| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Ấn Độ dùng 'thần chú' yoga trong nông nghiệp

Thứ Sáu 06/07/2018 , 10:30 (GMT+7)

Tại vùng Goa, Ấn Độ, nông dân dùng mật chú “Shakti”, giải pháp thay thế cho phân bón hóa học và trở về canh tác truyền thống trong bối cảnh báo động tăng ở nước này về tác động của phân bón lên sức khỏe con người.

18-47-07_2
Nông dân Ấn Độ

Trong tuần qua, nông dân ở thiên đường du lịch Goa đã được quảng bá thông qua các video trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp, về một kỹ thuật mới để cải thiện năng suất cây trồng - bằng cách niệm thần chú đạo Hindu cổ đại, theo Washington Post.

Trong video, có thể thấy người đứng đầu ngành nông nghiệp của Goa, Vijai Sardesai, tuyên truyền về kỹ thuật “canh tác vũ trụ”, tức chuyển "Shakti", sức mạnh tâm linh, vào trong đất.

Câu chuyện có màu sắc kỳ bí này là một trong những nỗ lực của Goa, bang miền tây Ấn Độ, nhằm tìm cách thay thế phân bón hóa học, trở về canh tác truyền thống. Điều này xuất hiện do các nghiên cứu thời gian qua tại Ấn Độ về tác hại của phân bón hóa học với cơ thể người. Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích cho rằng việc “phủ định sạch trơn” với phân bón hóa học, một trong những tiến bộ của khoa học nông nghiệp, có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực tại Ấn Độ.

Video quảng bá trên WhatsApp, với những câu thần chú, được cho là sẽ tái tạo vi sinh vật trong đất, từ đó giúp cây trồng phát triển tốt mà không cần phân bón.

“Lúc đầu tôi cũng hoài nghi, nhưng nó không phải là phép thuật. Có những nghiên cứu ủng hộ phương pháp này”, ông Sardesai nói với tờ Indian Express.

Một chương trình giảng dạy của chính phủ đã được diễn ra tại Goa, nơi nông dân được nghe về thần chú chữa bệnh cho cây trồng. Học viên tham gia khóa tập huấn được khích lệ sử dụng thần chú của đạo Hindu, 20 phút mỗi ngày, trong quá trình trồng trọt. Vợ của Sardesai, bà Usha, đã truyền cảm hứng về thần chú trong nông nghiệp cho chồng. Bà là tín đồ giáo phái Shiv Yog, viết tắt của thần Shiva và Yoga. Bà Usha nói rằng mình đã thử nghiệm tụng niệm thần chú với những cây lan trồng ở hiên.

Avdhoot Baba Shivanand, người đứng đầu giáo phái Shiv Yog, cũng xuất hiện trong video trên WhatsApp, khuyến khích nông dân niệm thần chú để “dập tắt những ảnh hưởng tiêu cực với cây trồng”, thúc đẩy những “dao động tích cực” của vũ trụ, giúp cây cối phát triển tốt tươi.

Tờ Indian Express cho biết các quan chức Bộ Nông nghiệp Ấn Độ đang nghiên cứu về các thửa ruộng có thể áp dụng biện pháp canh tác hiện đại. Tin chính thức từ báo chí Ấn Độ khẳng định nông dân không bị buộc phải áp dụng phương pháp niệm thần chú.

Vấn đề đặt ra sau video quảng bá, là Ấn Độ đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào hóa chất, đối với lĩnh vực nông nghiệp.

18-47-07_1
Nông dân Ấn Độ không bị buộc phải áp dụng phương pháp niệm thần chú

Từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền tại Ấn Độ năm 2014, chính quyền nước này có nhiều bước đi nhằm tăng sự ảnh hưởng của tôn giáo vào cuộc sống, theo Washington Post. Một trong những biểu hiện cụ thể là tăng cường các biện pháp canh tác nông nghiệp truyền thống.

Ông Modi thậm chí còn thiết lập một bộ mới gọi là AYUSH, nghĩa là "cuộc sống lâu dài", quảng bá kiến ​​thức truyền thống như yoga và truyền thống y học Hindu, gọi là ayurveda.

Bộ mới được thành lập, có sứ mệnh phát triển phân bón phi hóa chất cho nông dân. Điều này được ông Modi cổ vũ, với các lần diễn thuyết về phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng phân bò làm phân bón tự nhiên. Thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ sau cuộc cách mạng xanh, thời những năm 60 thế kỷ trước. Ấn Độ nhập khẩu kỹ thuật canh tác phương Tây, coi đây là đáp án cho bài toán về nạn đói thường xuyên, trong bối cảnh năng suất trồng trọt thấp, dân số tăng nhanh.

Tuy nhiên, Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Vài năm trở lại đây, giới khoa học nước này đã có những báo cáo về tác động của hóa chất nông nghiệp với sức khỏe nông dân. Thậm chí, có nghiên cứu cho rằng thuốc trừ sâu đã “ngấm” vào thực phẩm, nguồn nước tự nhiên ở Ấn Độ, tiềm ẩn khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Tại bang Sikkim, chính quyền đã đưa vào khung hình sự với việc lạm dụng thuốc trừ sâu, chế phẩm hóa học phục vụ nông nghiệp. Bang này được cho là đã hoàn toàn đi vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tức đoạn tuyệt với hóa chất.

Bắt nguồn từ Sikkim, các bang khác của Ấn Độ đang có nhiều chương trình quy mô lớn, ủng hộ nông nghiệp hữu cơ.

Bài toán khó

Dù vậy, loại trừ hoàn toàn hóa chất là vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai ở Ấn Độ. Dân số nước này được dự báo sẽ tăng lên 1,4 tỷ người vào năm 2020, theo đó là nhu cầu tối thiểu 300 triệu tấn lương thực mỗi năm. Áp lực này buộc Ấn Độ phải duy trì tăng trưởng sản xuất lương thực 6% mỗi năm.

Năm 1963, cuộc Cách mạng xanh lần thứ nhất được Ấn Ðộ tiến hành với mục tiêu tăng lượng lương thực cứu dân bị đói. Hàng loạt giống lúa mới năng suất cao được đưa vào sản xuất. Điều này được coi là chìa khóa giúp Ấn Độ đạt mức 217 triệu tấn lương thực vào năm ngoái.

Năm 1984, Ấn Ðộ công bố sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu trong nước. Năm 1995, Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo.

Thập kỷ 1970, Ấn Ðộ tiến hành cuộc Cách mạng trắng (sản xuất sữa), tạo ra sự thay đổi lớn trong chăn nuôi, cung cấp sữa, chất đạm cho người dân.

Năm 1991, Ấn Ðộ bắt đầu cải cách toàn diện nền kinh tế, nông nghiệp được coi là lĩnh vực trọng tâm. Chính phủ nước này nhiều lần tuyên bố, nông nghiệp mới là phương diện giúp kinh tế phát triển bền vững, xã hội ổn định.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.