| Hotline: 0983.970.780

Nông dân khốn khổ vì giống lúa dởm

Thứ Ba 03/08/2010 , 08:56 (GMT+7)

Số lượng giống của 2 xã đã bị huỷ gần 1.600 kg, và tính theo giá bán ra cho dân 66.000đ/kg thì số tiền bị thiệt thòi cũng phải đến 100 triệu đồng.

Sau những đợt nắng nóng khô hạn kéo dài đến cùng kiệt vừa chấm dứt thì hai cơn bão số 1 và số 2 đã ập vào đổ nước về như trút, tuy thời gian đã muộn so với thời vụ nhưng bà con nông dân khắp nơi đã hồ hởi xuống đồng để cày cấy vụ lúa mùa. Dẫu vậy, khi chúng tôi đến thăm một số xã ở huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An thì thấy nông dân đang đau đầu khốn khổ vì đã mua phải lô giống lúa dởm Q.ưu1.

Đồng ruộng xã Nghĩa Hưng đã cày bừa và bón phân, nhưng vẫn đang chờ ra giống mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sĩ, tân Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn buồn rầu bảo: Lô giống Q.ưu1 mà dân xã chúng tôi nhận tại Trạm BVTV & Giống cây trồng Nghĩa Đàn vụ này khi ngâm ủ mạ chỉ nẩy mầm được 7-10%. Bức xúc quá nên dân chúng đã định kéo lên trụ sở UB để phản ứng, nhưng lãnh đạo xã đã phân tích: Việc đúng sai như thế nào rồi xã sẽ chịu trách nhiệm giải quyết với đơn vị cung ứng giống để bà con không phải bị thiệt thòi. Ông Niên, Chủ nhiệm HTX NN ở đây bảo: Trong vụ cấy lúa vụ mùa này HTX đã nhận cung ứng cho xã viên được 570 kg giống lúa Q.ưu1, nhưng đến khi ngâm ủ thì tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt cao nhất là 15%. Khi sự việc xẩy ra chúng tôi cũng đã mời các cơ quan hữu trách đến lập biên bản. Vì vậy sau đó Trạm BVTV đã cấp bù cho chúng tôi bằng nguồn giống Q5.

Đến xã Nghĩa Hưng cùng huyện, ông Nguyễn Văn Nhân tỏ rõ thái độ bức xúc: Khổ lắm chú ơi, bởi chờ mãi mới thấy có mưa nên gia đình tôi đã nhanh chóng nạp tiền cho Ban Nông nghiệp xã để mua 3 kg giống lúa Q.ưu1, thế nhưng khi mang về ngâm ủ đúng theo quy trình mà Trạm BVTV Nghĩa Đàn hướng dẫn thì tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt chưa đến 30%, đến khi đem giống ra bắc mạ thì không có mầm nào bén rễ được. Tôi bảo chắc là do khi các bác lấy giống về để quá lâu nên mới xẩy ra sự cố này chăng? Ông Nhân khẳng định: Không phải như thế đâu, bởi nhìn lên nhãn mác đóng ở bao bì ghi ngày SX: 09/2009, hạn sử dụng: 12 tháng, kể từ ngày SX. Như vậy thời hạn sử dụng giống lúa này còn phải đến tháng 9/2010 mới hết. Vậy theo chúng tôi thì đây là lô giống lúa Q.ưu1 dởm.

Giống lúa Q.ưu1 đã được thu hồi về Trạm BVTV Nghĩa Đàn.
Tới nhà ông Phạm Văn Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng, khi hỏi về sự cố giống lúa Q.ưu1 thì chỉ thấy ông Lan thở dài ngao ngán: Năm nay thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đã làm cho mực nước trong các hồ đập của địa phương cạn khô đến tận đáy, đồng điền đất đai nứt nẻ toác. Tuy nhiên vào trung tuần tháng 6, Ban nông nghiệp xã vẫn đến mua giống lúa Q.ưu1, với giá 66.000đ/kg ở Trạm BVTV & Giống cây trồng Nghĩa Đàn về để chờ mưa xuống là gieo cấy. Thế rồi niềm vui như mở cờ cũng đã đến với người dân, bởi do ảnh hưởng của cơn bão số 1 đã trút nước xuống đồng quê. Những ngày này bà con nông dân khắp xã đã nhanh chóng vừa ngâm ủ mạ vừa khẩn trương xuống đồng cày bừa, bón lót phân hữu cơ. Vui là vậy, thế nhưng được mấy ngày là dân chúng đã ào ào kéo đến trụ sở UB để phản ứng về việc Ban nông nghiệp xã đã mua giống lúa dởm về cho dân. Ông Lan bảo: Qua kiểm tra xác thực tại 11 xóm thì chúng tôi thấy vụ này toàn xã đã cung ứng trên 3.000 kg lúa giống. Trong đó giống lúa Q.ưu1 trên 1.000 kg, số còn lại là Nhị ưu 838 và Khang dân. Tuy nhiên trong quá trình ngâm ủ mạ thì hai giống lúa Nhị ưu và Khang dân đã nảy mầm tốt, hiện bà con nông dân đã xuống đồng cấy mạ hết. Riêng toàn bộ lúa giống Q.ưu1 khi ngâm ủ thì tỷ lệ nẩy mầm chỉ đạt 30- 40%. Những gia đình đã ngâm ủ thì huỷ, số chưa ngâm ủ thì dân mang lên trụ sở của xã để trả.

Tôi hỏi: Qua tìm hiểu của chúng tôi thì thấy ở nhiều xã khác cũng mua giống Q.ưu1 của Trạm BVTV huyện, nhưng tại sao giống của họ vẫn nẩy mầm tốt. Ông Lan bảo: Đó là những lô hàng đảm bảo chất lượng, còn lô hàng mà xã Nghĩa Hưng đã nhận là lô hàng dởm. Tuy nhiên sau khi nhận được sự phản ứng của dân, các cơ quan của huyện Nghĩa Đàn đã về kiểm tra và đã chỉ đạo cho Trạm BVTV cấp lại số giống đã hỏng bằng giống lúa NA1 do Cty CP VTNN Nghệ An sản xuất. Hiện nông dân đã bắc mạ, nhưng đến 7-10/8 thì mới xuống đồng gieo cấy được, nên e rằng đến khi lúa phát triển mà gặp phải thời tiết rét thì năng suất chắc là sẽ giảm.

Đến Trạm BVTV & GCT Nghĩa Đàn để tìm hiểu thêm về sự cố nói trên thì được nghe ông Nguyễn Cảnh Sơn là cán bộ phụ trách giống ở đây cho biết: Niên vụ này Trạm chúng tôi đã mua 6.000 kg giống lúa Q.ưu1 do Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh cung ứng. Trong đó ở nhiều xã trong huyện do có đủ nguồn nước nên họ đã xuống đồng gieo cấy mạ kịp thời nên đến nay  lúa rất tốt. Thế nhưng ngày 26/5 xã Nghĩa Thịnh đã mua của Trạm 540 kg, và ngày 4/6 xã Nghĩa Hưng đã mua 1.050 kg. Cả hai xã này đến ngày 20/7 mới ngâm ủ mạ. Do lượng giống lấy ra quá lâu lại gặp phải thời tiết nắng nóng quá nên khi ngâm ủ mạ chỉ nảy mầm được từ 30-40%. Tuy nhiên Trạm  sẽ phải chịu trách nhiệm thiệt thòi để hỗ trợ cho dân.

Tôi bảo: Số lượng giống của 2 xã đã bị huỷ gần 1.600 kg, và tính theo giá các anh đã bán ra cho dân 66.000đ/kg thì số tiền bị thiệt thòi cũng phải đến 100 triệu đồng. Nghe vậy ông Sơn buồn rầu đáp: Đúng là quá thiệt. Thế nhưng chúng tôi cũng đã gửi văn bản tới Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh để đơn vị này có biện pháp hỗ trợ nông dân.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.