| Hotline: 0983.970.780

Mật ong Phúc Thành mong mỏi một thương hiệu

Thứ Sáu 17/03/2023 , 10:44 (GMT+7)

Nhờ chăn nuôi tự nhiên nên chất lượng sản phẩm tốt, nhưng mật ong Phúc Thành vì không có đầu ra ổn định nên nhiều năm nay phải bán buôn giá rẻ cho thương lái.

efa829742d41f01fa950

Anh Phạm Văn Trường, người nuôi 220 đàn ong tại HTX Nuôi ong Phúc Thành. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nuôi ong lấy mật đã trở thành nghề cho thu nhập chính của người dân ở xóm Phúc Thành, xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây còn được nhiều người biết đến là có mật ong chăn thả tự nhiên, nhưng có giá thành rất rẻ, chưa bằng 1/5 trên thị trường.

Gia đình anh Phạm Văn Trường đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề nuôi ong. Anh Trường hiện có 220 đàn ong nội địa được nuôi ở 2 nơi khác nhau là vườn nhà và trên đồi rừng. Loại nuôi vườn nhà, ong lấy mật từ hoa nhãn và cây ăn quả cho thu hoạch khoảng 1.000 lít mật ong mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Loại nuôi trên rừng, ong lấy mật từ hoa keo và các loại cây tạp, làm ra mật có màu sắc không đồng đều, cho thu hoạch khoảng 2.000 lít, đem lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Anh Trường cho biết, hiện nay gia đình bán sản phẩm theo can nhựa to cho tư thương, họ ép giá rất rẻ so với các loại mật ong có thương hiệu ở nơi khác. Nếu đóng chai bán lẻ giá thành cao hơn, nhưng hình thức này bán được ít, không đáng kể.

a16a9fd197e44aba13f5

Ông Phạm Trọng Khánh chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam mong mỏi một thương hiệu Mật ong Phúc Thành. Ảnh: Ngọc Tú.

Một hộ dân khác là ông Phạm Trọng Khánh, người đã có hơn 20 năm làm nghề nuôi ong và hiện gia đình đang có 50 đàn ong. Năm 2022, gia đình ông Khánh thu hoạch được hơn 500 lít mật có chất lượng tốt do ong nuôi ở nhà lấy mật từ hoa của các loại cây ăn quả. Từ đó đã đem lại số tiền khoảng 60 triệu đồng từ bán loại sản phẩm này.

Ông Khánh cho biết, ông cũng giống như những hộ nuôi ong khác là chủ yếu bán sản phẩm cho tư thương. Mật ong chất lượng tốt và màu đẹp nhưng họ ép giá xuống có lúc chỉ vào 100.000 đồng/lít. Vào một số thời điểm trong năm, do hết mùa hoa cây ăn quả, ong lấy mật từ các loại cây rừng, cây dại nên màu sắc kém hơn họ chỉ trả cho 50.000 - 60.000 đồng/lít.

30 xã viên HTX Nuôi ong Phúc Thành đều cho rằng, nguyên nhân mật ong của HTX chất lượng tốt nhưng phải chấp nhận bán giá thấp là do họ chưa làm được nhãn mác, bao bì, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Do đó, các thành viên HTX Nuôi ong Phúc Thành rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ về chuyên môn và xây dựng thương hiệu.

47b448f67cf1a1aff8e0

Mật ong hoa nhãn và các loại cây ăn quả chỉ có giá hơn 100.000đ/lít. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Trung thừa nhận việc giá mật ong Phúc Thành hiện đang quá thấp sơ với giá các loại mật ong có thương hiệu trên thị trường. Mặc dù các xã viên đều là những người có thâm niên, kinh nghiệm về nuôi ong, được nhiều tổ chức và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, nhưng việc sản xuất vẫn chưa thoát được hình thức hộ cá nhân, chưa mang tính chất tập thể.

Theo ông Duy, quan trọng nhất là HTX Nuôi ong Phúc Thành dù có hơn 30 hộ thành viên nhưng  phần lớn là người trung niên trở lên, cơ bản là nông dân và chưa được qua đào tạo, không có trình độ chuyên môn. Lãnh đạo của HTX được bầu lên, nhưng không biết sử dụng công nghệ thông tin, chữ ký số, trao đổi thông tin trên hệ thống điện tử và làm báo cáo tài chính, kế hoạch sản xuất… Do vậy, HTX Nuôi ong Phúc Thành không tiếp cận được với công nghệ hiện nay nên chưa thích ứng kịp với thay đổi, đòi hỏi của thị trường.

753af417f7222a7c7333

HTX nuôi ong Phúc Thành chưa làm được nhãn mác, đó là một nguyên nhân dẫn tới mật ong Phúc Thành không tạo được thương hiệu, khiến giá trị thấp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để hỗ trợ tạo thương hiệu cho mật ong Phúc Thành, UBND xã Hoá Trung thời gian vừa qua đã cử hẳn một cán bộ phụ trách nông nghiệp giúp đỡ HTX Nuôi ong Phúc Thành làm các thủ tục hành chính và kết nối với các cơ quan chuyên môn. Đồng thời góp ý với đơn vị bầu lên một ban giám đốc có trình độ, thích ứng với điều kiện hiện tại và có khả năng tạo thương hiệu, mở rộng thị trường kinh doanh.

UBND xã Hoá Trung cũng đã hỗ trợ HTX Nuôi ong Phúc Thành liên hệ với cán bộ chuyên môn của huyện và tỉnh hỗ trợ bà con sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện chứng nhận VietGAP. Đặc biệt là xây dung thương hiệu "Mật ong Phúc Thành" đạt tiểu chuẩn sản phẩm OCOP để có chỗ đứng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT Đồng Hỷ cho biết, dù Luật HTX quy định việc xây dựng thương hiệu do các HTX tự chịu trách nhiệm, nhưng thời gian tới, địa phương vẫn sẽ tạo mọi điều kiện không chỉ HTX Nuôi ong Phúc Thành mà các đơn vị khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tiếp tục sản xuất theo hướng hàng hoá cũng như xây dựng sản phẩm có thương hiệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.