| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu gạo từ giống lúa TBR89 và TBR97

Chủ Nhật 04/09/2022 , 16:55 (GMT+7)

THANH HÓA Giống lúa TBR89 và TBR97 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed với những ưu điểm vượt trội, được kỳ vọng thay thế dần các giống lúa thuần năng suất thấp tại xứ Thanh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed – Chi nhánh Bắc Trung bộ vừa tổ chức hội thảo đầu bờ hai giống lúa thuần TBR89 và TBR97. Sự kiện được tổ chức trên cánh đồng lúa của xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với sự tham gia của hàng trăm hộ dân cùng đại diện lãnh đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Tại xã Thọ Phú, giống lúa TBR89 và TBR97 được gieo cấy trên diện tích 2ha, hiện đã sắp cho thu hoạch. Tại hội thảo đầu bờ, một số hộ dân đã gặt điểm để đánh giá năng suất. Kết quả cho thấy, trên diện tích 3m2, giống TBR97 cho năng suất 4,4kg lúa tươi, tương đương 3,5 tạ/sào (sào 500m2).

Đông đảo người dân xã Thọ Phú (Triệu Sơn, Thanh Hóa) thăm mô hình giống lúa năng suất, chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: An Yên.

Đông đảo người dân xã Thọ Phú (Triệu Sơn, Thanh Hóa) thăm mô hình giống lúa năng suất, chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: An Yên.

Ông Nguyễn Viết Tiến (thôn 4, xã Thọ Phú) có 4 sào lúa trồng bằng giống lúa TBR97 phấn khởi cho hay, đây là giống lúa có nhiều ưu điểm vượt trội. Lúa có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt. Vụ này, gia đình không phải phun thuốc trừ sâu cho lúa. Thời điểm lúa chín có hiện tượng khô vằn nhẹ, nhưng không ảnh hưởng tới năng suất. Ước tính, năng suất khi thu hoạch đạt khoảng 3,5 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, thu nhập thuần đạt khoảng 1,3 triệu/sào.

Triệu Sơn là một trong những địa phương trọng điểm lúa của tỉnh Thanh Hóa với diện tích gần 10.000ha. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt việc đưa vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao được địa phương rất quan tâm.

Mô hình trình diễn hai giống lúa TBR89 và TBR97 trên đồng đất huyện Triệu Sơn nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, chất lượng gạo, đặc biệt là sự thích nghi, phù hợp với điều kiện đất đai và tiểu vùng khí hậu. Từ đó, có cơ sở lựa chọn vào cơ cấu sản xuất, thay thế các giống lúa thuần năng suất thấp hiện nay. Bà con nông dân kỳ vọng, hai giống lúa mới sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

Theo đánh giá của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thọ Phú, giống lúa TBR89 có nhiều ưu điểm như hình dạng cây gọn, đứng lá, đẻ nhánh khỏe, góc lá đòng hẹp, bông dài, số hạt trên bông lớn, vỏ trấu nâu, có mùi thơm, chất lượng gạo ngon, thơm, khả năng chịu thâm canh cao, chống chịu thời tiết tốt. Giống lúa TBR89 là giống cảm ôn, thích ứng rộng. Ở miền Bắc, giống có thời gian sinh trưởng từ 132 - 135 ngày đối với vụ xuân; vụ mùa từ 105 - 120 ngày.

Nông dân hài lòng với các giống lúa được trình diễn trên địa bàn. Ảnh: An Yên.

Nông dân hài lòng với các giống lúa được trình diễn trên địa bàn. Ảnh: An Yên.

Đối với giống TBR97, có ưu điểm thấp cây, cứng cây, khả năng chống đổ tốt, dễ chăm sóc và tiềm năng năng suất cao. Tỷ lệ lép lửng thấp, chất lượng gạo đẹp, trong, ngon cơm. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn. Ở miền Bắc, giống TBR97 có thời gian sinh trưởng từ 115 - 125 ngày đối với vụ xuân; vụ mùa từ 95 - 105 ngày. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, TBR97 có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày; vụ hè thu (Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) khoảng 90 ngày.

Ngoài ra, hai giống lúa trên có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với cơ cấu giống và trình độ chăm sóc của nông dân địa phương.

Khi tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed – Chi nhánh Bắc Trung bộ hỗ trợ 100% giống lúa, đồng thời cử nhân viên xuống địa phương chủ động phối hợp với bà con và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp theo dõi, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. 

Ông Lương Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Triệu Sơn kỳ vọng, địa phương sẽ sớm xây dựng được thương hiệu gạo từ hai giống lúa TBR89 và TBR97. Theo ông Ánh, khảo nghiệm cho thấy, đây là hai giống lúa khẳng định được ưu thế so với các giống khác, trong đó tỷ lệ xay xát cao, chất lượng hạt gạo tốt.

Việc khảo nghiệm và nhân rộng mô hình giống lúa mới TBR89 và TBR97 không chỉ giúp các hộ nông dân tại địa phương tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.