Để chuẩn bị thực thi Nghị định song phương về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chủ trì và phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho các tỉnh phía Nam” cho các cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp, cá nhân và nông dân liên quan đến sản xuất và xuất khẩu sầu riêng tại các tỉnh phía Nam.
Hội nghị tập huấn lần này thu hút sự tham gia của trên 140 học viên đại diện của một số vùng trồng sầu riêng từ các Công ty Vina T&T, Quốc Khánh, Thiện Tâm, Ameii…, đại diện các hơn 30 hợp tác xã Long An- Minh Hùng, Minh Long, Minh Thắng…., các tổ hợp tác Hàm Luông, Hòa Nghĩa, Sơn Bình; các hộ sản xuất, trang trại và đại diện của một cơ sở đóng gói sầu riêng, các cơ quan quản lý thuộc các tỉnh phía Nam.
Đây là tín hiệu tốt cho việc sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng của các bên tham gia sản sản xuất sầu riêng tại các địa phương. Từ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy trình quản lý, kiểm tra, đánh giá để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam nói chung.
Hội nghị tập huấn sẽ giới thiệu cho các học viên về các quy định chung về mã số vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu, các các quy định của Trung Quốc liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật được đề cập trong Nghị định thư.
Bên cạnh đó, các học viên còn được hướng dẫn cụ thể về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giám sát sinh vật gây hại tại vườn trồng, thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, quy trình cấp mã số và ghi chép tại vườn trồng, sử dụng nhật ký điện tử.
Cuối đợt tập huấn, các học viên được bố trí đi thực địa tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, được tham gia thảo luận, đề xuất giải pháp quản lý.
Mục tiêu của khóa tập huấn trang bị kiến thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng và các cán bộ kỹ thuật, giúp họ nắm vững và tuân thủ các yêu cầu về quy trình cấp mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói (CSĐG); các yêu cầu chung về vùng trồng, CSĐG sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, lưu trữ hồ sơ; chương trình giám sát dư lượng và kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu.
Đối với các vùng trồng, CSĐG sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thông qua chương trình tập huấn, Cục Bảo vệ thực vật mong muốn nhận được sự hỗ trợ và phối hợp của các bên liên quan cùng xây dựng nên các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo các yêu cầu của nước nhập khẩu.