Một số hồ có khai thác tổng hợp như nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, phát điện. Hiện Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý 15 hồ chứa lớn với tổng dung tích 458 triệu m3 nước và 13 đập dâng; các địa phương đang quản lý 145 hồ vừa và nhỏ với tổng dung tích thiết kế 126,85 triệu m3 nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 3 công trình do Cty TNHH KTCTTL tỉnh quản lý đã được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành là hồ Định Bình, đập dâng Văn Phong và hồ Núi Một.
Về mạng lưới các trạm đo mưa, Bình Định đã có 14 trạm của ngành khí tượng thủy văn, 44 trạm tự động, 45 điểm đo mưa cộng đồng bố trí ở hầu khắp các hồ chứa lớn và vừa.
Huyện Phù Mỹ (Bình Định) có 44 hồ chứa thì hầu hết là hồ chứa nhỏ. |
Bình Định cũng đang sở hữu 7 trạm đo mực nước trên sông và 1 trạm hải văn của ngành khí tượng thủy văn, 10 trạm đo mực nước tự động lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và 27 điểm đo mực nước bằng thủ công ở các đập dâng trên các sông Kôn, La Tinh và Lại Giang. Riêng lưu vực sông Kim Sơn và sông An Lão chưa có điểm đo mực nước.
Bên cạnh đó, một số hồ chứa lớn có thiết bị quan trắc công trình, đo đường bão hòa, lún, chuyển vị như hồ Định Bình, hồ Hội Khánh, hồ Mỹ Thuận, hồ Núi Một và đập dâng Văn Phong.
Riêng hồ chứa nước Định Bình đã được lắp đặt thiết bị thông tin cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du. Cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa trong tỉnh đã được cập nhật lên website của Tổng cục Thủy lợi và lưu trữ ở Chi cục Thủy lợi tỉnh trên máy vi tính.
“Ngành nông nghiệp Bình Định yêu cầu các chủ hồ lớn xây dựng phương án phòng chống lũ cho hạ du đập và phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập. Các hồ thuộc lưu vực sông Kôn – Hà Thanh đã xây dựng bản đồ ngập lụt, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du do xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập. Các hồ chứa do địa phương quản lý có phương án phòng chống lụt bão hồ chứa lồng ghép vào phương án phòng chống lụt bão chung”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.
Trong năm 2019, Bình Định đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 12 hồ chứa với tổng kinh phí 119 tỷ đồng. Hiện các hồ sửa chữa đã thi công đạt hơn 60% khối lượng công việc, công trình đảm bảo vượt lũ chính vụ năm 2019.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26 hồ chứa, đập bị hư hỏng, trong đó mới chỉ có 3 hồ chứa đã được bố trí kinh phí sửa chữa kiên cố. Riêng hồ Suối Mây ở huyện Vân Canh không dám tích nước vì có nguy cơ mất an toàn rất cao; và 6 hồ chứa khác phải tích nước hạn chế do hư hỏng nặng là các hồ: Cây Thích, Hố Trạnh, Hóc Hảo, Nhà Hố, Hóc Cau, Hóc Quăn.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (người đứng giữa) kiểm tra hồ Núi Một (TX An Nhơn, Bình Định). |
Đó cũng là 6 mối lo lớn của ngành chức năng ở Bình Định. Hư hỏng tại các hồ chứa tập trung ở phần đập, đập bị thấm, bị biến dạng mái đập và nứt thân đập. Nhiều hồ tràn lũ chưa được gia cố; nứt; xói lở chân tràn, đuôi tràn và bể tiêu năng. Hầu hết tràn của 26 hồ bị hư hỏng đều thiếu khả năng xả lũ.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi các tràn xả lũ đã bị xuống cấp thì khả năng thoát lũ không đáp ứng được so với yêu cầu an toàn. Hơn thế, các hồ chứa nước ở Bình Định được xây dựng theo thiết kế cách đây đã hơn 40 năm, nên bây giờ các tràn xả lũ đã trở nên lạc hậu đối với những thay đổi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
“Ví như hiện nay mưa trở nên cực đoan hơn, nên cần xả lũ lưu lượng lớn hơn, trong khi tràn xả lũ được xây dựng theo thiết kế cũ không đáp ứng được yêu cầu nói trên”, ông Trần Châu chia sẻ. |
Hồ chứa đã hư hỏng mà năng lực quản lý của các chủ hồ còn yếu kém thì nguy hiểm càng tăng thêm. Hiện Bình Định có 1.950 người làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở các doanh nghiệp, HTXNN. Trong đó chỉ có 93 kỹ sư thủy lợi và chuyên ngành khác phù hợp.
Tuy nhiên, trong đó đã có đến 85 người làm việc tại Cty TNHH KTCTTL Bình Định, 8 kỹ sư còn lại làm ở các Phòng NN-PTNT huyện, thậm chí có huyện không có kỹ sư thủy lợi.
Các hồ chứa nhỏ giao cho các UBND xã và HTXNN quản lý không có cán bộ chuyên môn ngành thủy lợi làm việc, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc có chuyên môn khác đảm nhận việc quản lý, vận hành hồ chứa.
“Trong thời gian tới, Bình Định sẽ phân cấp quản lý công trình thủy lợi, nhất là đối với các hồ chứa lớn và vừa để phù hợp với yêu cầu về nhân lực quản lý nhân lực quản lý hồ theo quy định”, ông Trần Châu chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi đang gặp vướng mắc do các địa phương chưa đồng thuận, không muốn giao lại, bởi nếu giao lại địa phương sẽ mất nguồn cấp bù thủy lợi phí. Bên cạnh đó, việc lập đề án phân cấp quản lý công trình thủy lợi và lộ trình thực hiện ngành chức năng ở tỉnh này còn đang lúng túng bởi chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hướng dẫn địa phương thực hiện việc phân cấp quản lý và giao nhận quản lý công trình thủy lợi; ban hành mẫu văn bản áp dụng lập quy rình vận hành và bảo trì công trình để có thống nhất chung dễ áp dụng. Xây dựng mô hình mẫu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện để cung cấp dịch vụ hành chính công, thực hiện nhiệm vụ quản lý các công trình thủy lợi; xây dựng thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích hình thành các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức hợp tác dùng nước”, ông Trần Châu. |