Mùa khô “khốc liệt”
Ngày 29/9, Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCC) tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu đã làm tác động lớn đối với đời sống, sản xuất của người dân nơi đây.
Qua thông kê, từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm chìm 10 tàu cá, 1 sà lan, trong đó có 11 người mất tích trên biển. Tuy nhiên, qua công tác phối hợp ngành chức năng đã tìm thấy được 9 người (có 4 người còn sống, 5 người chết và 2 người hiện vẫn còn mất tích).
Mưa lớn kèm theo dông lốc, lốc xoáy đã làm cho 91 căn nhà bị sập, tốc mái 628 căn. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 làm hơn 330 căn nhà bị sập và tốc mái.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, bên cạnh những lợi thế phát triển kinh tế biển thì Cà Mau cũng thường xuyên chịu tác động của biến đổi hậu.
Thời gian qua thủy triều dâng cao đã làm ngập 1.800m lộ giao thông nông thôn, làm nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hơn 3.280m đất ven sông bị sạt lở, làm hư hỏng 358m lộ giao thông nông thôn, thiệt hại 48 căn nhà.
Theo ông Nam, mùa khô năm 2020, hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã làm hơn 20.495ha lúa, gần 52ha rau màu và hơn 16.557ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Đặc biệt, đỉnh điểm làm cho 20.851 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt và 43.584ha rừng bị khô hạn với mức cảnh báo nguy cơ cháy cấp V.
Hiện tại, tỉnh Cà Mau còn có khoảng 1.363 vị trí sụt lún trên nhiều tuyến đường giao thông (chủ yếu là giao thông nông thôn) với tổng chiều dài 42.209m. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 26,39 tỷ đồng.
Sạt lở, sụt lún đê biển Tây
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Trên biển thường xuyên xuất hiện sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường, nước dâng gây sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn trên tuyến đê.
Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng hơn 10.000m, hiện nay đã khắc phục được gần 4.900m, còn lại có 4 đoạn sạt lở rất nguy hiểm, các đoạn trên đai rừng còn rất mỏng, một số đoạn không còn đai rừng với tổng chiều dài sạt lở 5.256m.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cho biết: Những ngày qua mưa to, gió lớn, triều cường dâng cao làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 - 0,4m, với chiều dài hơn 2.000m gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Trước đó, tại khu vực này vừa hoàn thành các dự án Hộ đê khẩn cấp đoạn bờ Bắc, bờ Nam Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến), chiều dài 550m bằng hình thức gia cố mái đê bằng thảm đá bọc PVC. Hộ đê khẩn cấp đoạn bờ Bắc T25 (xã Khánh Hội), chiều dài 700m bằng hình thức gia cố xếp rọ đá phía biển, nên cơ bản ứng phó tốt trong đợt mưa bão, triều cường vừa qua.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy hiện khu vực này xuất hiện đoạn sạt lở có chiều dài 50m nằm cách Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa 1.150m. Điểm sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê 10m, khu vực phía ngoài không còn đai rừng phòng hộ, chỉ có hệ thống kè đang thi công. Những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê biển Tây bất cứ lúc nào và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, tổng chiều dài sạt lở đê biển Tây sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xung yếu nhất là 3.325m, với 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Sau đó, đã được ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (nay là Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau) đã ký Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
Bảo vệ vùng sản xuất
Ban Chỉ huy PCTT&TKCC tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, để xây dựng kế hoạch điều chỉnh lịch thời vụ một cách linh hoạt, trong đó bố trí lại sản xuất cho từng vùng.
Sở NN-PTNT tỉnh cũng đã nghiên cứu tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa, chuyển đổi 100% diện tích giống lúa mùa địa phương dài ngày (một bụi đỏ, một bụi lùn…) sang giống lúa cao sản ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 95-100 ngày như ST24…) rút ngắn thời vụ thu hoạch lúa tôm chủ động thích ứng biến đổi khí hậu của từng địa phương.
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa: 3 giảm, 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM đến từng hộ dân.