| Hotline: 0983.970.780

Nông dân vùng đất khó 'làm chơi, ăn thật' nhờ giống lúa TBR97

Thứ Hai 03/04/2023 , 08:25 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Đã 3 năm liên tiếp, giống lúa TBR97 có mặt trên đồng đất Bình Định và khẳng định nhiều đặc tính ưu việt trên những vùng đất khó.

Làm "chơi chơi" năng suất vẫn đạt 350kg/sào (500m2)

Vụ đông xuân 2022 - 2023, để khẳng định khả năng thích ứng của giống lúa thuần TBR97 trên đồng đất Bình Định, Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn) tổ chức sản xuất giống lúa này trên diện tích 1ha.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất giống TBR97 tại HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất giống TBR97 tại HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trong 3 năm gần đây, Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên đã sản xuất giống TBR97 tại nhiều địa phương, trên nhiều chân đất khác nhau như thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, đều cho kết quả tốt. Vụ đông xuân năm nay, giống TBR97 tiếp tục được “thử lửa” trên vùng đất trung du huyện Tây Sơn, địa điểm sản xuất lại là vùng đất trung bình xấu.

Vừa qua, Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên đã phối hợp với HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn) tổ chức hội thảo đánh giá sản xuất giống lúa TBR97 với sự tham gia của nhiều nông dân trên địa bàn huyện. Thăm đồng, chúng tôi nhận ra điều thú vị là giống TBR97 rất “khiêm nhường”, không khoe gié, những gié lúa giấu kín dưới lá.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi bộc bạch: “Ruộng lúa này là của 1 người không chuyên tâm lắm với nông nghiệp, anh Văn Trọng Khải là thợ cơ khí, xuống giống xong là bỏ mặc đám ruộng không màng chăm sóc để đi làm nghề. Hôm rồi tôi ghé nhà hỏi vợ anh Hải có chăm sóc ruộng không, cô ấy bảo suốt cả vụ chỉ bơm thuốc có 1 lần. Ấy vậy mà ruộng anh Khải vẫn không bị sâu bệnh tấn công, chứng tỏ giống lúa này kháng sâu bệnh tốt”.

Nông dân HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) gặt thí điểm tại ruộng của ông Văn Trọng Khải.

Nông dân HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) gặt thí điểm tại ruộng của ông Văn Trọng Khải.

Tại buổi tham quan, HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi tổ chức gặt thí điểm 1m2 tại ruộng của anh Văn Trọng Khải, kết quả bất ngờ là sau khi tính toán, năng suất thực thu đạt hơn 350kg/sào (500m2), trong khi ruộng của anh Khải là đất trung bình xấu, lại không được chăm sóc chu đáo.

“Giống lúa TBR97 có tỷ lệ hạt lép rất thấp, chỉ 8%; số bông hữu hiệu 400 bông/m2, cao hơn giống đối chứng (HT1) 70 bông/m2; tổng số hạt/bông đạt 180 hạt, cao hơn so giống đối chứng 39 hạt; số hạt chắc/bông đạt 170 hạt, cao hơn giống đối chứng 70 hạt nên cấu thành năng suất cao. Ruộng anh Khải làm không chăm sóc nên cho mức năng suất đó chứ ruộng tôi làm năng suất không dưới 400kg/sào”, ông Trần Văn Trung khẳng định.

Gạo ngon, chống chịu sâu bệnh tốt

Ông Phan Văn Hóa ở thôn 3, xã Bình Nghi, người trực tiếp sản xuất 3 sào giống TBR97 trong vụ đông xuân 2022 - 2023 nhận xét, giống lúa này chống chịu sâu bệnh rất tốt, đây là lần đầu tiên làm giống lúa này nhưng ông đã “mê” bởi không thấy bệnh đạo ôn, thối thân, thối bẹ xuất hiện, rầy nâu thì chỉ bị nhiễm nhẹ.

“Giống lúa TBR97 có bộ lá dày, nhất là bộ lá đòng nên quang hợp tốt, nhờ đó có tỷ lệ lép rất thấp. So với các giống lúa thuần khác, giống này rất sạch bệnh, đặc biệt là không thấy bệnh đạo ôn, vùng ruộng này thường bị rầy nhưng giống lúa này chỉ bị nhiễm nhẹ”, ông Hóa cho hay.

Nông dân HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) xát lúa gặt thí điểm để xác định năng suất. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi xát lúa gặt thí điểm để xác định năng suất. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi cho biết, giống TBR97 không chỉ cho năng suất cao mà gạo cũng rất ngon. Gạo TBR97 hạt dài, màu vàng sáng, nấu cơm có mùi thơm nhẹ. “Gạo TBR97 thơm ngon như gạo Đài thơm 8, nhưng giống Đài thơm 8 hiện nay đã bị nhiễm rầy quá nặng nên không còn phù hợp. Làm giống TBR97 có lãi 1,5 triệu đồng/sào, trong khi sản xuất giống đối chứng HT1 chỉ có lãi 900.000đ/sào”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trần Văn Thừa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn, ngành nông nghiệp địa phương này luôn “khát” những giống lúa mới, cho năng suất cao và gạo có chất lượng để thay thế những giống lúa cũ đã thoái hóa.

“Vụ đông xuân 2022 - 2023 thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ mưa lớn kéo dài, nhiệt độ trung bình thấp, đến cuối vụ thời tiết trở nóng ẩm, nắng mưa xen kẽ, đây là điều kiện để sâu bệnh phát sinh, nhưng nhờ giống TBR97 có sức đề kháng tốt nên không bị sâu bệnh gây hại. Vụ hè thu 2022 tôi đã làm giống này và thấy giống TBR97 không chỉ phù hợp với vụ đông xuân mà còn phù hợp với vụ hè thu”, ông Thừa nói.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi, với lúa TBR97. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp 3 Bình Nghi hài lòng với giống lúa TBR97. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi tham quan mô hình sản xuất giống TBR97 của anh Văn Trọng Khải, ông Phùng Ngọc Chí, đại diện Phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn đánh giá: “Ruộng của anh Khải sạ quá dày nên lúa đẻ nhánh không nổi, tôi nhổ thử 5 bụi lúa mà chỉ có 1 bụi đẻ nhánh, quy trình kỹ thuật của Công ty chỉ sạ 3 - 4kg giống/sào mà ruộng anh Khải sạ phải gấp đôi lượng giống nên năng suất không đạt như tiềm năng.

Bà con sản xuất giống này nên tuân thủ quy trình sản xuất do Công ty đưa ra. Qua thực tế, chúng tôi thấy giống này phù hợp cả 2 vụ với huyện Tây Sơn. Giống TBR97 đã được ngành nông nghiệp Bình Định đưa vào cơ cấu giống triển vọng, Công ty nên triển khai sản xuất giống TBR97 thêm nhiều vụ để được đưa vào giống chủ lực của tỉnh”, ông Chí nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.