Theo ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, xác định tôm giống đầu vào rất quan trọng đối với nghề nuôi tôm thương phẩm, do đó công tác kiểm soát dịch bệnh tôm giống được địa phương chú trọng và kiểm soát ngay từ đầu.
Trong đó, hiện cơ quan thú y Ninh Thuận thực hiện song song 3 việc cơ bản. Đó là công tác kiểm dịch, chủ động lấy mẫu giám sát mầm bệnh trong những cơ sở sản xuất và xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh.
“Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh là việc rất quan trọng ngay từ đầu. Những cơ sở này có thể nhận diện những mối nguy gây mất an toàn dịch bệnh tôm giống, từ đó các cơ sở sản xuất đề ra những giải pháp phân tích đánh giá, phòng chống kịp thời”, ông Huỳnh Minh Khánh cho biết.
Hiện, Ninh Thuận đã xây dựng được 11 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 9 cơ sở sản xuất tôm giống và 2 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ, chiếm trên 50% cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản của cả nước. Lượng tôm giống từ 9 cơ sở an toàn dịch bệnh giống thủy sản chiếm từ 15-20% lượng tôm giống của tỉnh.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Khánh, việc phòng bệnh cho tôm giống ở mức độ cao nhất là tự quản lý yếu tố đầu vào. Ninh Thuận đang chú trọng xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, do đó các cơ sở này phải tự nhận biết nguy cơ mầm bệnh lây truyền từ con người đến yếu tố đầu vào như thức ăn, con giống… Từ đó tự đưa ra cách nhận biết, kiểm soát các yếu tố mầm bệnh và lưu lại bằng chứng.
“Ninh Thuận đã hướng dẫn và cấp chứng nhận cho 9 cơ sở tôm giống an toàn đối với 3 loại bệnh đó là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô; 2 cơ sở tôm sú bố mẹ và tôm thẻ chân trắng bố mẹ đã được an toàn với 7 loại bệnh tất cả”, ông Huỳnh Minh Khánh cho hay.
Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tiếp tục hướng dẫn đối với những cơ sở có quy mô sản xuất trên 1 tỷ con giống/năm, có đủ năng lực, nguồn lực để thực hiện công việc này, từ đó tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận cho biết, khi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, các cơ sở sản xuất tôm giống sẽ được hưởng các quyền của Nhà nước quy định, cán bộ công nhân viên được tập huấn kỹ lưỡng về kiểm soát an toàn sinh học trong trại giống. Từ đó, cơ sở sản xuất tôm giống kiểm soát được chất lượng tôm giống của mình, khẳng định được thương hiệu của cơ sở đối với khách hàng.
Theo ông Lê Văn Quê, điều đầu tiên các thành viên của Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận cần làm đó là tuân thủ đúng các quy định của ngành trong việc ương dưỡng, sản xuất tôm giống.
“Khi các hội viên tuân thủ sẽ giúp kiểm soát được nhiễm chéo và bệnh học trong trại giống, có như vậy chất lượng tôm giống mới thực sự được đảm bảo. Trong thời gian vừa qua, 100% cơ sở thuộc Hiệp hội đạt được đủ điều kiện ương dưỡng, an toàn sinh học trong sản xuất, đó là dấu hiệu rất đáng mừng”, ông Lê Văn Quê cho biết.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quê cho rằng, chủ yếu các cơ sở sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận hiện nay đang ở quy mô vừa và nhỏ. Chính vì vậy, việc chuẩn bị cơ cấu nhân sự cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng là một vấn đề khó khăn.
Do đó, cần phải tăng thêm nhân sự, kiểm soát giấy tờ truy xuất nguồn gốc liên tục. Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã thấy được lợi ích của việc tham gia vào chương trình giám sát dịch bệnh và hướng tới giai đoạn 2026-2030 đạt 100% cơ sở an toàn dịch bệnh.