Dừng lại trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thủy (phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho hay: “Nhà tôi có gần 12 sào đất trồng lúa nhưng đã chuyển sang trồng hoa và rau màu vụ Tết được mấy năm nay. Hoa cũng như rau củ, cứ mỗi sào (500m2) cho lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng tùy theo giá cả từng năm". Chúng tôi nhẩm tính, mỗi ha trên cánh đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con thu nhập 200 - 300 triệu đồng.
Làng lúa thành làng hoa
Xã Quảng Long (nay là phường Quảng Long) xưa nổi tiếng khắp vùng về rượu ngon. Gặp nhau ở làng, chủ nhà mời chai rượu trong vắt, rót ra thấy tia bọt li ti nổi lên từ đáy chén, uống quá vài ba chén là đã khó thấy... đường về. Bây giờ, đến Quảng Long không chỉ nói về rượu “cuốc lủi” nữa mà còn có thêm danh hiệu mới là làng hoa.
Cánh đồng phía sau làng rộng trên 50ha trước là vùng đất trồng lúa hai vụ. Tiếng là hai vụ nhưng vụ nào cũng èo uột, năng suất cứ tụt giảm chứ không lên. “Vùng này đất cát pha cứng nên dù có bón bao nhiêu phân thì cây lúa cũng khó lên. Lại là vùng trũng nên mưa ngập lâu lắm”, ông Thủy lý giải.
Cũng không ai còn nhớ người đầu tiên mạnh dạn xẻ ruộng, đánh luống để trồng rau màu thay cho cây lúa, nhưng lại nhớ rất rõ cái năm mà những vạt hoa cúc đầu tiên bật hoa vào dịp gần Tết.
Thời điểm này, người trồng hoa ở phường Quảng Long đang tất bật chăm sóc hoa phục vụ thị trường Tết. Hiện thời tiết khá thuận lợi, cây hoa phát triển tốt, hứa hẹn một mùa hoa mang lại thu nhập cao cho người dân.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa, dịp giáp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Xuân Thủy ngày nào cũng có mặt tại cánh đồng hoa nhà mình để làm cỏ, tỉa lá, tưới nước, chăm sóc vụ hoa Tết. Đây là vụ chính của năm nên việc chăm sóc hoa được gia đình ông Thủy đặc biệt quan tâm.
Ông Thủy bảo, gia đình trồng hoa quanh năm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận. Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông trồng 5 sào với hơn 25.000 cây hoa cúc vàng và cúc trắng. Đây là các loại hoa được ưa chuộng nhất vào dịp Tết. Riêng vụ hoa Tết, gia đình ông Thủy bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 9 âm lịch, hiện hoa đang ở giai đoạn đóng búp và tạo hoa.
Theo ông Thủy, nếu bán được giá, mỗi bông hoa cúc sẽ có giá 5 nghìn đồng trong dịp Tết và dự kiến sẽ thu về khoảng 125 triệu đồng, trừ chi phí, đây sẽ là nguồn thu chính để trang trải, mua sắm Tết. “Để những luống hoa khoe sắc đúng dịp Tết, người trồng hoa phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu từ khâu làm đất, ươm giống cho đến theo dõi tình hình thời tiết để chủ động cho hoa nở đúng thời điểm. Ngoài ra, còn phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời”, ông Thủy nói.
Gia đình bà Ngô Thị Tiện (phường Quảng Long) có diện tích đất trồng lúa hơn 12 sào. Mấy năm trước, gia đình bà cũng đã chuyển dần sang trồng hoa và rau xanh, trong đó diện tích trồng hoa hơn 6 sào. Mỗi sáng, tối bà đều ra ruộng chăm sóc, tưới nước cho hoa.
Vừa tưới nước cho ruộng hoa, bà Tiện vừa cho biết, để hoa cúc được thu hoạch đúng dịp giáp Tết Nguyên đán, người trồng hoa phường Quảng Long không chỉ dày công chăm sóc mà còn phải thắp điện xuyên đêm trên vườn hoa để giúp cây phát triển nhánh. Hệ thống bóng điện được lắp đặt với mật độ mỗi bóng cách nhau 1,5 - 2m, ánh sáng và nhiệt độ từ bóng điện giúp cho cây hoa cúc nhanh đẻ nhánh.
Bà Tiện tâm sự: “Năm ngoái, thương lái đến đặt tiền 7 ngàn đồng mỗi cây hoa cúc nhưng sau đó giá hoa bán trên thị trường hạ xuống 6 ngàn nên bị lỗ. Gia đình tôi cũng chia sẻ và giảm giá xuống cho họ. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây hoa lên nhiều cành, nhiều nụ. Hi vọng thị trường hoa Tết sẽ có nhiều khởi sắc, giá cao để bà con có thu nhập và người buôn bán cũng kiếm được đồng lãi”.
Đưa giống ngoại về trồng
Trên cánh đồng, bà con Quảng Long quy hoạch theo từng vùng. Vùng trồng rau ở phía gần khu dân cư rồi mới tiếp đến vùng hoa. Trong vùng hoa cũng chia thành các lô, gồm giống hoa cúc vàng, hoa cúc tím và hoa cúc ngũ sắc… Trồng như vậy giúp dễ chăm sóc và người mua cũng dễ chọn, thu hoạch, phân loại, vận chuyển.
Diện tích trồng rau màu cũng ngang ngửa với diện tích trồng hoa. Bà con cho biết trồng rau màu và trồng hoa thu nhập cũng sàn sàn nhau nên ai có diện tích nhiều thì trồng cả hai loại. Điểm khác biệt là trồng hoa thì thu hoạch một lần là xong, nhưng rau củ lại cho thu hoạch nhiều lần. “Trồng rau cũng có đồng vô đồng ra hàng ngày nên bà con cũng muốn như vậy. Đó là điều mà vùng này không chuyển hết sang trồng hoa”, bà Tiện nói thêm.
Trên vùng ruộng rau, bà con chỉ trồng hai loại chính đó là dưa chuột và mướp đắng. Các loại rau cải thì được trồng xem vào hai bên luống khi dưa chuột hay mướp đắng đã leo giàn. Các loại rau trồng trên đồng Quảng Long xanh tốt đến bất ngờ. Cây dưa chuột phủ kín giàn, xanh mướt, lá to hơn hai bàn tay người lớn, những trái dưa đầu mùa đang còn non nhưng đã dài quá gang tay người lớn.
Đi cùng chúng tôi ra đồng, chị Đặng Thị Quỳnh Trang, cán bộ chuyên trách nông nghiệp phường Quảng Long cho hay, bà con chỉ sử dụng một phần phân tổng hợp bón thúc cho cây trồng, còn phần lớn sử dụng phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ.
"Chúng tôi động viên, khuyến khích bà con dần dần đưa sản xuất hữu cơ vào cánh đồng để tạo nên sản phẩm sạch, có uy tín trên thị trường và xây dựng vùng rau sạch”, chị Trang nói.
Đi qua một thửa ruộng trồng dưa chuột, thấy cây dưa ở đây thật khác vì lá trên thân rất thưa và nhỏ, có màu hơi bạch bạch chứ không xanh rì như dưa chuột của mấy đám ruộng gần đó. Trên mỗi đốt thân và nhánh cây, trái dưa treo lủng lẳng. Trái dưa mới chỉ bằng trái chuối mật nhưng lại có nhiều gai chìa ra và lớp phấn cứ phơn phớt trắng, rất lạ.
Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ vườn rau cho hay: "Đây là giống dưa chuột từ Nga đưa về đó. Gia đình trồng thử nghiệm vụ đầu tiên xem sao nên cũng chỉ dành đất đủ 5 luống, nếu vụ này có hiệu quả thì vụ sau sẽ tăng dần diện tích lên”.
Cũng theo chị Hồng, gia đình có con đang lao động ở nước Nga, thấy giống dưa chuột bên đó cũng dễ trồng và sai quả nên đã mua giống gửi về cho mẹ. Thấy mẹ cần mẫn với ruộng vườn nên con chị Hồng đã nhắn tin là nếu dưa trồng có thu nhập cao hơn thì sẽ gửi thêm hạt giống về.
Nổi bật trên cánh đồng là khu nhà màng trồng rau sạch của gia đình bà Ngô Thị Tiện. Ông Hoàng Nam Doan (chồng bà Tiện) vui vẻ nói: "Nhà tôi cũng chuyên môn hóa rồi. Giao bà phụ trách mấy sào hoa Tết, còn tôi thì đảm nhận rau trồng trong nhà màng”. Theo ông Doan, rau trồng trong nhà màng có nhiều ưu thế như hạn chế được sâu bệnh hay thời tiết cực đoan. “Rau trồng nhà màng năng suất cao hơn hẳn ở ngoài ruộng. Có thể sau vụ rau này, nhiều bà con sẽ học hỏi và đầu tư”, ông Doan bộc bạch.
Hiện phường Quảng Long có diện tích trồng trọt khoảng 300ha. Cánh đồng sản xuất lúa kém hiệu quả nên bà con đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng hoa, rau, đậu… khoảng 52ha.
Ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND phường Quảng Long cho hay, chính quyền khuyến khích và chỉ đạo bà con đưa vào chuyên canh vùng hoa, rau trên cơ sở sản xuất sạch theo hướng hữu cơ. “Vì diện tích khó tăng thêm, chúng tôi vận động bà con lựa chọn các loại hoa, rau quả có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất và áp dụng công nghệ nhằm mang lại hiệu quả và tăng thu nhập”, ông Sáu nói.