Bệnh lây lan và phát triển mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản xuất thương mại. Nông dân kêu trời vì đến nay vẫn chưa có thuốc chữa.
“Sát thủ” thanh long
Ngày 22/8, chúng tôi có mặt tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bỉnh Thuận. Đây là huyện có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất tỉnh với 13,5 ngàn ha. Theo ông Phạm Văn Phụng, Trưởng trạm BVTV, chỉ trong vòng 5 năm nay, huyện có đến 5 ngàn ha trồng thanh long vượt qui hoạch.
Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phát biểu chỉ đạo hội nghị
Khi diện tích trồng tăng đến mức không thể kiểm soát thì bệnh đốm trắng (còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè) cũng bắt đầu phát sinh, đặc biệt từ 2 năm nay.
Hiện toàn huyện có 5 ngàn ha bị bệnh đốm trắng gây hại trên cành và trái, tăng gấp 10 lần so với năm ngoái. Trong đó, bệnh đốm trắng tấn công trên trái chiếm tỷ lệ 60%. Trái mắc bệnh có mẫu mã xấu, khó tiêu thụ, thậm chí không tiêu thụ được và phải đổ cho bò ăn.
"Tại thời điểm này, giá thanh long tăng lên được 10 ngàn đồng/kg, nhưng trái phải đỏ bóng, tai xanh, trọng lượng đạt từ 5 lạng trở lên. Còn trái nào xấu, ghẻ, đốm trắng bị coi là hàng dạt hoặc hàng xô, giá chỉ từ 3 - 5 ngàn đồng/kg thôi" - ông Phụng nói.
Theo hướng dẫn của ông Đỗ Hữu Trí, Phó chủ tịch UBND xã Hàm Cường, chúng tôi về xóm Phú Lộc có 10 hộ trồng thanh long đang phải chống đỡ với bệnh đốm trắng. Tại đây, có đến 65% diện tích trồng thanh long đang thu hoạch cho... trái hỏng.
Ông Nguyễn Thanh Minh, người trong xóm Phú Lộc chỉ vào vườn cây trồng 700 trụ thanh long nhăn nhó: "Tui trồng thanh long được 5 năm, sâu bệnh gì cũng trị được, riêng đốm trắng thì vô phương. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 9 là chính vụ, năm ngoái tôi thu được 15 tấn trái, bán giá 13 ngàn đồng/kg.
Trừ mọi chi phí, cũng lời xấp xỉ 100 triệu đồng. Năm nay, bệnh lây lan nhiều, trái xấu chiếm tỷ lệ cao, năng suất giảm còn 10 tấn. Đến lúc bán thì gặp giá thấp. Hàng xô chỉ có 3 ngàn đồng/kg. Tổng thu được 30 triệu đồng, coi như thua lỗ".
Nông dân Bình Thuận trồng thanh long đang "chống đỡ" với bệnh đốm trắng
“Đục nước, béo cò”
Theo Phó chủ tịch UBND xã Hàm Cường Đỗ Hữu Trí, xã hiện có 1.300 ha trồng thanh long. Trong số đó, diện tích trồng bị nhiễm bệnh đốm trắng lên đến 1.100 ha. Bệnh chủ yếu tấn công trên trái.
"Vườn nào có trái bị vết bệnh ít (chiếm 15%) thu hoạch thì cơ sở thu mua giảm phân nửa giá. Còn vườn có trái bị vết bệnh nhiều (trên 30%) họ mua giá rất thấp, có trường hợp chuyển qua hàng xô, hàng dạt".
Bà Đào Thị Kim Dung, GĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận thừa nhận, bệnh đốm trắng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Có nhà vườn gần như thất thu toàn bộ.
Trong khi nông dân đang "bó tay", các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lại tung ra ồ ạt các loại "chế phẩm sinh học", thuốc BVTV với lời quảng cáo rêu rao là thuốc phòng ngừa, hoặc trị được bệnh đốm trắng, khiến cho công tác phòng, trừ bệnh này như lạc vào "mê hồn trận". "Nhiều công ty thuốc đưa ra thông tin rất không chính xác, lừa dân.
Chẳng hạn, có sản phẩm được quảng cáo không chỉ điều trị được bệnh đốm trắng mà còn trị cả kiến, rệp, tuyến trùng... rồi thúc cây ra hoa, trái bóng, đẹp. Thậm chí có công ty còn trực tiếp triển khai thử nghiệm "bộ thuốc" trị giá 5 triệu đồng/ha để điều trị bệnh đốm trắng", bà Dung bức xúc nói.
Nông dân Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết thêm, các công ty, đại lý thuốc BVTV tổ chức hội thảo hà rầm, quảng bá thuốc của mình SX trị được bệnh đốm trắng. Nông dân càng mua, càng tốn kém vì xịt không hết.
Có "ông" quảng cáo “khiêm tốn”, thuốc của mình trị thành công với tỷ lệ 70 - 80%. "Nghe mà mừng, nhưng mua về xịt có hết đâu. Một chai thuốc giá 2 triệu đồng, tôi cũng đã mua về xài thử nhưng không thấy hiệu quả", ông Sơn nói.
Theo ông Trần Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Chi cục đã kết hợp với Trung Tâm Kiểm định và kiểm nghiệm thuốc BVTV phía Nam cùng 8 công ty SXKD thuốc BVTV là Green Life, Thuận Phong, Thiên Đức, Đại Nguyên Lâm, phân bón Sông Lam, BVTV Sài Gòn, Đông Nam Đức Thành, Cty HAI thử nghiệm ngoài đồng ruộng các sản phẩm thuốc mà họ nói là trừ được bệnh đốm trắng.
Thanh long trồng mới năm 2014 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An
Tuy nhiên, sau 7 - 10 ngày phun thuốc, các loại thuốc đó vẫn chưa được hiệu quả như mong muốn. Như vậy, có thể khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc nào đặc trị được bệnh đốm trắng do nấm Neoscytalidium dimidiadium gây ra.
2 giải pháp chính: Kỹ thuật và tổ chức chính sách
Trước tình hình trên, hội nghị bàn về "Thực trạng tình hình dịch bệnh trên cây thanh long" diễn ra tại tỉnh Bình Thuận vào ngày 23/8 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì cùng với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí, đã cho thấy tầm quan trọng và cấp bách trong việc xử lý phòng trừ bệnh đốm trắng trên cây thanh long hiện nay. Hội nghị này đã thu hút hàng trăm nông dân địa phương đến dự.
Theo Cục BVTV, bệnh đốm trắng xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Bình Thuận vào năm 2009. Ban đầu, chỉ có rải rác, cục bộ. Đến cuối năm 2012 bệnh mới bắt đầu rộ với 872 ha, sau đó có dấu hiệu lây lan sang 2 tỉnh Long An, Tiền Giang.
Năm 2013, bệnh bất ngờ phát triển nhanh chóng làm cho hơn 9.300 ha trồng thanh long bị nhiễm bệnh. Năm nay, đến thời điểm tháng 8/2014, cả 3 tỉnh đã có 10.000 ha có tỷ lệ nhiễm bệnh nặng từ 5% trở lên.
Việc lây lan nấm bệnh theo nhận định của Cục BVTV là từ nhiều con đường khác nhau, có thể từ hom giống, tàn dư cây bệnh, trái thanh long...
Trong khi đó, người trồng lại chưa thực hiện tốt qui trình vệ sinh đồng ruộng trong phòng chống bệnh. Việc vứt các nhánh cây, trái bị bệnh xuống mương, thậm chí ngay tại vườn là khá phổ biến.
"Chúng tôi đã thực hiện khảo nghiệm một số loại thuốc nhưng hiện chưa có hoạt chất thuốc nào có hiệu quả cao đối với bệnh này.
Nông dân lại có thói quen lệ thuộc vào thuốc BVTV, sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc khác nhau, tự ý tăng liều lượng và nồng độ, ít quan tâm đến biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM. Điều này càng dẫn tới nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường" - TS Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam nhận định.
Đủ loại "chế phẩm sinh học", thuốc BVTV quảng cáo trị bệnh đốm trắng trên cây thanh long
TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt xác định, bào tử nấm bệnh đốm trắng phát tán qua 5 con đường, đó là không khí; vết bệnh trên cây thanh long; con người; tàn dư xác cành cây, trái bị bệnh; đất và nước. Trong đó lây lan qua đường không khí là không thể kiểm soát được.
Bộ Trưởng Cao Đức Phát kết luận, hiện nay đã có 10 ngàn ha bị bệnh trên tổng số 33 ha thanh long nên phải quyết liệt ngăn chặn không cho lây lan. Trước hết là phải xác định nguồn bệnh ở đâu để khống chế, sau đó ngăn chặn các đường lây lan. Chống dịch không thể một hộ gia đình mà cần nỗ lực của cả tập thể, phải chỉ đạo tổ chức trên diện rộng mới thành công.
Tập trung chính vào 2 giải pháp kỹ thuật và tổ chức chính sách. Trong đó khuyến cáo bà con nông dân chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhà nước, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm khắc, nghiêm trị những doanh nghiệp bán thuốc lợi dụng lúc này để kiếm chác trên lưng nông dân.
Thành lập "Tổ đặc nhiệm" ứng phó với bệnh đốm trắng Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tuần tới Bộ NN-PTNT sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển cây thanh long gồm Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban, cùng đại diện UBND, Sở NN-PTNT của 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang tham gia thành viên (xây dựng qui hoạch, SX chế biến, chính sách, thị trường); Gấp rút thành lập Tổ công tác đặc biệt làm việc theo kiểu "Tổ đặc nhiệm" nghiên cứu các vấn đề KHKT liên quan đến bệnh đốm trắng. Giao TS Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV làm tổ trưởng, thành viên là các Viện KH, có thể mời thêm trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Bộ đồng ý chi tiền ngân sách để mời các chuyên gia hàng đầu ở nước ngoài về Việt Nam để tham gia nghiên cứu bệnh này. Bộ NN-PTNT không để thiếu tiền mà không nghiên cứu. |