| Hotline: 0983.970.780

'Vương quốc cây có múi' tìm lại thời vàng son

Nơi cây có múi không lo thừa hàng, dội chợ

Thứ Tư 15/05/2024 , 09:29 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Nhờ kinh nghiệm cùng ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, cây có múi tại huyện Bắc Tân Uyên cho thu hoạch quanh năm, không lo thừa hàng, dội chợ.

Thay đổi từ lượng sang chất

Bắc Tân Uyên được xem thủ phủ cây ăn quả có múi của tỉnh Bình Dương. Những ngày này, không khí thu hoạch cây có múi tại đây diễn ra rất sôi nổi. Trong bối cảnh cây có múi, đặc biệt là cam, quýt trên thị trường hiện nay khá thấp thì nhờ canh tác theo hướng bền vững, sản phẩm của bà con Bắc Tân Uyên vẫn có đường ra, giá cao.

Người dân Bắc Tân Uyên tất bật chăm sóc cây có múi. Ảnh: Trần Trung.

Người dân Bắc Tân Uyên tất bật chăm sóc cây có múi. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo người trồng cây có múi ở Bắc Tân Uyên, đa phần cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng cho thu hoạch vào quý IV hằng năm. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm cùng ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, cây có múi tại huyện Bắc Tân Uyên có thể cho thu hoạch quanh năm. Đặc biệt, nhờ sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều trang trại nơi đây không lo thừa hàng dội chợ, giá tốt.

“Quả ngọt” này đến từ tư duy dám nghĩ dám làm của nhiều nông dân nơi đây. Họ rất năng động trong việc chuyển đổi cây trồng, thuần phục đất hoang, xẻ đồi làm mương, dẫn nước tưới từ vùng thấp lên vùng cao, thay đổi phương thức sản xuất từ “lượng” sang “chất”.

Đến xã Hiếu Liêm, vùng chuyên canh cây có múi của huyện Bắc Tân Uyên, trên những tuyến đường vào xã, đập vào mắt chúng tôi là những vườn cam, quýt trĩu quả chạy dài tít tắp, vắt lên những triền đồi một màu xanh tươi tốt.

Dừng chân ghé vào trang trại Sol Reatreat trồng cây có múi theo hướng hữu cơ, chị Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ trang trại cho biết: Chị vốn kinh doanh trong ngành nông nghiệp, chuyên cung cấp phân bón hữu cơ cho các trang trại. Nhận thấy Hiếu Liêm đất đai màu mỡ, có cao độ tốt, thuận lợi cho phát triển cây có múi, năm 2017, chị quyết định mua 10ha đất trồng tràm để xây dựng trang trại.

Nông dân địa phương chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Nông dân địa phương chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

“Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cây có múi vào mùa hè rất lớn, tôi áp dụng phương pháp cho cây ra quả trái mùa để mang lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, tôi ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất giúp vườn cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả cao. Việc này vừa giúp giảm chi phí sản xuất, lại đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sản phẩm của Sol Reatreat luôn được các khách hàng ưa chuộng”, chị Thu chia sẻ.

Cách đó không xa là trang trại cam sành được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của HTX Nhân Đức. Ông Lâm Thành Có, Giám đốc HTX cho biết: Năm 1982, ông đặt chân lên vùng đất Hiếu Liêm, lúc đó khu vực này chỉ là một khu rừng hoang rậm rạp. Năm 2011, ông Có quyết định chuyển sang trồng cây có múi. Đến đầu năm 2014, thấy mô hình phát triển cây có múi của ông hiệu quả cao nên nhiều người xin làm cùng, ông Có quyết tập hợp thêm một số người cùng chí hướng thành lập HTX.

Nhờ sản xuất bài bản, khoa học, cây có múi của địa phương được thương lái thu mua với giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ sản xuất bài bản, khoa học, cây có múi của địa phương được thương lái thu mua với giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Nông dân nơi đây đã tận dụng được lợi thế về nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Bé cũng như đất đồi cao rất thích hợp để trồng cây có múi, hạn chế được ngập úng, lại có kỹ thuật xử lý cho quả trái vụ. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hữu cơ, năm 2018, HTX đã được USDA Jarkartan - Hà Lan công nhận, cấp thương hiệu, logo cam, bưởi hữu cơ. Điều này đã giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Hiện nay, năng suất bình quân của các vườn cây trong HTX đã nâng lên 50 tấn/ha. Tất cả các sản phẩm thu hoạch đều được hợp đồng tiêu thụ với giá ổn định 30.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các xã viên”, ông Có chia sẻ.

Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết, trước kia nông dân trong xã chủ yếu trồng cây tràm, đời sống rất khó khăn. Nhịp sống nơi đây luôn chuyển động một cách chậm rãi, đều đều, bình dị xen nét buồn man mác, trầm lắng của miền quê. “Hiếu Liêm giờ đây rộn ràng những mùa thu hoạch trái cây. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn, cây có múi đem lại thu nhập không nhỏ cho nông dân ” ông Quý nói. 

Sức bật từ công nghệ

Có thể thấy, khoa học công nghệ đang là chìa khóa giúp nhiều nông dân trồng cây ăn quả tại huyện Bắc Tân Uyên giảm bớt chi phí lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy kinh tế của địa phương.

Nhiều sáng kiến kỹ thuật được bà con ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn quả có múi. Ảnh: Trần Phi.

Nhiều sáng kiến kỹ thuật được bà con ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn quả có múi. Ảnh: Trần Phi.

Để phát triển cây có múi bền vững, bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, thông qua các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái có múi, thực hiện các mô hình sản xuất theo VietGAP. Đồng thời, Bình Dương cũng hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác, có chính sách hỗ trợ đầu tư về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện lưới, thương mại điện tử… phục vụ phát triển sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên đã tăng nhanh, từ đó đã hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã như Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ. Có thể thấy, tác động tích cực từ chính sách đã giúp nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ: Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển cây ăn trái có múi còn manh mún, cần có chiến lược hợp lý để phát triển một cách bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển các nông sản thế mạnh ở địa phương, trong đó có cây có múi, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với đặc thù nông nghiệp của địa phương.

Trong đó, huyện tập trung phát triển thêm diện tích cây có múi trên địa bàn các xã ven sông Đồng Nai và Sông Bé; phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025 tăng từ 30 - 50% diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ so với giai đoạn trước đó.

Sản phẩm quả có múi của huyện Bắc Tân Uyên đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm quả có múi của huyện Bắc Tân Uyên đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Để làm được điều này, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đổi mới chính sách, thu hút đầu tư, đổi mới phát triển các hình thức sản xuất, phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, xây dựng nhãn hiệu tập thể cam, quýt, bưởi và các sản phẩm chủ lực của huyện.

Đồng thời huyện cũng khuyến khích phát triển cây ăn quả theo chuỗi giá trị, quan tâm đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thuộc các lĩnh vực như chế biến phân bón, sản xuất bao bì, vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp... Từ đó tạo điều kiện thu hút, hình thành các doanh nghiệp thu mua, chế biến, bảo quản nông sản, giúp cây có múi phát triển bền vững.

“Địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn người trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng sản xuất cây có múi hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường", ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên cho biết.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.