| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Hậu Giang theo phương pháp canh tác mới, giảm 1/3 chi phí sản xuất

Thứ Tư 20/07/2022 , 10:11 (GMT+7)

Sạ lúa định vị như cấy bằng máy kéo hàng, lượng giống chỉ 4 kg/công, nông dân giảm 1/3 chi phí phân, thuốc, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận.

Lúa thưa định vị đều như cấy

Đã qua 2 vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 và hè thu 2022, nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tham gia thực hiện mô hình sạ lúa định vị như cấy bằng máy kéo hàng, với lượng lúa giống chỉ 40 kg/ha, giảm 2/3 so với tập quán canh tác thông thường. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình, ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt - BVTV huyện Long Mỹ cho biết: “Mô hình được xây dựng theo tinh thần Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, huyện hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.

Sạ lúa định vị như cấy bằng máy kéo hàng, lượng giống chỉ 4 kg/công, nông dân giảm 1/3 chi phí phân, thuốc, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Sạ lúa định vị như cấy bằng máy kéo hàng, lượng giống chỉ 4 kg/công, nông dân giảm 1/3 chi phí phân, thuốc, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Nằm cặp bên con đường nhựa thẳng tắp mới mở từ TP Vị Thanh về huyện Long Mỹ, ruộng lúa của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú (thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) đẹp lộng lẫy và nổi bật với mô hình sinh thái “ruộng lúa - bờ hoa”. Lúa đang thời kỳ đòng trổ, phảng phất hương thơm theo từng cơn gió.

Theo đánh giá của các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình, chi phí sản xuất thực tế khi áp dụng “sạ hàng định vị như cấy” và các giải pháp kỹ thuật khác, chỉ tốn từ 1,8 - 2 triệu đồng/công, so với cách truyền thống là hơn 3 triệu đồng/công. Chi phí đầu tư giảm, bớt được công lao động, bảo vệ môi trường, nâng giá trị nông sản, bán được giá cao, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Từ những lợi ích thiết thực này, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Danh Tiến dự định sẽ mở rộng mô hình “sạ hàng định vị như cấy” ra toàn bộ diện tích sản xuất.

Nếu không có tấm biển mô hình “Sạ hàng định vị như cấy” thì rất khó nhận ra đây là ruộng sạ. Từng bụi lúa thưa đều với hàng thẳng tắp chẳng khác gì máy cấy, cây lúa nở bụi, chồi hữu hiệu nhiều, bông lúa rất to.

Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú có 45 thành viên, với diện tích sản xuất 90 ha. Anh Thân Tuấn Linh, Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Xã viên ở đây chỉ làm lúa 2/vụ trên năm. Để tăng thu nhập, còn kết hợp thực hiện mô hình lúa - cá, với 2 loài cá thả nuôi chính là trê vàng, mè hoa. Ruộng lúa - bờ hoa, sạ thưa định vị như cấy, kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng nấm xanh, không chỉ thích hợp với định hướng sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao”.

Vụ hè thu 2022, toàn bộ diện tích của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú sử dụng giống lúa OM18, được Công ty Tín Nghĩa cung cấp lúa giống trả sau khi cuối vụ và bao tiêu toàn bộ lúa thương phẩm với giá cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg.

Lật cuốn sổ nhật ký sản xuất, anh Linh nhẩm tính chi phí, với quy trình xuống giống sạ định vị như cấy, lượng lúa giống giảm còn 40 kg/ha, còn sạ thưa là 80 kg/ha. Sử dụng phân lân kết hợp với phân bón hữu cơ, phân bón lá để thay thế phân bón hóa học giá đang rất cao. Phòng trị sâu, rầy gây hại bằng nấm xanh rất an toàn. Tất cả vừa lúa giống, phân bón, thuốc BVTV… vụ này chỉ hết 4 triệu đồng/ha, trong khi nếu sạ dày, sử dụng phân bón hóa học như thông thường phải tốn từ 8 - 10 triệu đồng/ha.

Xây dựng cánh đồng không thuốc hóa học

Trên cánh đồng lúa rộng 250ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Danh Tiến (ấp 7 xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ), nhiều xã viên đã tha gia thực hiện mô hình “sạ hàng định vị như cấy” mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt.

Ông Nguyễn Hoài Nhiệm, Tổ Kỹ thuật Nông nghiệp (khuyến nông cơ sở) xã Xà Phiên cho biết, các mô hình ở đây được áp dụng đồng bộ 4 nội dung: Một là “sạ hàng định vị như cấy” với lượng lúa giống chỉ 40 kg/ha, đây là mô hình sạ sử dụng lượng lúa giống thấp nhất hiện nay. Hai là áp dụng công nghệ sinh thái ruộng lúa – bờ hoa, tạo môi trường thu hút thiên địch để chống lại các dịch hại, giảm số lần phun thuốc BVTV. Ba là áp dụng Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, hỗ trợ chi phí cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bốn là sử dụng nấm xanh phun để phòng trừ sâu, rầy hại lúa. Tiến tới xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu, rầy gây hại trong suốt mùa vụ.

Trưởng trạm Trồng trọt – BVTV huyện Long Mỹ Trần Hoài Nhân (đứng giữa) cùng ông Thân Tuấn Linh Giám đốc HTX Tuấn Tú  (bên phải) trao đổi về mô hình 'sạ hàng định vị như cấy' kết hợp nuôi cá ruộng, mang lại thu cấp cao cho xã viên nông dân. Ảnh: Trung Chánh.   

Trưởng trạm Trồng trọt – BVTV huyện Long Mỹ Trần Hoài Nhân (đứng giữa) cùng ông Thân Tuấn Linh Giám đốc HTX Tuấn Tú  (bên phải) trao đổi về mô hình "sạ hàng định vị như cấy" kết hợp nuôi cá ruộng, mang lại thu cấp cao cho xã viên nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Toàn huyện Long Mỹ vụ này đã hỗ trợ nông dân thực hiện 22 mô hình “sạ hàng định vị như cấy” với tổng diện tích hơn 16,8 ha. Địa điểm thực hiện tại các xã, thị trấn, chọn nơi thuận tiện giao thông, có nhiều người qua lại, để tiện cho nông dân đến tham quan học hỏi. Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt – BVTV huyện Long Mỹ đánh giá: “Mô hình “sạ hàng định vị như cấy” giúp nông dân giảm mật độ gieo sạ với lượng giống trung bình 45 kg/ha, hộ thấp nhất chỉ 40 kg/ha, giảm 80 kg giống/ha so với tập quán canh tác thông thường 125 kg/ha. Do lúa thưa đều nên ruộng mô hình chỉ sử dụng phân bón trung bình 300 kg/ha, còn ruộng đối chứng sử dụng 365 kg/ha, giảm được 65 kg phân/ha.

Ở ruộng mô hình do được gieo sạ thưa, bón phân cân đối, sử dụng 1 lần chế phẩm nấm xanh để phun trên ruộng tạo nguồn nấm ngoài đồng ruộng để phòng trị sâu, rầy cho cả vụ nên giảm được 1/2 số lần sử dụng thuốc BVTV.

Cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ thu hạt giống hoa để tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình 'sạ hàng định vị như cấy' kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa - bờ hoa cho những vụ sau. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ thu hạt giống hoa để tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình "sạ hàng định vị như cấy" kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa - bờ hoa cho những vụ sau. Ảnh: Trung Chánh.

Đối với ruộng mô hình do được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo sạ, quản lý nước tới, bón phân. Đặc biệt, ruộng mô hình được gieo sạ thưa (sạ theo cụm mỗi cụm từ 3-6 hạt lúa) khoảng cách giữa các cụm từ 8 - 10cm, tạo sự thông thoáng bộ rễ phát triển khỏe mạnh, chồi nhiều và hữu hiệu, giúp cây lúa cứng cáp, ít bị đổ ngả, ngay cả khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Kết quả thực tế cho thấy, áp dụng mô hình “sạ hàng định vị như cấy” giúp nông dân giảm được chi phí từ giống, phân bón, thuốc BVTV và công lao động hơn 8 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Năng suất ruộng mô hình cao hơn nhưng chi phí lại giảm, giá bán lúa cao, lợi nhuận thu được hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Nâng cao chất lượng lúa gạo sản xuất theo hợp đồng doanh nghiệp

Vụ lúa hè thu 2022, nông dân huyện Long Mỹ xuống giống sớm, do năm nay mùa mưa đến sớm. Đến nay toàn huyện đã xuống giống dứt điểm được 17.918ha, phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ chín. Với cơ cấu gồm các giống lúa chất lượng cao như: OM18, OM5451, Đài thơm 8, ST24, RVT… Tổng diện tích sản xuất được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tại là 6.170ha. Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Long Mỹ đã xây dựng mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiêu quả, thực hiện tại 9 Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, gồm: Duy Tú, Cao Cường, Thuận Mỹ, Thuận Lợi, Lộc Phát, Tấn Tú, Thành Đạt, Nhật Quang Nông, Đồng Thuận, với tổng diện tích 696 ha trong vụ hè thu 2022. Kết quả so sánh, đáng giá hiệu quả từ việc giảm chi phí sản xuất, trong đó chú trọng giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm phân bón hóa học, giảm phun thuốc BVTV, đã giúp nông dân hạ thấp giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế so với ruộng sản xuất theo tập quán truyền thống.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.