Các khu vực giáp ranh giữa Delhi và các bang lân cận Punjab, Haryana và Uttar Pradesh trở nên hỗn loạn, khi cảnh sát sử dụng hơi cay nhằm ngăn các nhóm nông dân dỡ bỏ rào chắn và tiến vào thủ đô. Chính quyền thành phố trước đó đã ra lệnh cấm tụ tập đông người và tăng cường an ninh ở các cửa ngõ. Hơn 100 nghìn cảnh sát đã được triển khai tại các cửa ngõ thủ đô nhằm ngăn người biểu tình tiến vào trung tâm.
Theo truyền thông Ấn Độ, khoảng 25.000 nông dân và 5.000 máy kéo đã tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô New Delhi hôm 13/2. Các hàng trăm công đoàn nông dân cùng yêu cầu chính quyền trung ương có những biện pháp giúp đảm bảo thu nhập cho người làm nông nghiệp, bao gồm áp giá sàn cho nông sản.
Cũng trong cùng ngày, một nhóm nông dân từ phía nam đã bị bắt giữ ở bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, khi đang trên đường tiến về Delhi để tham gia biểu tình. Cảnh sát đã phải rải đinh trên một số tuyến đường nhằm ngăn các phương tiện của nông dân đi vào.
Dự đoán cuộc biểu tình của nông dân có thể trở nên quá khích, chính phủ liên bang đã nộp đơn xin biến một sân vận động địa phương thành "trại tạm giam" để giam giữ những phần tử gây rối. Tuy nhiên, chính quyền thủ đô đã từ chối yêu cầu trên, với lý do rằng người dân có quyền biểu tình. Chính quyền trung ương Ấn Độ được lãnh đạo bởi đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi, song thủ đô lại do Đảng Aam Aadmi (AAP) đối lập kiểm soát.
Cuộc biểu tình trên nổ ra sau khi cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào nông dân với các bộ trưởng liên bang Piyush Goyal và Arjun Munda hôm 12/2 không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào. Theo ông Munda, chính phủ cần thời gian "để nghiên cứu vấn đề này và tìm ra phương pháp phù hợp".
Bên cạnh yêu cầu về hỗ trợ giá sàn, nông dân Ấn Độ còn muốn New Delhi xóa nợ, tăng thuế đối với nông sản nhập khẩu, xóa bỏ thương mại tự do và các thỏa thuận khác với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cấm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là cuộc biểu tình lớn thứ hai của nông dân trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi. Trong giai đoạn 2020 - 2021, nông dân đã biểu tình phản đối các dự luật nhằm bãi bỏ quy định và mở cửa thị trường nông nghiệp cho lĩnh vực tư nhân. Đạo luật này do chính phủ của Thủ tướng Modi đề xuất và ngay lập tức được Quốc hội thông qua. Động thái này đã khiến nông dân tức giận và tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình lớn dọc theo vùng ngoại ô Delhi kéo dài hơn một năm. Hơn 600 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên, khi nông dân cũng phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Đạo luật trên sau cùng cũng được thu hồi, động thái được xem là sự nhượng bộ của chính phủ với nông dân.