Lúa tại Tây Ninh chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 150.000 ha. Vụ lúa Đông - Xuân (2020 - 2021) bà con nông dân rất phấn khởi vì được mùa được giá.
Niềm vui kép
Dọc theo tuyến đường Quốc lộ 22B nối dài từ TP.Tây Ninh đến TX.Trảng Bàng, hình ảnh những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ rền vang nhấp nhô trên cánh đồng. Xa xa là bà con nông dân tất bật thu gom từng bao lúa nặng trĩu vừa mới gặt xong, liên tục đưa lên con lộ lớn để kịp bán cho thương lái. Hương tết làng quê vẫn còn đọng lại trên mọi nẻo đường, hòa quyện với hương lúa nồng nàn khiến ai đi qua cũng bị quyến rũ.
Tham quan ruộng lúa của bà con xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu đúng lúc lúa đang thu hoạch rộ. Nhiều bà con địa phương cho biết, năm nay là một năm tràn đầy niềm vui bởi năng suất lúa không chỉ đạt rất khá mà giá lúa lại cao nhất từ trước đến nay.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Cật, một trong những nông dân có thâm niên trồng lúa lâu năm nhất tại địa phương. Quẹt nhanh mồ hôi, không giấu được niềm vui, ông Cật cho biết, bà con nơi đây chủ yếu trồng giống OM 5451 với nhiều ưu điểm như nhẹ phân, đẻ nhánh khỏe, lá đồng thẳng trổ nhanh, tập trung, ít nhiễm sâu bệnh, đặc biệt kháng rầy tốt, năng suất cao. “Nếu như trước đây, giống lúa này chỉ đạt 8 tấn/ha, thì năm nay, thời tiết thuận lợi lúa đạt hơn 9 tấn/ha. Đặc biệt, giá lúa vụ này bán trên 6.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 500 đến 800 đồng/kg. Trung bình mỗi bà con ở đây sở hữu từ 4 công đất (4.000 m2) đến vài héc ta, vì thế mỗi hộ đều bỏ túi cả chục đến vài chục triệu đồng” ông Cật tiết lộ.
Tương tự, tại HTX Bầu Đồn, một trong những HTX sản xuất lúa hàng đầu tại địa phương với 47 thành viên, diện tích canh tác gần 100 ha năm nay cũng thắng lớn. Bên cạnh các giống lúa truyền thống, HTX này còn mạnh dạn chuyển đổi sang những giống lúa mới hiệu quả kinh tế cao như ST24, bước đầu đem lại thành quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Văn Nhành, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, HTX liên kết với một số doanh nghiệp trồng lúa ST20, ST21, Hồng Ngọc (gạo đỏ).... Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức cho nông dân trên địa bàn tỉnh đi học tập mô hình sản xuất lúa ST24. Nhận thấy đây là giống lúa có triển vọng, HTX đã liên kết với Công ty Nông sản Việt để làm gạo chất lượng cao.
Hiện HTX có 11 hộ tham gia trồng hơn 20 ha giống lúa ST24. Sau hơn 3 tháng lúa đã cho thu hoạch, do chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất giống lúa mới nên năng suất thu được chỉ bằng với các giống lúa khác tại địa phương. Tuy nhiên với giá thu mua cao hơn từ 500 đến 1.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. “Hướng tới, HTX sẽ mở rộng diện tích và đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng lúa”, ông Nhành tiết lộ.
Tái cơ cấu trồng lúa
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, lúa là một trong những cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác tại địa phương. Diện tích gieo trồng cây lúa hàng năm đạt khoảng 150.000 ha. Hiện các giống lúa chủ lực đồng bằng sông Cửu Long OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 576, IR 50404… đều có mặt tại Tây Ninh. Theo đánh giá, diện tích đất gieo trồng lúa của tỉnh lớn nhưng giá trị thu về chưa cao.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh đã có những định hướng, giải pháp và chính sách nhằm nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh này đã triển khai 187 ha mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận, 1.365 ha mô hình sản xuất lúa chất lượng cao… Năm 2020, địa phương triển khai dự án sản xuất lúa đạt chứng nhận VietGAP cho hơn 2.000 ha lúa sản xuất 3 vụ trên địa bàn 6 huyện trọng điểm lúa. Ngoài ra, địa phương còn chủ động phối kết hợp với các viện, trường tổ chức tập huấn, hội thảo, đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh ĐBSCL… Liên kết với các doanh nghiệp lớn làm cầu nối cho nông dân tham gia chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
Điển hình là Hội thảo “Liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020 do Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời tổ chức tháng 10/2020. Sắp tới, Công ty này sẽ xây dựng chuỗi liên kết với diện tích khoảng 2.000 ha kể từ vụ Đông Xuân 2020–2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, sông ngòi cùng với hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - lợi thế về nguồn nước để phát triển cây lúa.
Đặc biệt, trên 90% diện tích canh tác lúa đã được cơ giới hoá từ khâu làm đất cho đến thu hoạch. Thời gian qua, các đề án, dự án đầu tư trên cây lúa như: Đề án xây dựng mạng lưới nhân giống lúa; mô hình liên kết 4 nhà, tiến đến xây dựng cánh đồng mẫu và cánh đồng lớn theo hướng VietGAP,… bước đầu đã có kết quả, giúp cho người dân tham gia mô hình giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.
Đây là cơ sở cho quá trình tái cơ cấu ngành sản xuất lúa của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng theo đề án tái cơ cấu của ngành, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực, trên thế giới, đồng thời thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.