| Hotline: 0983.970.780

Nóng đấu thầu lại đất trang trại ở Văn Giang

[Bài 2] Chuồng trại tan hoang 4 năm trời vẫn mòn mỏi chờ phương án

Chủ Nhật 21/07/2024 , 15:07 (GMT+7)

Hàng trăm m2 chuồng trại nuôi lợn, hàng ngàn m2 ao cá bị bỏ hoang 4 năm qua do chính quyền chưa cho người dân tái ký hợp đồng thuê đất như thường lệ.

Không chỉ lãng phí tài nguyên đất đai, các chủ trang trại lo lắng hạ tầng chuồng trại xuống cấp, hư hại vì bỏ hoang, lâu không sử dụng…

Khu bể nuôi cá bố mẹ hiện đang bị lấp đất để làm vườn ươm cây giống của gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (thôn 2, xã Xuân Quan). Ảnh: Kiên Trung.

Khu bể nuôi cá bố mẹ hiện đang bị lấp đất để làm vườn ươm cây giống của gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (thôn 2, xã Xuân Quan). Ảnh: Kiên Trung.

Sang Thái Lan học kỹ thuật về bất lực nhìn chuồng trại bỏ hoang

Là một trong 5 hộ dân cùng đấu thầu thuê đất nông nghiệp của xã để làm kinh tế trang trại từ năm 2004, ông Nguyễn Văn Toàn (xóm 12, xã Xuân Quan) là một trường hợp khá đặc biệt.

Không chỉ lập hồ sơ Dự án nông nghiệp bài bản trình Chủ tịch UBND huyện Văn Giang phê duyệt, ông Toàn còn lặn lội sang Thái Lan tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá rô phi đơn tính để về áp dụng tại trang trại của mình.

Về quê, trong tổng diện tích hơn 11.000m2 đất nông nghiệp trúng thầu, ông dành 5.000m2 để đào ao thả cá, gần 200m2 chuồng trại nuôi bò sữa và lợn thịt, còn lại là đất trồng cây ăn quả.

Khu vực ao nuôi cá, ông chia làm 3 khu riêng: ao nuôi cá thương phẩm lớn nhất với diện tích 0,5ha đươc kè cứng bờ, xung quanh trồng cây xanh để lấy bóng mát. Một khu vực nuôi cá bố mẹ để nhân giống; khu vực bể ươm cá giống…

Giai đoạn đầu những năm 2000, ông Toàn đã đầu tư hệ thống máy bơm oxy để chống ngạt cho cá, hệ thống máy bơm công suất lớn để thau rửa, vệ sinh ao nuôi… Bằng những kinh nghiệm học được bên Thái Lan, ông Toàn chỉ nuôi duy nhất loại cá rô đơn tính. Mỗi vụ thu hoạch, ao của ông cho sản lượng gần 30 tấn cá thương phẩm.

Khu vực chuồng chăn nuôi, ông Toàn xây dựng mé bên kia ao trồng cây xanh để lấy bóng mát che nắng. Dãy chuồng chạy dài cả trăm mét, được ngăn và phân chia thành các khu vực nuôi thả tập trung, có hệ thống xử lý nước thải bài bản đồng thời quay vòng, sử dụng phế phẩm chăn nuôi để làm phân bón vườn cây ăn quả rộng hơn 5.700m2.

Dãy chuồng trại nuôi lợn bỏ không của ông Toàn. Ảnh: Kiên Trung.

Dãy chuồng trại nuôi lợn bỏ không của ông Toàn. Ảnh: Kiên Trung.

Thời kỳ cao điểm, trang trại của ông Toàn có trên 10 lao động ăn nghỉ tại chỗ. Một khí thế “đua nhau làm trang trại” giữa các chủ hộ cùng trúng thầu đất dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Quan đẩy lên thành phong trào. Hộ các ông Đàm Ngọc Hân, Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khôi, Đàm Văn Lụa cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau sản xuất.

Sinh năm 1947, là người gốc địa phương, ông Lụa chia sẻ: “Thời kỳ đầu những năm 2000, khu vực đất chúng tôi đấu thầu còn là thùng vũng, rất xấu, phải bỏ không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư cải tạo mới có mặt bằng hiện trạng như hiện nay.

Để hình thành khu ao nuôi thủy sản nước ngọt, các hộ dân phải thuê máy múc ròng rã hàng tháng trời, công máy tính theo giờ, vài trăm ngàn đồng/tiếng. Ngoài ra, mỗi hộ phải đầu tư cả chục vạn gạch để bờ ao. Những năm đầu 2000, bỏ số tiền cả tỷ bạc để xây dựng vườn ao chuồng, đó là số tiền rất lớn”.

Tuy nhiên, với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc, các trang trại của các ông đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, và các hộ dân đều thành công. Lợi nhuận thu được từ năm trước, năm sau lại trở thành vốn tái đầu tư, mở rộng.

Trang trại của hộ gia đình ông Đỗ Thanh Tùng (SN 1975) cũng tập trung chăn nuôi lợn thịt và ao nuôi cá, ngoài ra trồng hoa cây cảnh. Mỗi lứa lợn xuất chuồng, ông Tùng bán vài chục tấn lợn hơi, thu vài chục tấn cả… Cơ ngơi của các chủ trang trại nói trên một thời lừng lẫy nhất đất Văn Giang.

Ao cá rộng 5.000m2 nuôi cá rô đơn tính, ông Toàn sang tận Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm, bây giờ cũng bỏ không, thành vườn ươm cây giống. Ảnh: K.Trung.

Ao cá rộng 5.000m2 nuôi cá rô đơn tính, ông Toàn sang tận Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm, bây giờ cũng bỏ không, thành vườn ươm cây giống. Ảnh: K.Trung.

Lấp ao… làm vườn

Thời điểm hiện tại, cả 5 chủ trang trại nói trên đều chung thực trạng: chuồng trại bỏ hoang không dám chăn thả, ao hồ cũng tháo cạn nước, đổ đất trồng tạm cây ngắn ngày, trồng hoa cây cảnh.

Khu ao nuôi cá rô phi đơn tính trước kia, ông Nguyễn Văn Toàn rút cạn nước, xới xáo lớp bùn đáy ao để trồng ươm cây hoa ngắn ngày. Khu vực bể nuôi cá bố mẹ, bể ương cá giống, ông cũng cho đổ đất, trồng cây giống. 4 năm qua, cả 5 hộ đều chưa được tái ký hợp đồng thuê đất nên không hộ nào dám đầu tư.

Nhưng, nghịch lý ở chỗ, tiền đầu tư xây dựng chuồng trại, cải tạo vườn cây, ao cá… từ năm 2004 cho tới nay, mỗi hộ bỏ ra nhiều tỷ đồng. Không được tái ký thuê đất đồng nghĩa với việc đang sử dụng đất trái phép, không dám đầu tư chăn thả. Còn bỏ không chuồng trại vừa lãng phí, vừa hư hỏng, xuống cấp… Trong khi đó, chính quyền không có phương án dứt điểm cho người dân.

Một 'góc ao' ngày xưa, giờ đang bị bỏ hoang, tháo cạn nước. Ảnh: Kiên Trung.

Một "góc ao" ngày xưa, giờ đang bị bỏ hoang, tháo cạn nước. Ảnh: Kiên Trung.

Bên dãy chuồng nuôi lợn bỏ không, các rào sắt dùng ngăn cách, phân chia các ô chuồng trước kia bây giờ bị tháo dỡ, vứt chỏng chơ, chồng đống một góc…, ông Toàn thở dài: “Chỗ anh đứng, trước đây lúc nào cũng có 200 đầu lợn nuôi thịt. Chúng tôi tận dụng, hình thành vòng tuần hoàn khép kín, lấy phụ phẩm chăn nuôi làm phân bón cho trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn nuôi cá, nuôi bò…, vừa kinh tế, không vứt đi đâu cái gì, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Giờ nhìn chuồng trại, ao cá phơi mưa phơi nắng, xót xa quá”.

Theo hướng tay ông Toàn chỉ, khu vực bờ kè bốn xung quanh ao đang bị xói mòn vì ao để khô cạn đáy, mưa lớn thành dòng chảy mạnh, xối đất từ trên xuống, xô lệch cả bờ kè. Tuy nhiên, ông vẫn để nguyên hệ thống đường ống dẫn nước, các vị trí bơm chờ… xung quanh ao với hy vọng tới đây khi được tái ký hợp đồng thuê đất, sẽ cải tạo để nuôi cá trở lại.

Chưa cần số liệu kiểm đếm, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, những thiệt hại về kinh tế do chuồng trại bỏ không suốt thời gian qua đối với các hộ dân là vô cùng lớn, đồng thời lãng phí tài nguyên, nguồn lực đất đai.

Ông Nguyễn Văn Toàn và các hộ dân chia sẻ những khó khăn, bất cập khi chưa được UBND xã Xuân Quan cho phương án xử lý dứt điểm việc thuê, thầu lại đất nông nghiệp làm trang trại. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Văn Toàn và các hộ dân chia sẻ những khó khăn, bất cập khi chưa được UBND xã Xuân Quan cho phương án xử lý dứt điểm việc thuê, thầu lại đất nông nghiệp làm trang trại. Ảnh: Kiên Trung.

Cho rằng thông báo yêu cầu di dời tài sản, vật nuôi do ông Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn ký ban hành vào ngày 30/8/2021 gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như thời điểm hiện tại, 5 chủ hộ trang trại nói trên cùng gửi đơn tố cáo ông Đôn tới lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Giang.

Theo các hộ dân, họ đã lập dự án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình trang trại, được UBND huyện phê duyệt, tham gia đấu thầu thuê đất nông nghiệp để canh tác và sử dụng ổn định từ 2004 tới nay, đã 2 lần tái ký hợp đồng thuê đất, sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm hợp đồng đã được xác lập và đủ điều kiện để tiếp tục thuê đất trong thời gian tiếp theo.

Xem thêm
Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).