lắng khi Nhà nước quyết định tạm dừng hoạt động xổ số để phòng dịch. Khó khăn càng thêm khó khăn.

Đã nghèo càng nghèo

Chiều cuối tháng 3, tôi dạo một vòng qua nhiều con đường ở quận 1, 3, Bình Thạnh, nhưng đã rất hiếm những hình ảnh quen thuộc hàng ngày.

Đó là dáng đi tất tả của người phụ nữ trung tuổi đội nón lá, khuôn mặt nhem nhuốc, bết mồ hôi của cậu bé có đôi mắt sáng, một cặp vợ chồng tàn tật ngồi trên xe lăn…họ dạo trên mọi nẻo đường, thấy ai đang ngồi trong quán ăn, quán cà phê, là họ tấp vào, chìa xấp vé số trên tay mời mua.

Chiều muộn, tôi may mắn gặp người phụ nữ cầm xấp vé số trên tay, nhưng bà không tất tả đi chào mua, mà ngồi bên vệ đường công viên ven kênh Thị Nghè, quận Bình Thạnh. “Sắp tới giờ xổ số rồi, sao cô không đi bán, ế thì sao?”, tôi tấp xe vào hỏi.

Bà cười đáp: “Còn chừng 3 chục tờ à, không ế đâu con. Cô đau lưng quá, ngồi nghỉ xíu rồi đi tiếp”. Tôi hỏi: “Nhà nước tạm ngừng phát hành vé số, cô định làm gì?”, bà trầm ngâm 1 lát rồi nói: “Ngoài bán vé số ra, cô chẳng biết làm gì. Đang lo lắm con ạ”.

Tôi hỏi tiếp: “Cô có biết về dịch bệnh Corona không? Đi bán tiếp xúc nhiều người, cô có sợ không?”. Bà đáp: “Cô có đọc báo, nghe nhiều người nói cũng sợ, nên không dám đứng gần ai. Lúc nào cũng đeo khẩu trang.

Vậy chứ cũng lo. Vì xấp vé số qua tay biết bao nhiêu người. Nên lo cái ăn, mà cũng lo dịch bệnh nữa. Thôi thì Nhà nước tạm ngưng một thời gian cũng tốt. Chứ lỡ mắc thì khổ hơn. Còn cái ăn thí tính sau vậy”.

Tôi hỏi thăm, bà cho biết tên Mai, 58 tuổi, là công dân Sài Gòn chính hiệu, nhưng do gia đình từng gặp quá nhiều sóng gió, khiến bà gần như mất tất cả, nhà cửa không, tài sản không. Hiện bà và người con trai duy nhất phải ở nhà thuê.

Trên đường đi ngang cổng một ngôi chùa gần cơ quan, tôi bất ngờ thấy bà cụ bán vé số quen thỉnh thoảng tôi vẫn mua ủng hộ, đang ngồi ủ rũ bên trụ cổng chùa.

Bà cụ ngót 80 tuổi, do tuổi cao, chân yếu, không thể “ganh đua” trên đường với những đồng nghiệp khác, nên từ nhiều năm nay, bà ngồi bán ở cổng ngôi chùa này. “Hôm nay vé số nghỉ bán, chùa đang đóng cửa, bà ngồi đây làm gì?”, tôi tấp xe vào hỏi.

Bà ngẩng đầu, ánh mắt đượm buồn, đáp: “Phòng trọ chật trội, nực lắm cậu ơi. Này nào cũng ra đây ngồi bán, nhìn người ta đi lại cũng đỡ buồn. Hôm nay không có vé số bán, thấy lâu hết ngày hết buổi, bà lết ra đây ngồi.

Tôi ái ngại: “Nửa tháng không có vé số bán, bà tính sao, sống thế nào?”. Im lặng 1 lúc, bà đáp: “Bà chưa tính sao. Thôi thì ngày nào biết ngày đó vậy”. Tôi im lặng đưa cho bà tờ bạc nhỏ, và không dám hỏi thêm, vì tôi biết, bà sẽ không trả lời được. 

Bà cụ bán vé số trước cổng chùa ngồi ủ rũ trongn gày đầu tiên tạm ngưng phát hành vé số. Ảnh: Phúc Lập.

Bà cụ bán vé số trước cổng chùa ngồi ủ rũ trongn gày đầu tiên tạm ngưng phát hành vé số. Ảnh: Phúc Lập.

Bà cho biết, bà có 2 người con, nhưng đều khó khăn, cả 2 lên tỉnh nào ở Tây Nguyên lập nghiệp từ lâu, bà cũng không rõ, nên không có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ mẹ. Bà cũng không muốn con cái lo lắng, nên vẫn lủi thủi một mình bao năm nay. Do tuổi cao, lại không có điều kiện chăm lo sức khỏe, nên bà thường xuyên đau yếu.

Thỉnh thoảng, khi đi ngang chùa, không thấy bà cụ ngồi, trong lòng tôi lại dấy lên nỗi lo. Rồi sau đó, gặp lại bà, tôi lại thở nhẹ. Khi đó, bà luôn trả lời tôi một câu quen thuộc: “Bà bệnh mấy ngày nay, nhưng hết tiền ăn nên phải ráng ra ngồi”.

Chưa biết những ngày tới sẽ ra sao

Đa số người bán vé số dạo ở TP.HCM đều ở các tỉnh miền Tây, miền Trung. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng đều rất nghèo, không có ruộng, tuổi cao sức yếu, tàn tật…

Ông Trần Phước Hựu (bên phải) và người con trai trong căn nhà trọ ở Bình Chánh, mưu sinh và giúp gia đình bằng nghề bán vé số từ nhiều năm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Trần Phước Hựu (bên phải) và người con trai trong căn nhà trọ ở Bình Chánh, mưu sinh và giúp gia đình bằng nghề bán vé số từ nhiều năm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi tạm ngưng phát hành xổ số kiến thiết, nhà nước và hầu hết chính quyền các địa phương cũng đã có kế hoạch hỗ trợ người bán vé số. Các đại lý vé số, doanh nghiệp và nhiều mạnh thường quân cũng chung tay góp phần.

Những hành động ấy, khiến không chỉ những người nghèo xúc động, mà còn giúp lan tỏa sự chia sẻ khó khăn ra cả cộng đồng. Nhưng, sự sẻ chia ấy, chỉ là một phần nhỏ. Họ vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trước mắt.

Ông Trần Phước Hựu, quê tận Đồng Tháp, năm nay vừa tròn 90 tuổi, cùng người con trai là ông Trần Phước Hiệp, 63 tuổi, lên thành phố từ nhiều năm nay. Họ thuê nhà trên đường tỉnh lộ 10, huyện Bình Chánh.

Hàng ngày, người con chở ba ra ngã tư ngồi bán một chỗ. Còn ông đi bán dạo. Khi nào bán hết, ông quay lại phụ bán với cha. Khi cả 2 bán hết, lại chở nhau về. Cứ vậy mà mỗi ngày 2 cha con ông Hựu cũng kiếm được khoảng 4 trăm ngàn, đủ chi tiêu và còn có chút để dành.

“Mỗi tháng 2 cha con cũng gửi về quê được 2 triệu để phụ các cháu ăn học, gửi cho mẹ”, ông Hiệp nói.

“Tạm ngưng vé số, những ngày tới, 2 cha con chú làm gì? Có tiền trang trải đến khi bán lại không?”, tôi hỏi ông Hiệp. “Nếu chỉ ngưng nửa tháng thì chắc cha con tôi cũng chưa đến nỗi nào, vì vừa rồi có một số mạnh thường quân tốt bụng đến giúp đỡ cha tôi. Cha cũng chia sẻ những cái lộc này cho một số người đồng cảnh ngộ chứ không dùng một mình.

Chắc là không về quê đâu chú ạ. Vì dù sao mình cũng ở trên thành phố, những ngày qua đi bán cũng tiếp xúc nhiều người, nên giờ ở phòng, theo dõi xem sao. Chứ không may, mình bị nhiễm mà không biết, về quê lỡ lây cho mọi người thì mang tội lớn", ông Hiệp đáp.

Ôn Ngô Văn Tiến, quê Phú Yên, đã giúp hàng chục bà con nghèo từ quê vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Phúc Lập.

Ôn Ngô Văn Tiến, quê Phú Yên, đã giúp hàng chục bà con nghèo từ quê vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Phúc Lập.

Nằm sâu trong một con hẻm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, có một khu nhà trọ khá đặc biệt. Đó là nơi trú ngụ của mấy chục người nghèo từ tỉnh Phú Yên vào, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ngôi nhà này vốn do người đàn ông tên Tiến đứng ra thuê. Ông Tiến cùng vợ vào Sài Gòn từ hơn 10 năm trước, ban đầu ông làm phụ hồ, nhưng sau đó, cả 2 vợ chồng cùng đi bán vé số. Công việc tuy vất vả, dãi nắng dầm mưa, nhưng vẫn có thu nhập hàng ngày.

Trong một lần về quê, ông Tiến thấy còn quá nhiều người nghèo, khó khăn. Vì không có “chiếc cần câu cơm”, nên họ kiếm mỗi ngày vài chục ngàn cũng không hề dễ. Ông chợt nảy ra ý định đưa họ vào Sài Gòn bán vé số.

Ban đầu, chỉ có vài người, lâu dần, ngôi nhà của ông Tiến ngày càng đông, có lúc lên đến gần 50 người. Hàng ngày, ông ra đại lý, bỏ tiền vốn lấy vé về phát cho mọi người, chiều về, họ đưa lại tiền vốn. Người bán nhận hoa hồng 1 ngàn đồng 1 tờ, còn ông được 300 đồng/1 tờ từ đại lý. Số tiền này ông trả phí thuê nhà cho mọi người.

“Có lúc ở đây lên đến 48 người, mỗi người một hoàn cảnh. Người thì bị tai nạn lao động, người tàn tật, người thì trong tay không có một tấc đất, rồi tuổi cao sức yếu, không nơi nương tựa. Nhưng điểm chung là họ rất chịu khó, dù nắng dù mưa, họ vẫn bươn chải suốt ngày trên các nẻo đường.

Điều đáng quý nữa là dù nghèo, dù khó khăn, nhưng mọi người rất đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ai có khó khăn gì là tất cả xúm vào cùng lo. Nên tôi thương họ là vậy”, ông Tiến nói.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện TP có 11.947 người bán vé số cư trú trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của Sở LĐ-TB-XH về việc hỗ trợ số tiền 50 ngàn đồng/ngày/1 người bán vé số trong thời gian 15 ngày tạm ngừng phát hành vé số. Như vậy, mỗi người bán vé số dạo sẽ nhận được tổng cộng 750 ngàn đồng. Và dự kiến tổng số tiền TP hỗ trợ người bán vé số là gần 9 tỉ đồng.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.