Đến nay, Việt Nam đã trải qua 125 ngày chống dịch Covid-19 với những thành công bước đầu được thế giới ghi nhận và ca tụng, đặc biệt trong việc điều trị các ca bệnh nặng và chưa có trường hợp tử vong. Một trong những ca bệnh nặng nhất được ngành y tế Việt Nam và cả thế giới quan tâm là ca bệnh thứ 91 – phi công người Anh của hãng Hàng Không VietNamAirlines.
Cứu sống bệnh nhân là hạnh phúc của người thầy thuốc
Sau 65 ngày được các y bác sĩ khoa Nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tích cực điều trị, phi công người Anh đã 7 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 sau nhiều lần xét nghiệm và được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị nội khoa, các bệnh lý nền cho đến khi hồi phục sức khỏe để có thể tiến hành thực hiện ghép phổi.
Hẹn mãi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – người trực tiếp điều trị cho phi công người Anh. Kể về quá trình “chiến đấu” giành giật sự sống “mong manh” cho bệnh nhân 91, bác sĩ Phong vẫn còn xúc động, nhiều cảm giác hồi hộp, xen lẫn lo lắng vẫn còn đó.
“Cảm xúc buồn vui lẫn lộn, bởi mình đã gắn bó với bệnh nhân hơn hai tháng trời, giờ bệnh nhân chuyển đi mình cũng có cảm giác hụt hẫng, buồn. Tuy nhiên, dù bệnh nhân ở đâu thì mục đích cuối cùng của người bác sĩ cũng là để cứu cho bệnh nhân sống, trở về với cuộc sống đời thường”, bác sĩ Phong xúc động nói.
Khi hỏi ấn tượng nhất của mình về ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ Phong cho biết, trong những ngày đầu nhập viện, bệnh nhân sức khỏe tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, 3-4 ngày đầu bệnh nhân không chịu ăn, không chịu uống sữa và không hợp tác với y bác sĩ. Hỏi ra thì được biết, bệnh nhân không quen ăn đồ Việt Nam vì nhiều gia vị. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã phải liên hệ với một người trong đoàn bay của phi công Anh thì được sự tư vấn và đặt thức ăn của tổ bay đem vào bệnh viện.
Lúc ấy, bệnh nhân mới ăn được hết phần ăn. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3 thì phi công Anh không ăn được nữa vì bệnh tiến triển nên phải thợ máy. Từ đó trở đi phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch.
Dùng mọi kỹ thuật tiên tiến, thuốc đặc trị để cứu bệnh nhân
Bác sĩ Phong cho biết, bệnh nhân nặng tới 100kg, cao 1m83, dù nằm ở trong phòng cách ly áp lực âm rất lạnh nhưng lúc nào cũng kêu nóng.
“Thời gian đầu, bệnh nhân rất khó chịu, không hoàn toàn hợp tác với các y bác sĩ, chúng tôi phải thuyết phục đủ kiểu, và luôn hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân thật tốt, đáp ứng mọi yêu cầu của họ trong khả năng của mình. Đến khi bệnh nhân chịu hợp tác thì cũng là lúc bệnh nhân phải thở máy” bác sĩ Phong chia sẻ.
Khi hỏi về việc tại sao phi công Anh có thể trạng khỏe mạnh, trẻ tuổi và không mắc các bệnh nền lại diễn tiến bệnh nhanh và nặng khi mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong lý giải: “Bệnh nhân có thể tạng khỏe, nhưng chỉ số BMI trên 30, đây là mức béo phì, chính là nguy cơ dẫn tới tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 diễn tiến nặng. Bởi khi thể trạng khỏe, thì tải lượng virus xâm nhập với nồng độ cao, khi một tác nhân xâm lấn thì cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra cơ chế chống lại. Một trong những cơ chế đó là tạo ra nhiều chất cytokine, người ta gọi là “cơn bão cytokine”. Đó là nó tạo ra những chất chống lại cơ thể mình quá mức dẫn đến tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng hơn.
Bệnh nhân nhập viện ngày 18/3, nhưng đến 25/3 bệnh nhân phải thở oxy qua mặt nạ. Ngày 5/4, phải thở máy xâm lấn. Ngày 6/4, các bác sĩ BV Chợ Rẫy phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm trong suốt quá trình điều trị”.
Tất cả hình ảnh của những ngày “cân não” giành giật sự sống cho phi công Anh hiện lên, bác sĩ Phong kể: “Đây là căn bệnh quá mới, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị chuẩn nên chúng tôi vừa làm vừa học vừa mày mò nghiên cứu. Khi can thiệp ECMO, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng đông Heparin. Tuy nhiên, bệnh nhân vừa bị rối loạn đông máu do Covid-19, vừa mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với Heparin, nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng nên chúng tôi bắt buộc phải dừng loại thuốc này.
Vậy là lại mày mò tìm hiểu, và cuối cùng bệnh viện quyết định sử dụng thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch, nhưng thuốc này chưa từng được sử dụng tại Việt Nam nên phải báo cáo Bộ Y tế và làm thủ tục nhập thuốc từ Đức.
Phải mất 10 ngày thuốc mới về tới nơi, câu hỏi đặt ra là trong 10 ngày chờ đợi đó, bệnh nhân phải dùng thuốc gì? Không có thuốc kháng đông thì không thể chạy ECMO, mà không chạy ECMO bệnh nhân sẽ tử vong ngay.
Cùng với sự hội chẩn chuyên môn của các y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trên cả nước, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM quyết định cho bệnh nhân dùng tạm loại thuốc kháng đông bằng đường uống Xarelto – đây là thuốc điều trị và dự phòng huyết khối, ít ảnh hưởng rối loạn đông máu. Bệnh nhân đáp ứng được với Xarelto đến ngày thứ bảy, sau đó bệnh tiến triển nặng hơn. May mắn, đến ngày thứ 10 thuốc kháng đông tĩnh mạch về tới Việt Nam và bệnh nhân 91 đáp ứng tốt với loại thuốc này.
Tuần đầu tiên bệnh nhân chạy ECMO, 24/24 các y bác sĩ không ngủ, lúc nào cũng phải thay nhau theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân trong phòng áp lực âm dù những thay đổi nhỏ nhất. Thông tin được cập nhật liên tục trong nhóm group Zalo của bệnh viện, của các chuyên gia đầu ngành để phân tích và đưa ra các quyết định điều trị kịp thời.
Đã có nhiều lúc bệnh nhân phải đối mặt với “cửa tử” tưởng chừng không thể qua khỏi, như 18 ngày sau thở máy, các bác sỹ tiến hành mở khí quản cho phi công Anh, nhưng khi chỉ mới bắt đầu rạch da thì máu chảy ồ ạt. Có thời điểm, bệnh nhân đang ở trạng thái ổn định đột nhiên xuất hiện tình trạng tràn khí màng phổi khiến các y bác sỹ “thót tim” … Thế nhưng, cho đến nay gần hai tháng bệnh nhân nằm viện, trong đó hơn một tháng phải thợ máy, bệnh nhân vẫn còn sống là một điều may mắn cho cả bệnh nhân và các y bác sĩ, đó là một kỳ tích.
“Từ trước đến nay, chưa từng có bệnh nhân nào thở máy trên 10 ngày có thể sống sót. Đây là lần đầu tiên tất cả các kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu tại Việt Nam, sử dụng nhiều loại thuốc đều được áp dụng trên một bệnh nhân để giữ được mạng sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Phong nói
Bệnh nhân liên tục âm tính rồi lại dương tính, khiến các y bác sĩ phải căng não tìm mọi phương án tối ưu cho bệnh nhân, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ không bị lây nhiễm Covid-19.
“Bệnh nhân đã xét nghiệm 7 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và bệnh viện đã thực hiện cấy virus để xác định bệnh nhân đã không còn virus SARS-CoV-2 hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng phổi của bệnh nhân đông đặc nặng dần, xơ hóa, chụp X-quang lần 1 phổi chỉ còn hoạt động 10%. Với sự điều trị tích cực, hỗ trợ của ECMO, sau một tuần, chụp X-quang lần 2 phổi bệnh nhân đã hồi phục được 20-30%. Đây là một trong những điều đáng mừng, diễn tiến bệnh khả quan hơn và được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị nội khoa”, bác sĩ Phong nói.
Bác sĩ Phong cho biết, dù bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy nhưng các y bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng như các y bác sĩ cả nước đều dõi theo và cùng đồng hành với bệnh nhân trong thời gian tiếp theo, mong muốn đem lại sự sống cho người bệnh. Đó là tâm nguyện của người thầy thuốc.
Sau 65 ngày điều trị Covid-19, bệnh nhân 91 - phi công người Anh đã từ cõi chết trở về, tuy nhiên, chặng đường hồi phục vẫn còn gian nan. Chiều ngày 22/5, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện bệnh nhân 91 đã được giảm liều thuốc an thần, ngưng thuốc giãn cơ, mạch và huyết áp ổn, vẫn thở máy và ECMO và được các bác sĩ hỗ trợ vật lý trị liệu... để có thể đảm bảo sức khỏe và tiến hành ghép phổi trong thời gian tới.