| Hotline: 0983.970.780

Những sáng kiến hữu ích trong ngành cao su

Thứ Năm 30/09/2021 , 11:00 (GMT+7)

Là tỉnh trồng nhiều cao su, Bình Phước xác định ứng dụng KH-CN vào sản xuất là tất yếu. Vì thế, nhiều giải pháp sáng tạo trong ngành cao su đã được ứng dụng...

Đánh bay mùi hôi nước thải chế biến mủ

Bình Phước có khoảng 230 ngàn ha cao su, trong đó phần lớn diện tích thuộc các công ty nhà nước như Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú... Trung bình mỗi công ty có 1 - 2 nhà máy và 12 doanh nghiệp tư nhân tham gia chế biến mủ cao su. Do khó khăn trong xử lý nước thải từ hoạt động chế biến mủ cao su nên không ít nhà máy gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, khiến người dân sống trong vùng sản xuất rất bức xúc.

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Toàn bên công trình ứng dụng sáng kiến 'Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất'. Ảnh: Quốc Toàn.

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Toàn bên công trình ứng dụng sáng kiến “Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất”. Ảnh: Quốc Toàn.

Trước thực trạng trên, nhóm tác giả: Lê Thanh Tú, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Quốc Toàn (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) đã nghiên cứu sáng kiến "Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất”.

Sáng kiến đã giúp nhà máy cao su xử lý nước thải đạt cột A (QCVN 01-MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên và tái sử dụng nước trong sản xuất). Đây cũng là phương pháp xử lý nước thải không dùng hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nói về quy trình kỹ thuật của sáng kiến, thạc sỹ Nguyễn Quốc Toàn cho biết, sáng kiến này là một chu trình khép kín được vận hành trong 24 giờ liên tục. Sau khi nước thải được xử lý, đạt tiêu chuẩn loại A mới được phép xả ra môi trường.

Nước được xử lý sạch trước khi tái sử dụng. Ảnh: Trần Trung.

Nước được xử lý sạch trước khi tái sử dụng. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, nước thải ở các dây chuyền sản xuất mủ tinh, mủ tạp và mủ kem trước khi đi vào hệ thống xử lý bằng công nghệ AAO là công nghệ kết hợp 3 hệ vi sinh kị khí (Anerobic), thiếu khí (Anoxic), hiếu khí (Anoxic) để xử lý sẽ đi qua các bể gạn có nhiều ngăn để thu hồi các hạt cao su thất thoát, lắng bớt bùn và các chất rắn khác nhằm giảm tác động không tốt đến hệ thống phía sau.

Để giảm mùi hôi của nước thải và giúp xử lý bớt các chỉ tiêu ô nhiễm, ở mỗi đầu đường cống dẫn nước thải đều được cung cấp thêm hệ vi sinh khử mùi đã được nuôi cấy. Để đảm bảo mật độ vi sinh khử mùi và xử lý cho nước thải, nước thải sẽ được bơm hồi lưu từ bể điều hòa quay lại đầu các nguồn thải mủ tinh, mủ kem, sau khi nước thải nhà máy không còn mùi hôi và đạt cột A (QCVN 01-MT: 2015/BTNMT) mới được xả ra môi trường.

Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy vào mùa khô lượng nước không đủ phục vụ cho yêu cầu sản xuất, chế biến, nhóm tác giả tiếp tục nảy sinh ý tưởng tái sử dụng lại nguồn nước sau khi xử lý đạt chuẩn loại A để phục vụ sản xuất.

Nước được tái sử dụng phục vụ nhiều mục đích trong sản xuất, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.

Nước được tái sử dụng phục vụ nhiều mục đích trong sản xuất, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.

Tổng hợp các phương pháp và từng bước thí nghiệm, cuối cùng nhóm nghiên cứu đã thành công tái sử dụng lại hơn 80% nước thải sau xử lý cho sản xuất và nước thải xả ra ngoài môi trường rất ít, góp phần bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn.

Đánh giá sáng kiến, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng cho biết: Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng có khoảng 20 ngàn ha cao su với 2 nhà máy chế biến mủ. Nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất chế biến mủ cao su tại 2 nhà máy này là vấn đề nan giải cần được giải quyết.

Giải pháp công nghệ xử lý nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất do nhóm nghiên cứu của công ty sáng kiến đã và đang được công ty áp dụng mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội rất lớn.

Nước được tái sử dụng phục vụ nhiều mục đích trong sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nước được tái sử dụng phục vụ nhiều mục đích trong sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Việc áp dụng giải pháp này lượng nước tái sử dụng sẽ đáp ứng được hơn 50% lượng nước cần thiết cho sản xuất, tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng/năm chi phí mua nước và mỗi năm còn tiết kiệm cho nhà máy hơn 150.000kW điện.

Nếu lấy đơn giá điện trung bình 2.400 đồng/kW thì nhà máy có thể tiết kiệm hơn 360 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, do giải pháp công nghệ không sử dụng hóa chất (PAC, Polyme, phèn…) nên sẽ giảm chi phí vận hành đáng kể và an toàn cho người vận hành hệ thống nước thải”, ông Nghĩa tiết lộ.

Với những lợi ích kinh tế - xã hội, sáng kiến đã đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016 - 2017) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Máy phun xịt “5 trong 1” tiện lợi, an toàn

Tại Thành phố Đồng Xoài, nông dân Nguyễn Văn Lĩnh đã sáng chế máy phun “5 trong 1” với nhiều chức năng hữu ích, góp phần giảm sức lao động, an toàn sức khỏe người sử dụng.

Chiết máy đa năng do anh Lĩnh sáng chế. Ảnh:Trần Trung.

Chiết máy đa năng do anh Lĩnh sáng chế. Ảnh:Trần Trung.

Anh Lĩnh cho biết, gia đình anh có gần 5 ha cao su. Nhận thấy việc phun xịt cao su mất nhiều thời gian, trong khi đó thành phần thuốc xịt cỏ có nhiều hóa chất nguy hại cho sức khỏe, nhờ có kiến thức về cơ khí, dựa trên nguyên lý hoạt động của máy phun xịt thông thường, sau 5 năm nghiên cứu, anh đã sáng chế ra máy phun xịt bằng động cơ Diesel có công suất tăng gấp bội. Đặc biệt, máy được tích hợp trên xe máy cày, người dùng không tiếp xúc trực tiếp với thuốc xịt cỏ.

Theo đó, máy do anh Lĩnh thiết kế có khả năng phun cao ở chế độ tĩnh tối đa 35m và máy phun cao ở chế độ tự động được 25 - 30m, tầm hoạt động rộng 10m2 với chế độ phun xa, tầm hoạt động của máy lên đến trên 300m2.

Chỉ cần 1 bồn nước 500 lít, tùy vào địa hình, khoảng trong vòng 1 tiếng đồng hồ máy có thể phun được 3 đến 4 ha cao su, so với máy thông thường tiết kiệm được 50% lượng nước và thuốc sử dụng, thời gian phun cũng được rút ngắn hơn 40%.

Máy có khả năng phun cao, phun xa... cơ động trên mọi địa hình. Ảnh: Trần Trung.

Máy có khả năng phun cao, phun xa... cơ động trên mọi địa hình. Ảnh: Trần Trung.

Không dừng lại ở 2 ứng dụng là phun cao và phun xa, để phát huy hết công năng của máy, anh Lĩnh tiếp tục mày mò nghiên cứu về động lực học của động cơ diesel, dựa trên nền tảng sẵn có, anh đã cải tiến trang thiết bị, tiếp tục sáng chế ra các ứng dụng như thổi lá, xông khói, làm điện áp trị sâu đục thân. Từ chiếc máy chỉ có 2 công năng trở thành chiếc máy “5 trong 1”.

Ngoài sử dụng cho gia đình, anh còn nhận phun xịt thuê cho bà con trong vùng với giá cả phải chăng. Thời gian rảnh, anh còn thiết kế hàng trăm sản phẩm tương tự để cung ứng cho người dân trong và ngoài địa phương.

Bên cạnh các sáng kiến hữu ích tăng năng suất lao động, giảm thiểu tác động môi trường do các tổ chức cá nhân thực hiện, tỉnh Bình Phước đang tập trung tái cơ cấu trong trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững đối với ngành cao su.

Đơn cử như sử dụng giống có năng suất mủ cao, đa mục đích, phát triển theo hướng mủ - gỗ theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam như: PB260, PB235, PB255, RRIVI, RRIV5, RRIVII24...

 

  • Tags:
Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.