| Hotline: 0983.970.780

Nóng đấu thầu lại đất trang trại ở Văn Giang: Đồng loạt gửi đơn tố cáo nguyên Chủ tịch xã Xuân Quan

Thứ Ba 06/08/2024 , 16:21 (GMT+7)

HƯNG YÊN Nhiều chủ trang trại gửi đơn tố cáo nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (dù ông này đã chuyển công tác) về các nội dung thu hồi, nâng giá cho thuê đất trang trại.

Ông Nguyễn Văn Toàn và ông Đàm Văn Lụa, hai trong 5 chủ trang trại đang bị yêu cầu di dời tài sản, vật nuôi... trên đất thuê của UBND xã Xuân Quan. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Văn Toàn và ông Đàm Văn Lụa, hai trong 5 chủ trang trại đang bị yêu cầu di dời tài sản, vật nuôi... trên đất thuê của UBND xã Xuân Quan. Ảnh: Kiên Trung.

Sự bất nhất của ông Chủ tịch UBND xã Xuân Quan

Mặc dù ông Lê Quý Đôn, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Quan đã được điều chuyển công tác sang làm Chủ tịch UBND thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang) từ tháng 1/2024 nhưng vẫn bị nhiều chủ trang trại có đơn tố cáo liên quan đến công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo… của ông thời điểm làm lãnh đạo xã này.

Cụ thể, trong thời gian ông Lê Quý Đôn đảm nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, ngày 31/8/2021 ông là người ký Thông báo yêu cầu các chủ trang trại phải di dời toàn bộ tài sản, chuồng trại, cây trồng vật nuôi để bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp cho xã, thời hạn 30 ngày.

Thông báo này dẫn tới hệ lụy trực tiếp, đó là các hộ trang trại phải bán tống táng vật nuôi, ao cá, bò sữa… giữa thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch (thời điểm tháng 8/2021 đang là cao điểm dịch bệnh Covid-10). Mặt khác, thời điểm đó, hầu hết vật nuôi của các hộ đang kỳ cho khai thác (bò sữa của hộ gia đình ông Đàm Ngọc Hân) hay chưa đến kỳ thu hoạch (ao cá của gia đình ông Đàm Văn Lụa)…

Lo lắng không có chỗ chứa vật nuôi, hoa màu, chuồng trại nếu phải di dời trong thời hạn 30 ngày theo Thông báo, nhiều chủ trang trại phải bán vội, bán non… vật nuôi, từ đó gián tiếp gây thiệt hại kinh tế cho các hộ hàng trăm triệu đồng.

Ao cá rộng hàng ngàn m2 của gia đình ông Đỗ Thanh Tùng để cạn, không dám tiếp tục nuôi cá vì xã yêu cầu di dời cây trồng vật nuôi, không tái lý hợp đồng cho thuê đất từ năm 2021 đến nay. Ảnh: Kiên Trung.

Ao cá rộng hàng ngàn m2 của gia đình ông Đỗ Thanh Tùng để cạn, không dám tiếp tục nuôi cá vì xã yêu cầu di dời cây trồng vật nuôi, không tái lý hợp đồng cho thuê đất từ năm 2021 đến nay. Ảnh: Kiên Trung.

Ngay tại thời điểm Thông báo này được ban hành, 5 chủ trang trại gồm các ông: Nguyễn Văn Toàn, Đàm Văn Lụa, Đàm Ngọc Hân (trú tại thôn 10); Nguyễn Văn Khôi (trú tại thôn 3); Đỗ Thanh Tùng (thường trú tại xã Phụng Công) đã có đơn kiến nghị gửi lên chính quyền xã Xuân Quan và huyện Văn Giang đề nghị xem xét lại căn cứ ban hành Thông báo của ông Lê Quý Đôn. Đề nghị được tiếp tục ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp để ổn định sản xuất bởi các hộ đều thông qua đấu thầu từ đầu, đã sử dụng ổn định trong 15 năm qua và các hộ hiện vẫn đang có nhu cầu thuê đất nông nghiệp để phát triển sản xuất.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất, các hộ đều đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để có hạ tầng chuồng trại, vườn cây, ao cá như hiện nay…; các hộ đang sản xuất ổn định, đúng tính chất mục đích đăng ký, không vi phạm các quy định pháp luật.

Khi đó, UBND xã Xuân Quan đã tổ chức nhiều lần làm việc, đối thoại với người dân vào các ngày 7/7 - 19/8 - 23/9/2021; ngày 26/10/2022; ngày; ngày 6/7 và 18/8/2023 nhưng chưa đi đến sự thống nhất trong việc giải quyết.

Ao cá biến thành vườn trồng cây giống trong thời gian chờ được tái ký cho thuê đất nông nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Ao cá biến thành vườn trồng cây giống trong thời gian chờ được tái ký cho thuê đất nông nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Tại biên bản làm việc giữa lãnh đạo xã Xuân Quan với các hộ dân ngày 19/8/2021 về việc thuê thầu đối với các hợp đồng kinh tế trang trại đã hết thời hạn do Chủ tịch UBND xã Lê Quý Đôn chủ trì đã nâng mức giá cho thuê từ 3 - 5,5 triệu đồng/sào/năm.

Mức giá cho thuê mới được đưa ra cao hơn nhiều lần mức giá khởi điểm mà các hộ đấu thầu trúng và cao hơn so với hợp đồng cho thuê đất kỳ liền kề, cao hơn quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ quy định về tiền thuê đất, thuê mặt nước để sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử, Hợp đồng thuê đất công điền khu vực Lành Canh của hộ gia đình ông Đàm Văn Lụa là 121kg/sào/năm, tương đương với 4.235kg thóc. Với diện tích 12.600m2 (tương ứng với 35 sào ruộng Bắc bộ), tổng khối lượng thóc mà ông Lụa phải trả cho xã là 21.175kg.

 
Chuồng trại bỏ không, không dám tái thả chăn nuôi của các chủ trang trại ở xã Xuân Quan đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Kiên Trung.

Chuồng trại bỏ không, không dám tái thả chăn nuôi của các chủ trang trại ở xã Xuân Quan đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Kiên Trung.

Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khôi, tiền thuê đất nông nghiệp tính theo sào là 137,5kg/sào/năm. Sau mỗi đợt tái ký, giá trị tiền thuê đất được tăng thêm 15%. Tổng diện tích thuê 5.500m2 giai đoạn 2015 - 2020 của gia đình ông Khôi tương ứng với 12.094kg thóc.

Khi nộp tiền thuê đất, các hộ sẽ căn cứ theo hợp đồng ký kết với xã, tính theo giá thóc tại thời điểm nộp tiền để quy đổi thành tiền.

Theo Khoản 3, Điều 4 Nghị định 46 của Chính phủ về việc áp mức giá cho thuê đất, thuê mặt nước để phát triển nông nghiệp quy đinh: đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng thuê đất, mức điều chỉnh giá cho thuê không vượt quá 30% đơn giá cho thuê đất trúng đấu giá hoặc đơn giá thuê đất của kỳ ổn định liền kề trước đó. 

Tiếp đó, tại cuộc họp ngày 23/9/2021, trực tiếp ông Lê Quý Đôn chủ trì, thống nhất nội dung: tiếp tục cho các hộ dân được ký hợp đồng thuê đất.

Cũng trong ngày 23/9/2021, ông Lê Quý Đôn ký các Thông báo gửi các hộ dân (gồm ông Đàm Văn Lụa, Đàm Ngọc Hân, Nguyễn Văn Toàn, Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khôi) thay thế cho Thông báo ngày 31/8/2021 với nội dung: “UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra lại diện tích, các hạng mục đã được phê duyệt, chứng nhận là mô hình kinh tế trang trại” để tiếp tục thực hiện ký hợp đồng đối với các Hợp đồng thuê đất công điền đã được công nhận là mô hình kinh tế trang trại theo Nghị định 46 của Chính phủ. UBND xã Xuân Quan yêu cầu các nông hộ hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với hợp đồng thuê đất giai đoạn 5 năm trước đó (thời điểm hết hạn là 31/8/2021).

Thế nhưng, sau Thông báo này, tại các buổi làm việc với các hộ dân vào các ngày 26/10/2022; 6/7 - 18/8/2023, chủ tịch xã Xuân Quan Lê Quý Đôn lại tiếp tục yêu cầu các hộ di dời tài sản, vật nuôi... ra khỏi khu vực đất thuê, không tái ký cho thuê đất. Sự bất nhất này đẩy các hộ dân vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc phải khoanh tay đứng nhìn tài sản chuồng trại xuống cấp, đất đai hoang hóa, lãng phí gần 4 năm qua.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quan thừa nhận “nghiên cứu văn bản không kỹ”

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại buổi đối thoại với 5 chủ trang trại có đơn thư khiếu nại vào ngày 23/9/2021, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn chủ trì đã thừa nhận cán bộ tham mưa đã không “nghiên cứu văn bản không kỹ” dẫn tới việc ra Thông báo ngày 31/8/2021 yêu cầu các hộ di dời tài sản, vật nuôi… giữa mùa dịch.

Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn cho biết: sau khi nhận được phiếu chuyển đơn của UBND huyện Văn Giang về việc các hộ dân ý kiến việc xã tự ý nâng giá cho thuê đất trái quy định, xã đã mời đại diện cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện cùng tham dự để bàn liên quan đến vấn đề các hợp đồng kinh tế.

Ông Hoàng Hoa Cương, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (trái) và ông Lê Quý Đôn, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Quan trong buổi làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hoàng Hoa Cương, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (trái) và ông Lê Quý Đôn, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Quan trong buổi làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Chúng tôi đã chất vấn các đồng chí lãnh đạo, cơ quan chuyên môn của tỉnh về Thông tư 02 và các hướng dẫn của tỉnh, của Bộ, Chính phủ. Thông tư 02 có hiệu lực từ tháng 4/2020 nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa có hướng dẫn của UBND tỉnh.

“Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin phản ánh và có nhiều ý kiến cho rằng cá nhân đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã tự ý nâng giá làm khó khăn cho các hộ gia đình trang trại. Quả thật, cho đến hôm nay, về việc nghiên cứu các văn bản, rồi các cơ quan chuyên môn tham mưu, ủy ban xã đã kiểm tra và báo cáo với Đảng ủy một hội nghị liên quan việc triển khai, ký các hợp đồng kinh tế với trang trại.

Riêng đồng chí Đôn làm việc không phải cá nhân đồng chí Đôn tự quyết mà có các cơ quan chuyên môn tham mưu đưa ra mức giá sàn, sau đó trình Thường trực, các ban tham mưu cho ý kiến sau đó báo cáo Đảng ủy, thường trực HĐND… từ đó mới triển khai thực hiện”, ông Đôn phát biểu tại buổi đối thoại.

Ông Đỗ Thanh Tùng (áo sẫm màu) và ông Nguyễn Văn Khôi cung cấp tài liệu cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung. 

Ông Đỗ Thanh Tùng (áo sẫm màu) và ông Nguyễn Văn Khôi cung cấp tài liệu cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung. 

Cũng theo ông Đôn: “Khi làm việc không ai tròn trịa cả, khi đến già chúng ta vẫn phải học, và không có ai khôn cả. Bản thân chúng tôi vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu. Sau khi bà con có ý kiến, chúng tôi thấy bà con nói rất đúng. Nghị quyết 46 của Chính phủ quy định rất chi tiết, còn Quyết định số 46 của UBND tỉnh ban hành năm 2005, sau khi có Nghị định 46 của Chính phủ Quyết định 46 của tỉnh đã phải điều chỉnh. Thế nhưng sau khi điều chỉnh, UBND tỉnh có ban hành Quyết định số 55 năm 2015 cũng quy định không chi tiết như Nghị định 46.

Người bình thường sẽ nghiên cứu và sẽ hiểu các quy định rất chi tiết về mức áp giá thuê đất nông nghiệp, đơn giá khởi điểm để đấu giá; ổn định trong 5 năm và những dự án ổn định trong 10 năm, hết thời hạn thì điều chỉnh giá cho thuê đất theo chính sách về thu tiền thuê đất với từng trường hợp. Với mô hình trang trại sẽ không tổ chức đấu giá lại, tức là hết thời hạn sẽ tiếp tục ký hợp đồng và mức điều chỉnh giá thuê đất theo quy định tại Nghị định 46.

Chúng tôi đã làm văn bản xin ý kiến các cơ quan cấp trên nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản trả lời và có ý kiến chỉ đạo về việc các hộ tiếp tục ký hợp đồng để tiếp tục sử dụng đất. Thực hiện theo Nghị định 46 là ổn định và điều chỉnh mức giá không vượt quá 30% mức giá trúng thầu và đơn giá của kỳ ổn định trước.

Những lão nông xã Xuân Quan tiếc rẻ vì tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng vườn ao chuồng xuống cấp vì không được tái ký hợp đồng để phát triển sản xuất. Ảnh: Kiên Trung.

Những lão nông xã Xuân Quan tiếc rẻ vì tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng vườn ao chuồng xuống cấp vì không được tái ký hợp đồng để phát triển sản xuất. Ảnh: Kiên Trung.

Sau khi UBND xã giao cho các cơ quan chuyên môn, tham mưu xin ý kiến các cơ quan của tỉnh, huyện… Đảng ủy nhất trí chủ trương tiếp tục mời các hộ lên trao đổi để tiếp tục ký hợp đồng, nội dung điều chỉnh đơn giá cho thuê không vượt quá 30% theo như quy định tại Nghị định 46; thứ 2, trong hợp đồng lần này chúng tôi cũng ghi rõ nội dung: sau khi có văn bản điều chỉnh giá của UBND tỉnh sẽ điều chỉnh giá của hợp đồng theo như văn bản của UBND tỉnh.

Thời gian qua, anh em cũng một phần do sơ suất nghiên cứu các văn bản để dẫn tới tình trạng phải gia hạn 1 năm nhưng vẫn không thống nhất được cho đến thời điểm này. Theo Quyết định 46 của UBND tỉnh thì các địa phương tự tổ chức công tác điều tra, hiện tại đến thời điểm này tỉnh cũng chưa ban hành giá hay điều chỉnh Thông tư 02. Khi nào có chúng tôi sẽ có ý kiến”, ông Lê Quý Đôn nói.

Khi chưa thống nhất được mức giá để tiếp tục tái ký hợp đồng, UBND xã Xuân Quan đơn phương dừng, không thực hiện việc tái ký; bảo lưu quan điểm yêu cầu các hộ di dời tài sản, cây trồng, vật nuôi… ra khỏi khu vực đất cho thuê để xã tổ chức đấu thầu lại bằng Biên bản làm việc với các hộ dân vào ngày 6/7/2023. Sự việc kéo dài cho đến thời điểm hiện tại.

Mới đây, cuối tháng 7/2024, 5 chủ hộ trang trại nói trên tiếp tục có đơn tố cáo ông Lê Quý Đôn về sự việc kéo dài tại thời điểm hiện tại, dù lúc này ông Đôn đã chuyển công tác sang giữ chức danh Chủ tịch UBND thị trấn Văn Giang.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.