| Hotline: 0983.970.780

Nơi có 125ha sâm củ to như sắn, saponin ngang sâm Hàn Quốc

Chủ Nhật 07/04/2024 , 18:59 (GMT+7)

BẮC GIANG Dưới cơn mưa phùn se lạnh mà mặt chị Giáp Thị Chinh đẫm mồ hôi sau một hồi cuốc cái hố sâu gần 1m quanh gốc sâm Nam núi Dành trong vườn.

Từ một gốc sâm sắp mất vì bị gà bới

Bài liên quan

Cuối cùng thì cả một chùm củ sâm sai lúc lỉu cũng được bứng lên trông như những củ sắn dây dài lòng thòng và mập mạp. Chồng chị thường đi đó đây để giao dịch, còn chị ở nhà hễ nhận đơn thì lo việc cuốc sâm, nếu số lượng nhiều thì thuê máy đào, còn số lượng ít thì tự đào. Mỗi gốc sâm trung bình phải đào mất cả tiếng, trời mưa thì khoác áo mưa, trời nắng thì đội nón mà làm, đất đồi đầy sỏi cơm cứng khiến cho lưỡi cuốc cứ chực nẩy lên, mồ hôi như đi cày.

Khi đào sâm phải hết sức nhẹ nhàng, khéo léo để không bị sứt củ, khó bán. Cách đây 4 - 5 năm nhiều khách còn không tin, chị phải đợi họ đến rồi mới được đào, giờ thì đã thoải mái hơn. Có hôm 12 giờ trưa khách đặt chị vẫn còn phải cuốc, có hôm chập tối khách đặt vẫn phải soi đèn mà cuốc. Hôm tôi đến, chị đang đào để gửi hàng đi Hà Nội và Điện Biên.

Chị Chinh khoác áo mưa đào sâm trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Chinh khoác áo mưa đào sâm trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

“Năm đầu trồng sâm vợ chồng tôi tưới nước ngâm cá rô phi cùng bón 1kg phân hữu cơ mỗi gốc rồi che bạt để chống cỏ mọc, còn những năm sau không chăm bón cũng không tưới mà sâm cứ tốt tưng bừng. Chỉ có đào sâm là vất vả nhưng khi đếm tiền lại quên cả mệt chú ạ. Chẳng có cây trồng gì cho tiền nhiều bằng sâm, mỗi năm ăn tiêu đi rồi nhà tôi vẫn có thể để ra được gần 1 tỉ đồng”, vừa nói chị Chinh vừa đon đả gọt vỏ, cắt cho tôi một khúc sâm mới đào. Nó khá giống vị sắn dây nhưng lại thơm nức mùi sâm.

Thấm thoắt mà đã 9 năm trôi qua tôi mới trở lại vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên, Bắc Giang). Vợ chồng anh Thân Hải Đăng - chị Giáp Thị Chinh ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập đã mua được ô tô và sửa lại nhà cửa đàng hoàng, nơi đang là trụ sở của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành. Phải giới thiệu một hồi, anh Đăng mới nhớ ra tôi, rồi kể: “Hồi đó chú đến là đầu năm 2015. Bố tôi - ông Thân Đức Thành đã lấy củ sâm rất to trong bình ngâm rượu cho xem, đến giữa năm thì ông mất”.

Dân quanh vùng còn lưu truyền câu: “Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn/Sông Thương uốn khúc lượn quanh/Cá nhiều tôm sẵn Lãn Tranh giỏi chài”.

Chuyện rằng, vua Tự Đức có mẹ bị lòa cả hai mắt mà các thái y trong cung chữa mãi cũng không khỏi. Vốn là người con hiếu đễ, nhà vua mời nhiều thầy lang giỏi với những phương thuốc hay đến nhưng không có kết quả. Nghe tin, một ông quan ở Kinh Bắc đã dâng lên mấy củ sâm Nam núi Dành. Chẳng ngờ, thứ thuốc tiên đó đã giúp bà hoàng thái hậu nhìn thấy được ánh sáng. Từ đó, sâm Nam núi Dành được gọi là “sâm tiến vua”.

Chị Chinh bên gốc sâm Nam núi Dành mới đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Chinh bên gốc sâm Nam núi Dành mới đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Theo năm tháng, cây sâm Nam núi Dành lại bị chính người dân sở tại hờ hững đến mức gần như tuyệt chủng. Anh Trần Đình Dũng ở Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên hồi đó đã phải mất bao nhiêu công sức mới biết được thông tin trong vườn nhà anh Đăng còn tồn tại một gốc sâm. Khi tìm đến thấy gốc sâm tổ đó bị gà bới tơi tả, xót quá anh mới mắng cho chủ nhà một trận rồi kỳ cụi mang lưới đến quây lại cẩn thận.

Sau khi có bài “Nơi củ sâm to bằng… củ sắn” của tôi đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam thì cây sâm núi Dành đã nhận được nhiều sự chú ý hơn từ dư luận. Một đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về sâm núi Dành được thực hiện trong 3 năm (2015 - 2018) do TS Đồng Thị Kim Cúc ở Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) chủ trì. 300 phiếu thu thập thông tin về sự phân bố của cây sâm Nam được phát ra, cuối cùng thu về mới biết ở xã Việt Lập có 8 hộ với tổng diện trồng sâm 100m2, trong đó hộ anh Đăng 20m2; ở xã Liên Chung có hộ ông Nguyễn Khắc Lừng 10m2 trồng từ năm 1993.

Các nhà khoa học ở luôn tại nhà anh Đăng để tiện cho việc nghiên cứu, đánh giá định tính, định lượng, tên khoa học của cây sâm cũng như nghiên cứu chất đất, khí hậu vùng trồng thích hợp và làm chỉ dẫn địa lý cho nó.

Vườn sâm nhà anh Đăng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn sâm nhà anh Đăng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sâm núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, thuộc ngành ngọc lan, lớp ngọc lan, phân lớp hoa hồng, bộ đậu, họ đậu, phân họ đậu. Trong dân gian nó còn có tên khác gọi là cát sâm, thảo nào hình dáng cũng như củ, cũng có nhiều nét tương đồng với sắn dây (cát căn).

Khi phân tích hàm lượng saponin tổng số, sâm núi Dành đạt trung bình 3 - 3,5%, tương đương với sâm Hàn Quốc và bằng 1/3 so với sâm Ngọc Linh. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu cách nhân giống bằng nuôi cấy mô, giâm hom nhưng không thành công, cuối cùng nhân bằng chiết vít cành (vít cành vào bầu đất, khi ra rễ cắt mang đi trồng) thì mới được.

Sâm Nam núi Dành trồng 1 năm thì thu hoa, sấy khô bán 600.000đ/kg. Cứ thu hoa hàng năm như thế đến năm thứ 5 thì đào củ bán, trung bình mỗi ha được 20 tấn tươi, bán 1,5 triệu đồng/kg, khô bán 4,5 - 5 triệu đồng/kg. Có gốc sâm trong vườn nhà anh Đăng đạt kỷ lục, nặng tới 5kg.

Mới lập trang trại cũng tự nhận có gốc sâm tổ

Năm 2015, vợ chồng anh Đăng còn sấp ngửa với hơn 1 mẫu lúa, 3 sào dưa, chăm lợn và bò để nuôi 3 đứa con ăn học. Một nhà khoa học nghiên cứu về cây sâm Nam núi Dành thấy vậy đã chân tình khuyên anh: “Chúng tôi ở xa mà còn chú ý đến cây sâm, còn anh chị ở ngay quê của cây sâm quý lại không hề chú ý đến nó”. Phải đến năm thứ hai của đề tài nghiên cứu thì vợ chồng anh mới bắt đầu quay sang trồng để mở rộng diện tích.

Anh Đăng bên sản phẩm rượu sâm Nam núi Dành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đăng bên sản phẩm rượu sâm Nam núi Dành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Viện Di truyền Nông nghiệp mở một số cuộc hội thảo về sâm Nam núi Dành ở tỉnh Bắc Giang. Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh đã lên nhà anh Đăng thăm, động viên nên phát triển mạnh. Sau đó ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ biết tin còn dẫn một đoàn các doanh nghiệp đến khảo sát. Thấy vùng trồng sâm nhỏ quá không bõ đầu tư nên họ quyết định rút đi, gây cho anh Đăng sự hẫng hụt lớn. Anh bảo người thân, bà con hợp sức lại mà trồng sâm thì họ trả lời: “Nhà ông trồng bán được, nhà tôi chắc gì đã bán được?”.

Vậy là vợ chồng anh Đăng vừa làm ruộng lấy thóc ăn vừa hì hụi trồng 1 mẫu sâm chờ đến thời kỳ thu hoạch. Lứa đầu trồng năm 2015 đến năm 2020 cho thu, sản lượng cỡ 5 - 6 tấn củ, bán với giá 2 triệu đồng/kg. Ngoài được báo, đài quảng bá, anh còn chủ động lập kênh giới thiệu trên zalo, facebook, tiktok hay đi trưng bày ở các kỳ hội chợ.

Mãi đến 2 năm trước vợ chồng anh mới bỏ hẳn nuôi lợn, chăn bò để chuyên tâm vào sâm. Ngoài bán tươi còn chế biến khô, ngâm rượu, ngâm mật ong, sấy hoa sâm. Mới đây, sản phẩm sâm Núi Dành của HTX được xếp hạng OCOP 4 sao.

Phiếu kết quả phân tích hàm lượng saponin tổng số của sâm Nam núi Dành. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Phiếu kết quả phân tích hàm lượng saponin tổng số của sâm Nam núi Dành. Ảnh: Dương Đình Tường

Khi thấy anh Đăng thu nhập tốt từ sâm bà con mới học theo, trồng nhiều. Hiện ở xã Việt Lập, Liên Chung mỗi nơi có hơn 50ha sâm. Từ một hợp tác xã ban đầu là HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành với 11 thành viên, tổng diện tích trồng 15ha (trong đó riêng nhà anh Đăng 2ha) thì đến nay đã có khoảng 10 HTX sâm được thành lập.

“Giờ ở xã Liên Chung có nhiều đại gia hay cán bộ các cấp về đầu tư trồng sâm chứ dân thì ít, còn ở xã Việt Lập chủ yếu là dân tự đầu tư. Có nơi mới làm trang trại đã quảng bá có cây sâm tổ 50 năm, tôi đến hỏi tổ ở đâu thì họ trả lời mới đào trên rừng về. Họ còn nói sâm ở Liên Chung tốt hơn ở Việt Lập, tôi hỏi căn cứ vào đâu, kết quả phân tích nào thì lại không trả lời được. Người ta cứ nói thế để bán giống vì trồng sau đã làm gì có củ đủ tuổi mà thu”, anh Đăng ngán ngẩm.

Theo ông Hà Văn Tuyển - Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Yên, toàn huyện đang có 125ha sâm Nam núi Dành, trong đó khoảng 20ha đến thời kỳ thu hoạch củ, 96ha thu hoa làm trà, lấy lá làm viên trộn thức ăn chăn nuôi giúp gia tăng sức đề kháng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.