| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đối mặt nghịch cảnh: [Bài II] Sữa đổ xuống mương, cây chết giữa đồng

Thứ Tư 06/05/2020 , 06:10 (GMT+7)

Khi đại dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng trên khắp nước Mỹ, nông dân buộc phải tiêu hủy toàn bộ cây trồng, các loại sữa và những mặt hàng dễ hỏng khác.

Một trang trại bò sữa ở Lodi, bang California, Mỹ. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Một trang trại bò sữa ở Lodi, bang California, Mỹ. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Trong thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội, tất cả nhà hàng và trường học phải đóng cửa, giá cả và nhu cầu với những nông sản thiết yếu bỗng chốc sụt giảm mạnh.

Nông dân Mỹ, những người đã phải gồng gánh trên vãi vô số áp lực trong vài năm trở lại đây do chiến tranh thương mại với Trung Quốc và những trận lũ lụt cuốn trôi toàn bộ mùa màng, nay lại phải đối mặt với tình trạng nông sản tồn dư, không thể bán cho bất kỳ ai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước công bố chương trình Cứu trợ Lương thực Covid-19 trị giá 19 tỷ USD, trong đó chi viện 16 tỷ USD cho nông dân và người chăn nuôi, 3 tỷ USD thu mua các sản phẩm tươi sống, chế phẩm sữa và thịt để phân phối tới các ngân hàng thực phẩm, nơi phân phát những suất ăn miễn phí cho người yếu thế.

Chương trình này được đưa ra sau một gói viện trợ khác mà Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng riêng đối với nông dân bị áp thuế từ chiến tranh thương mại.

Ngành dịch vụ thực phẩm sụt giảm mạnh khi lệnh phong tỏa được thực hiện nhằm ngăn dịch lây lan khiến nhiều cánh đồng vì thế bị bỏ hoang do thiếu chi phí thu hoạch và không thể thu về lợi nhuận.

Tuần trước, Tổng thống Trump cũng ký một sắc lệnh yêu cầu các nhà máy đóng gói, chế biến thịt của Mỹ phải mở cửa xuyên suốt đại dịch nhằm ngăn chặn gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm quốc gia.

Dù vậy, những khó khăn của nông dân chưa vơi bớt là bao. Các sản phẩm tươi trở nên ế ẩm, bị bỏ đến thối rữa trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Theo ước tính từ Hiệp hội Tiếp thị Sản phẩm, ít nhất 5 tỷ USD rau quả tươi đã bị lãng phí hoặc bị đem làm phân bón.

Theo Ủy ban Khoai Tây Washington, nông dân ở tiểu bang này phải đối mặt với việc dư thừa gần 500 triệu tấn khoai tây do nhà hàng và trường học đóng cửa.

Dưa chuột của Long & Scott Farms ở Florida đang được phân phát cho những người chăn nuôi địa phương để làm thức ăn gia súc.

Trước kia, giống dưa chuột này thường được cung ứng cho nhà hàng, nhưng giờ đây chất đầy trên xe kéo để đem đi tiêu hủy hoặc nằm thối rữa trên các cánh đồng.

Hank Scott, chủ tịch Long & Scott Farms đứng trên cánh đồng của mình đầy dưa chuột thối rữa ngày 30/4. Do thị trường không có nhu cầu nên ông không thể thu hoạch dưa chuột để bán. Ảnh: Getty Images.

Hank Scott, chủ tịch Long & Scott Farms đứng trên cánh đồng của mình đầy dưa chuột thối rữa ngày 30/4. Do thị trường không có nhu cầu nên ông không thể thu hoạch dưa chuột để bán. Ảnh: Getty Images.

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến một số nhà máy chế biến thịt lợn ở Ohio phải ngừng hoạt động. Việc quá tải hàng nghìn con lợn dẫn đến những tranh cãi về việc có nên tiêu hủy chúng để tăng sức chứa chuồng trại hay không.

John Tyson, ông chủ của công ty Tyson Food, trụ sở tại Arkansas, sợ rằng việc đóng cửa nhà máy do đại dịch sẽ dẫn đến lãng phí hàng triệu vật nuôi.

Al Van Beek, một nông dân khác ở Iowa, phải tiêm thuốc phá thai cho lợn nái bởi những con lợn trưởng thành trong trang trại của ông không có nơi nào để đi. “Chúng tôi chẳng biết bán chúng ở đâu? Chúng tôi phải làm gì bây giờ”, ông nói.

Theo Thống đốc Kim Reynolds của Iowa, bang cung cấp 1/3 sản lượng thịt cho toàn nước Mỹ, mỗi tuần, có 700.000 con lợn không được xử lý và phải đem đi tiêu hủy.

Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến thành lập một “trung tâm điều phối” để hỗ trợ các trang trại gia súc, gia cầm chịu thiệt hại do đóng cửa nhà máy chế biến.

Dịch bệnh cũng khiến nông dân chăn nuôi bò sữa phải vật lộn với tình trạng giá cả và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm đột ngột. Mỗi ngày, khoảng 14 triệu lít sữa bị đổ bỏ, theo ước tính từ Dairy Farmers of America, hợp tác xã sữa lớn nhất Mỹ.

Ở Albany, Minnesota, hai anh em Kerry và Bard Mergen là những người chăn nuôi gà theo hợp đồng tại trang trại của công ty Daybreak Foods. Ngay trước Lễ Phục sinh, họ đã phải tiêu hủy 61.000 con gà mái đang đẻ trứng. Nhu cầu trứng và thịt gà sụt giảm nghiêm trọng buộc công ty phải đưa ra quyết định cắt lỗ.

Ở Lenhartsville, Pennsylvania, Matt Sicher, đồng sở hữu trang trại nấm Primordia Mushroom, đang tìm cách thích nghi với những thay đổi trong công việc kinh doanh do hậu quả của bệnh dịch.

Ông đã mất hoàn toàn doanh thu từ các nhà hàng ở thành phố New York nên đang có ý định chuyển từ bán buôn cho nhà hàng thành bán lẻ cho khách cá nhân.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, ông không biết có thể cầm cự được bao lâu.

Mỹ hiện có khoảng hai triệu trang trại tư nhân mà mọi công việc kinh doanh đều do các thành viên trong gia đình đảm nhận. Trong trường hợp dịch bệnh ập tới trang trại, chỉ cần một thành viên gia đình mắc Covid-19, toàn bộ mùa mang và công sức bỏ ra có nguy cơ mất trắng.

“Với chúng tôi, giữ sức khỏe là điều tối quan trọng”, Stephanie Ballantine, nông dân ở Odebolt, Iowa, chia sẻ.

Monte Peterson là một nông dân trồng ngô và đậu tương ở Bắc Dakota. Anh và vợ đã đóng cửa trang trại suốt mấy tuần qua. Vợ anh chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm và dự lễ cầu nguyện nhà thờ vào Lễ Phục sinh. Thay vì ngồi trên những băng ghế dài của nhà thờ, họ ở yên trong ôtô đỗ tại bãi gửi xe và nhìn mục sư giảng đạo trên bục từ xa. Âm thanh phát ra từ radio trên xe của họ.

“Điều tôi quan tâm nhất lúc này cũng giống như tất cả mọi người. Bạn không thể không nghĩ cho sự an toàn của bản thân và gia đình mình”, anh nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.