| Hotline: 0983.970.780

Niềm đam mê xuyên rừng săn ong mật cùng bí quyết hánh ong

Thứ Tư 11/01/2017 , 15:10 (GMT+7)

Trên vùng cao Lào Cai, khi gió mùa đông Bắc tràn về từ đợt này sang đợt khác, kéo theo cái rét tái tê, rồi đài báo đợt rét sắp hết, nắng sẽ hửng lên, đó là lúc những người làm nghề nuôi ong khấp khởi vui mừng. Vậy làm mùa bắt ong soi (còn gọi là hánh ong) đã tới. 

1-3145338682
Nghề nuôi ong mật góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân
 

Bí quyết hánh ong rừng

Năm nay trời rét muộn hơn mọi năm. Sau những ngày u ám và rét tái tê, cuối tuần nắng bỗng hửng lên một màu vàng mật ong ấm ấp. Anh Quang, nhà ở thị trấn Bát Xát lại lục tục chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi hánh ong rừng.

Gọi là đồ nghề nhưng đó đơn giản là một cái đõ ong đục bằng thân cây mít, hình trụ tròn, đường kính khoảng 40cm, ngoài ra còn có cây vợt làm bằng vải xô mỏng, cái mũ vải có rèm che và bộ quần áo lao động.

Đeo cái đõ ong ra sau lưng, anh Quang bảo tôi: Ong rừng không chịu được cái lạnh mùa đông, nên thường bay đi tránh rét. Nhưng chúng ít bay xuống khu vực trung tâm huyện hay thành phố lắm, vì vừa ồn ào, bụi bặm, lại ít hoa. Chúng thường bay về những bản làng vùng cao, hay ngoại ô thị trấn, thành phố, nơi có nhiều vườn cây ăn quả, cây rừng để tìm chỗ xây tổ.

Tôi theo chân anh Quang hành trình ngược dốc lên xã Phìn Ngan, nơi được rất nhiều thợ ong tìm tới, vì là chỗ lý tưởng của bầy ong làm tổ. Là người say mê nuôi ong mật, quanh nhà luôn có gần hai chục đàn ong, năm nào anh Quang cũng lên các thôn, bản cao của xã Quang Kim, Phìn Ngan để tìm bắt ong rừng.

Chúng tôi dừng chân ở một lán nhỏ ven rừng. Anh Quang vừa treo đõ ong mồi lên một gốc cây to xù xì, vừa chia sẻ: Mỗi đàn ong trên núi thường cử các chú ong trinh sát, còn gọi là ong soi bay đi các nơi để tìm chỗ thích hợp làm tổ, giống như lính trinh sát của quân đội. Ong trinh sát soi tìm ở các gốc cây to đơn lẻ có nhiều hốc cây, hay cột điện, hoặc tường vách những ngôi nhà gỗ, hòm thóc, tủ quần áo… Chỉ cần đặt đõ mồi ở đó để “bẫy” ong, ong sẽ tự về, hoặc có thời gian thì đi bắt ong soi cho vào đõ mồi đợi đàn ong bay về.

3-214533924
Nghề nuôi ong mật góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân
 

Trong khi anh Quang cầm vợt đi tìm ong soi, tôi cũng mày mò dạo quanh lán xem mình có bắt được chú ong nào không. Thật may cho tôi, vừa tìm một lúc đã phát hiện ra một chú ong mật đang bay ngay sát chân cột. Vui như bắt được vàng, tôi hô gọi anh Quang mang vợt tới.

Anh Quang chạy lại xem, nhìn con ong đang bay, rồi cười: “Con này là ong chết rét thôi anh ạ, nhiều người mới đi bắt ong vẫn bị nhầm như thế. Ong trinh sát thường phát ra âm thanh vo ve to hơn ong thường, khi bay chúng soi rất kỹ từng ngóc ngách, đôi chân thứ 3 bao giờ cũng buông thõng xuống, phải nhìn kỹ mới thấy”… Đúng là nghề gì cũng có những bí quyết riêng, không đơn giản chút nào.

Với kinh nghiệm hánh ong, đến trưa, anh Quang đã bắt được một chú ong soi thả vào đõ mồi một lúc rồi mở cửa đõ ra. Chú ong bay vút đi mất hút phía rừng cây. Chúng tôi đợi khoảng 15 phút sau, thấy một con, hai con, rồi cả một bầy ong bay về tổ. Tôi cứ nghĩ đàn ong đã về nhưng không phải thế. Đó là bầy ong “cán bộ” được cử tới để thẩm tra, khảo sát xem vị trí ong trinh sát tìm được có thích hợp để làm tổ không. Nếu được, thì ong chúa sẽ cùng cả đàn ong bay về. Cái đõ mồi của anh Quang tỏ ra rất hiệu quả, vì khoảng nửa tiếng sau, hàng vạn con ong từ đỉnh núi đã bay xuống, chui dần vào trong đõ. Đợi đàn ong vào hết trong đõ, anh Quang mới thở phào nhẹ nhõm.

“Có hôm may mắn bắt được tận 3 đàn ong nhưng có hôm ong về đông lắm rồi lại bay đi, nhìn mà tiếc “đứt ruột”, lại phải khoác đõ về không. Đi hánh ong ngoài kinh nghiệm cũng còn do may rủi nữa. Mùa này mình bắt được gần chục đàn ong rồi. Bây giờ mình đã đủ kỹ thuật để tạo mũ chúa nhân giống đàn ong, nhưng đi hánh ong là niềm đam mê không thể bỏ được. Mỗi năm những đàn ong cho mình cả trăm lít mật đấy. Mật chuẩn hoa rừng, cứ 300 nghìn một lít, nhiều người đặt hàng trước còn không đủ để bán”.
 

Xuyên rừng săn ong mật

Một lần đến xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tôi đã được thưởng thức chén trà với những giọt mật ong sóng sánh vừa chắt từ bánh sáp ra, giỏ từng giọt vào màu chè thơm đậm đà hương vị núi rừng.

6-2145339347
Để có những tổ ong mật, người nuôi ong phải đi mua của thợ ong hoặc đi hánh ong rừng
 

Thầy giáo già đã nghỉ hưu Phạm Huy Cảm và cựu chiến binh Trần Văn Sơn là những người lão luyện về nghề nuôi ong mật ở Tả Phời “bật mí” trên đỉnh Phìn Hồ Thầu, nơi cao nhất Tả Phời, có bản Mông với những người thợ chuyên xuyên rừng xanh núi đỏ mưu sinh bằng nghề bắt ong rừng.

Tiếp tục ngược dốc lên Phìn Hồ Thầu, tìm gặp những người thợ bắt ong trên đó, thì quả nhiên là như vậy. Phìn Hồ Thầu có 36 hộ dân, đều là đồng bào dân tộc Mông từ một số xã vùng cao của Sa Pa chuyển sang định cư từ lâu. Ở đây, những thanh niên người Mông lập thành từng nhóm chuyên đi săn ong rừng bán cho người nuôi ong dưới vùng thấp, với những thợ ong giỏi như: Giàng A Minh, Hạng A Chểnh, Má A Nủ, Má A Trống, Giàng A Lềnh, Giàng A Ơ, Hạng A Sèo...

Cùng với bắt ong soi, họ còn luồn sâu vào rừng để bắt những tổ ong mật trong hốc cây, trên vách đá, khe đất. Thợ ong Giàng A Minh, năm trước bắt được hơn 20 tổ ong mật, xòe bàn tay chai sạn đầy vết nhựa cây rừng, vết sứt sẹo vì leo rừng trèo núi chia sẻ: “So với bắt ong soi thì đi săn tổ ong trong rừng vất vả hơn nhiều. Ong rừng thường làm tổ trên các hang đá, vách đá cao, hoặc trong những hốc cây cổ thụ, trong khe đất. Để tìm được tổ ong đã khó, còn bắt được chúng càng khó hơn. Nếu một người đi thì không bắt nổi”.

Vậy có bí quyết gì để tìm được tổ ong nhanh không? - Thợ ong giỏi thì nhìn hướng ong thợ vẫn bay đi bay về tính thời gian để đoán khoảng cách và vị trí tổ thôi, rồi chia nhau đi tìm. Ong soi hoặc lấy mật ở hoa thấp thì tổ thường xa, ong lấy mật ở hoa cao thì tổ lại ở gần…

Hôm ấy, các thợ ong phát hiện được một tổ ong mật trong lòng đất ở khu vực sạt lở ngay bên đường. Đây là tổ ong dễ nhất mà họ tìm được, đường lên cũng gần, vậy mà tôi theo chân người thợ ong leo dốc muốn “đứt hơi”. Xác định đúng miệng tổ ong theo đường các chú ong thợ bay ra bay vào, những người thợ dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất. Chỉ một lát sau, tổ ong đã hiện ra với những bánh sáp đầy mật. Muốn bắt được cả đàn ong, thì công việc khó nhất là bới tìm ong chúa đang trốn trong bầy ong hàng vạn con trong tổ để cho vào đõ ong.

8-1145339642
Nhóm thợ ong người Mông ở Phìn Hồ Thầu bắt ong rừng
 

Ngồi trên sườn núi thưởng thức bánh mật ong vàng ruộm cho lại sức, những người thợ săn ong nghĩ tới khoản tiền sẽ bán được. Đàn này 2kg ong, bán được khoảng 600 nghìn, cùng với bán mật ong nữa sẽ được khoảng gần một triệu, cả nhóm chia nhau, mỗi người cũng được 200 nghìn. Ở cái bản Mông nghèo nhất trên đỉnh Tả Phời này, số tiền đó là không hề nhỏ.

Mưu sinh bằng nghề săn bắt ong rừng, những thợ ong người Mông ở Phìn Hồ Thầu đã quá quen với những hiểm nguy, vất vả. Có người trèo cây bị ngã xây xát mặt mũi, có người bị đá cứa rách toạc chân tay, bị rắn rết cắn, còn chuyện ong đốt thì quá bình thường. Ngày mai, ngày kia, khi mặt trời lên, và cả mùa xuân tới, họ sẽ lại theo dấu những chú ong thợ xuyên rừng xanh núi đỏ săn tìm niềm hi vọng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm