| Hotline: 0983.970.780

Nở rộ hình thức nuôi gà thả đồi tại Thái Nguyên

Thứ Sáu 14/04/2023 , 07:56 (GMT+7)

Những năm gần đây, người dân nhận thấy nhiều vấn đề ưu việt của chăn nuôi gà thả đồi, từ đó loại hình chăn nuôi này phát triển mạnh tại tỉnh Thái Nguyên.

1d1afc29f6202a7e7331

Ông Trần Văn Khoa, ở Thái Nguyên luôn duy trì trại gà thả đồi lên tới 15.000 con. Ảnh: Toán Nguyễn.

Lợi nhuận kép từ chăn nuôi gà đồi

Ông Trần Văn Khoa ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên là hộ chăn nuôi gà theo mô hình gia trại từ năm 2013 đến nay. Lứa gà khởi đầu 700 con, nhờ có lợi nhuận ông đã tăng đàn gà dần lên 1.000, 1.500, 3.000 con… và hiện ổn định 15.000 con/lứa. Ban đầu, ông Khoa chăn nuôi gà theo hình thức nhốt chuồng, nhưng đến hiện nay 100% được chuyển sang hình thức chăn gà thả đồi.

Ông Khoa cho biết, sau quá trình chăn nuôi nhận thấy việc nuôi gà theo hình thức thả đồi có nhiều ưu việt, gà ngon hơn và có giá thành cao hơn. Nên sau khi có lãi từ việc chăn nuôi những lứa gà đầu tiên, gia đình đã tích cóp được hơn 200 triệu đồng mua khu đồi gần nhà có diện tích hơn 1ha, sau đó xây dựng chuồng trại, làm lưới bao quanh khu đất để nuôi gà thả đồi.

Cách chăm sóc gà thả đồi cũng khác so với nuôi nhốt, từ chế độ ăn cho tới thời gian của gà hoạt động. Về thức ăn, lúc gà còn nhỏ chăn cám công nghiệp, gà lớn lên giảm dần, sau đó tăng cường thêm thêm thức ăn hỗn hợp gồm các loại rau và ngô.

Những ngày trời không mưa, ban ngày gà sẽ được thả ra khỏi chuồng, được vận động tự do trên vườn đồi. Kết hợp với việc phòng dịch đầy đủ, đúng quy trình. Hình thức chăn nuôi gà thả đồi giúp cho gà khoẻ mạnh, có đề kháng tốt hơn nên ít bị mắc phải bệnh dịch.

5ec56885628cbed2e79d

Đàn gà thả đồi được gia đình ông Trần Văn Khoa, Thái Nguyên nhốt lại để chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh: Ngọc Tú.

Việc chăn nuôi gà thả đồi dưới tán cây đã đem lại lợi ích kép cho gia đình ông Khoa. Gà tuy xuất chuồng chậm hơn nuôi nhốt khoảng 2 tháng, nhưng do chất lượng gà cao nên giá bán cũng trội 50 - 70%, thời điểm cao có giá bán khoảng 100.000 đồng/kg hơi, còn thấp là 58.000 - 60.000 đồng/kg theo giá bán buôn tại chuồng. Tính trung bình, tổng doanh thu từ 2 lứa gà/năm đạt khoảng 3,6 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận 600 triệu đồng.

Ngoài ra, việc chăn nuôi gà dưới tán cây kết hợp thả đồi đã cung cấp lượng dinh dưỡng cho cho vườn cây keo nhanh lớn gấp 2 lần bình thường. Vì vậy, chưa đến 5 năm, ông Khoa lại bán được một lứa cây, cũng đem về cho gia đình một khoản thu nhập không nhỏ.

Gà thả đồi yên tâm đầu ra

Anh Nguyễn Đình Dũng ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình là người đã trải qua hơn 30 năm gắn bó với công việc ruộng đồng và chăn nuôi, hết nuôi lợn rồi đến gà, vịt. Đến năm 2002, gia đình anh Dũng mới phát triển quy mô lớn về chăn nuôi gà và nâng dần số lượng lên. Đến nay, duy trì cùng lúc 3 lứa gà thịt ở nhiều độ tuổi khác nhau, với số lượng khoảng 9.000 con.

Anh Dũng chọn nuôi giống gà ta lò có thương hiệu của huyện Phú Bình, được khách hàng ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm ngon. Gà giống được anh Dũng mua từ cơ sở ấp nở gia cầm uy tín tại địa phương, đảm bảo gà con giống khoẻ mạnh.

Giống gà ta lò khi nuôi thả vườn, thả đồi thường mắc các bệnh về đường hô hấp và đường ruột, vì vậy vấn đề được quan tâm là tiêm phòng vaccine đầy đủ. Thời gian nuôi gà của gia đình anh Dũng thường kéo dài khoảng 5 tháng, vào thời điểm xuất bán, gà thường đạt trọng lượng trung bình từ 2,2 - 2,5kg/con.

5

Gà đồi tuỳ từng thời điểm, có giá từ 70.000 - 100.000đ/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo chia sẻ của anh Dũng, gà thả đồi có chất lượng thịt chắc, thơm ngon nên không lo về đầu ra, lúc nào cũng được thương lái đặt hàng lấy tại chuồng. Giá cả tuỳ từng thời điểm, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm đem lại lợi nhuận trong khoảng từ 350 - 450 triệu đồng.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Tuyên, ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, nhờ chuyển từ nuôi gà truyền thống sang nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học, đầu ra ổn định, đã giúp gia đình thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Để phát triển bền vững, anh Tuyên lựa chọn tham gia HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, liên kết với các hộ dân cùng lĩnh vực chăn nuôi, cùng nhau xây dựng thương hiệu "Gà đồi Phú Bình".

Anh Tuyên kể lại: "Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi gà trong vùng vẫn chủ yếu nuôi gà theo phương pháp truyền thống. Việc kiểm soát chất lượng đầu vào không được chặt chẽ, thức ăn cho gà hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Do đó chất lượng thịt không đảm bảo, nhiều khi gà chết rất nhiều...

Đến năm 2014, khi HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh được thành lập, cùng thời điểm nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gia đình mới bắt đầu thực hiện quy trình chăn nuôi gà theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn và chất lượng”.

6

Ta lò là một trong những giống gà được ưa chuộng tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gia đình anh Tuyên có khoảng 1,5ha diện tích đồi dành cho chăn nuôi (trong đó khoảng 750m2 là diện tích chuồng trại) đáp ứng mỗi lứa 6.000 con gà. Gia đình lựa chọn 2 giống gà chính là gà ri và gà ri lai, là 2 giống gà dễ nuôi phù hợp với điều kiện bán chăn thả, có chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc được người tiêu dùng ưa chuộng.

Phát triển ổn định, nhưng không ồ ạt

Nhờ nằm ở vị trí trung tâm miền Bắc, lân cận với nhiều thành phố, có các khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và chính tỉnh Thái Nguyên nên lĩnh vực chăn nuôi gà quy mô lớn theo hướng trang trại, gia trại nở rộ tại các địa phương của tỉnh. Trong đó, loại hình chăn nuôi gà thả đồi phát triển mạnh do đầu ra ổn định, giá cả luôn đảm bảo có lãi cho người dân.

Phú Bình là huyện phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi sớm nhất tỉnh Thái Nguyên, bắt đầu xuất hiện từ những năm 2010. Đến nay, huyện Phú Bình có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, với tổng đàn là hơn 4 triệu con, đã tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đem lại tổng doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Với những giống gà thường được bà con yêu thích chăn nuôi là gà ta lò, lai mía, gà ri, gà ri lai. Tập trung nhiều ở các xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt….

Tỉnh Thái Nguyên xác định, nuôi gà thả đồi phát triển ổn định, nhưng không ồ ạt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tỉnh Thái Nguyên xác định, nuôi gà thả đồi phát triển ổn định, nhưng không ồ ạt. Ảnh: Ngọc Tú.

Gà đồi trong những năm qua có thể nói là được giá và duy trì ở mức cao, mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi trên địa bàn. Việc chăn nuôi gà thả đồi cũng được các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm nhằm đảm bảo giá trị và lãi suất cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo bà con nên có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không vì thấy giá cao mà tái đàn ồ ạt, dễ dẫn đến cung vượt cầu.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế các thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) định hướng phát triển chăn nuôi gà thả đồi theo từng vùng hợp lý và hỗ trợ liên kết trong sản xuất, giảm rủi ro về đầu ra. Nhấn mạnh người chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, áp dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm…

Tại TP. Thái Nguyên, lãnh đạo Phòng Kinh tế cho biết, đang phát triển mô hình nuôi gà thả đồi tập trung tại các xã Đồng Liên, Linh Sơn, Quyết Thắng, Phúc Hà… Ưu tiên của chính sách hộ trợ là thành phố lựa chọn những mô hình đang phát triển tốt, người chăn nuôi có đam mê để hỗ trợ về con giống, thiết bị và chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Từ đó, phát triển mạnh các mô hình đó lên, tạo thành điểm sáng trong chăn nuôi, sẵn sàng tiếp đón bà con nhân dân được thăm quan, học tập và tự nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế cộng đồng.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...