Hồi tháng 8/2023, Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) đã khảo sát hơn 2.300 nông dân châu Âu về môi trường kinh doanh và ý định đầu tư của họ. Hầu hết các chủ trang trại trồng trọt cho rằng hoạt động làm ăn của họ hiện đang có lãi, nhưng sẽ kém thuận lợi hơn trong tương lai. Đối với những người chăn nuôi lợn, tình hình kinh doanh hiện tại được đánh giá tích cực khi giá thịt lợn ở mức cao, song không có đủ điều kiện ổn định để phát triển hoạt động hơn nữa. Trong số các trang trại bò sữa được khảo sát, nhiều trang trại đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần và lãi suất cao sau khi đầu tư mở rộng.
Cụ thể là, nông dân trồng trọt và chăn nuôi lợn coi việc tăng cường các quy định và chính sách nông nghiệp là những thách thức lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của họ. Đối với những người trồng trọt, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn, bên cạnh các vấn đề khác như chi phí cho đầu vào tăng cao và đất canh tác. Trong chăn nuôi bò, diễn biến lãi suất trong tương lai sẽ có tác động đến nguồn vốn và các dòng tài chính ngắn hạn.
Gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch đầu tư mua máy kéo mới trong 2 năm tới. Đối với máy móc nông nghiệp, những người được khảo sát chủ yếu quan tâm đến các công nghệ như canh tác chính xác và tự động hóa.
Toàn bộ các nhóm được khảo sát đều tỏ ra quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, vì điều này có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận.
Công nghệ canh tác thông minh và canh tác chính xác nhận được nhiều sự chú ý do chi phí đầu vào của trang trại đang ngày một tăng. Người nông dân cần những đổi mới có thể tối ưu hóa đầu vào nông nghiệp. Các giải pháp về sinh học và máy móc nhằm bảo vệ cây trồng đang trở thành một phần trong chiến lược nhằm thay thế các loại hóa chất.
Nhìn chung, những người nông dân châu Âu hoan nghênh các giải pháp sáng tạo trong các lĩnh vực đang bị kiểm soát chặt chẽ như thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, họ kỳ vọng về những đổi mới về giống cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng kháng thuốc.
Trong nông nghiệp hiện nay, nhiều "giải pháp xanh" đã được thực hiện nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn 2/3 số người được khảo sát đã duy trì luân canh cây trồng, trong khi phần lớn số còn lại cho biết có ý định làm như vậy. Hơn 1/2 số người được khảo sát đã sử dụng các biện pháp tiết kiệm dầu diesel. Quản lý nguồn nước đã là hoạt động thường nhật đối với 1/3 số người được khảo sát, trong khi 40% còn lại cho biết sẽ có các biện pháp tương tự trong tương lai.
Nông dân ở châu Âu đã và đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu. Hơn 90% đối tượng khảo sát cho biết có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới trong 2 năm tới. Họ đang điều chỉnh chiến lược canh tác của mình nhằm ứng phó với việc chi phí đầu vào tăng cao mà vẫn duy trì được sản lượng.
"Thỏa thuận Xanh châu Âu đang làm giảm bớt các lựa chọn đầu vào nông nghiệp sẵn có, chính sách lãi suất khiến người nông dân phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư và biến đổi khí hậu đòi hỏi các quy trình sản xuất có khả năng chống chịu cao trước thiên tai. Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng sự khéo léo và đổi mới", Hovelmann giải thích.
Hội chợ thương mại Agritechnica 2023, diễn ra tại Hanover (Đức) từ ngày 12 - 18/11, với chủ đề "Sản lượng Xanh" sẽ bàn về chủ đề này một cách toàn diện với nhiều sự kiện thảo luận chuyên sâu cùng các chuyên gia.