| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp ở Unifarm: [Bài 1] Từ vùng đất nghèo đến mô hình nông nghiệp hiện đại

Thứ Hai 19/08/2024 , 08:00 (GMT+7)

Bình Dương Sau hơn 1 thập kỷ kiên trì đi tiên phong làm nông nghiệp hiện đại, đến nay, Unifarm đã thành công, không chỉ trong nước mà còn vươn mình ra thế giới.

Bắt đầu từ con số 0

Đến thăm khu nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), chúng tôi bị choáng ngợp bởi một màu xanh ngát của hàng chục ha chuối trải dài, cùng với đó là những thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất…

Năm 2009, Unifarm chính thức đi vào hoạt động với diện tích được giao hơn 411ha ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hồng Thủy.

Năm 2009, Unifarm chính thức đi vào hoạt động với diện tích được giao hơn 411ha ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hồng Thủy.

Trò chuyện với ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm, ông cho biết, để Unifarm đạt được thành công như ngày hôm nay, ông cùng các cộng sự đã trải qua những ngày tháng vô cùng gian khó, có thể nói là “ngậm đắng, nuốt cay”, nhưng với sự kiên trì, cố gắng theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao, hiện Unifarm đã gặt hái được những thành quả đáng kể.

Theo ông Liêm, vào năm 2008, khi tỉnh Bình Dương định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, Unifarm là đơn vị đầu tiên được tỉnh chọn làm mô hình điểm. Ông Liêm khi đó đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Bình Dương về ý tưởng, sự quyết tâm và những thành quả ban đầu.

Năm 2009, Unifarm chính thức đi vào hoạt động với diện tích được giao hơn 411ha ở xã An Thái, huyện Phú Giáo. Khi đó, nơi được giao dự án là vùng đất chỉ có gió và cỏ. Cơ sở hạ tầng, đường, điện, nước… cái gì cũng không có.

Một khó khăn không nhỏ nữa là thời điểm bắt đầu làm dự án, trong nước chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào hoạt động hiệu quả để tham khảo, học hỏi, Unifarm đã phải tự thân vận động.

Sau 12 năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích Khu Nông nghiệp An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho nông dân. Ảnh: Hồng Thủy.

Sau 12 năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích Khu Nông nghiệp An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho nông dân. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Liêm kể rằng, khi Unifarm mới thành lập, chỉ có 10 người gồm cả lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật. Thành viên của Unifarm đã phải chia nhau đi các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Đài Loan, Nhật Bản để học hỏi về nông nghiệp công nghệ cao. Unifarm sau đó thuê chuyên gia từ Israel và Philippines về tư vấn kỹ thuật.

Ban đầu, Unifarm chọn trồng các loại cây như ớt chuông, cà chua, dưa lưới, cà tím, măng tây. Đây đều là những cây mà Israel đã trồng cho năng suất và chất lượng hàng đầu thế giới. Khi Unifarm trồng các loại cây này, đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và sản phẩm của Unifarm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, trở thành đơn vị đầu tiên cả nước đạt tiêu chuẩn này.

Riêng cà chua, năng suất lên đến 100 tấn/ha, gấp 10 lần cách trồng truyền thống. Tuy nhiên, do quá chú trọng đến năng suất, bỏ quên yêu cầu khắt khe về kích thước, trọng lượng nên cà chua không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Năm 2009, Unifarm mời ông Aviel đến khảo sát nông nghiệp tại Bình Dương. Nhận thấy cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại An Thái (huyện Phú Giáo), ông đã quyết định ở lại để xây dựng dự án nông nghiệp hiện đại đầu tiên tại đây. Ông đã dạy chúng tôi những kiến thức cơ bản về nông nghiệp, từ trồng trọt, bảo quản nông sản đến kỹ thuật dinh dưỡng và bảo vệ thực vật, đặc biệt chú trọng vào việc bảo vệ môi trường. Ông không chỉ yêu cầu nhân viên giữ gìn vệ sinh trong khu nông nghiệp mà còn vận động các hộ dân lân cận cùng tham gia. Sự nhiệt huyết của ông khiến tôi quyết tâm rèn luyện để trở thành một “Aviel Việt Nam”, giữ vững và lan tỏa đam mê nông nghiệp cho thế hệ sau”, ông Liêm kể.

Unifarm trở thành đơn vị phân phối chuối độc quyền cho Dole từ năm 2017. Ảnh: Hồng Thủy.

Unifarm trở thành đơn vị phân phối chuối độc quyền cho Dole từ năm 2017. Ảnh: Hồng Thủy.

Đến nay, sau 12 năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích Khu Nông nghiệp An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho nông dân.

Cụ thể như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho doanh thu hơn 2 tỉ đồng/ha/năm hay mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm…

Sau Khu Nông nghiệp An Thái, Unifarm mở dự án trồng chuối xuất khẩu có quy mô hơn 1.300ha tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. Unifarm cũng đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhiều đối tượng khác, từ những nông dân sản xuất quy mô nhỏ đến các công ty lớn với quy mô trang trại lên đến vài ngàn ha tại Việt Nam.

Sánh vai với “ông lớn” ngành chuối

Nhờ tư duy hiện đại và tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, giữa tháng 7/2017, Tập đoàn Dole chọn Unifarm là đối tác độc quyền tại Việt Nam. Cụ thể, Unifarm sẽ là nhà cung ứng các sản phẩm cho Dole để xuất khẩu đến các thị trường khác. Còn tại Việt Nam, Unifarm trở thành đơn vị phân phối độc quyền cho Dole. Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ vì trong giới kinh doanh, Dole được xem là một thương hiệu toàn cầu về chuối.

Ông Liêm chia sẻ, Dole thuộc nhóm công ty lớn nhất thế giới về chuối. Khi bắt tay với Dole, Unifarm được bảo đảm sản phẩm làm ra đúng chuẩn sẽ được tiêu thụ hết.

“Việc hợp tác giữa Dole và Unifarm xuất phát từ việc cả hai bên hiểu rõ các thế mạnh của nhau, có sự đồng cảm về tính nghiêm túc trong việc đầu tư, tính khốc liệt của thị trường và cam kết đeo đuổi ngành đã chọn để tạo ra những giá trị khác biệt”, ông Liêm nói.

Unifarm đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất chuối theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Phi.

Unifarm đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất chuối theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Phi.

Theo ông Liêm, chuối là loại quả dễ tổn thương bởi các yếu tố cơ học, dễ bị nấm bệnh tấn công, do đó, để bảo quản trái chuối trong khoảng thời gian 2 - 4 tuần từ lúc thu hoạch đến khi thị trường tiêu thụ (xuất khẩu), đòi hỏi toàn bộ khâu thu hoạch và sau thu hoạch phải được kiểm soát chặt chẽ trong môi trường thật sạch sẽ với điều kiện bảo quản (nhiệt độ, ẩm độ) phù hợp.

Ví dụ theo tiêu chuẩn quốc tế mà Unifarm đang tuân thủ, một nải chuối được gọi là đẹp phải từ 12 quả trở lên, chiều dài quả từ 25cm, đường kính từ 38 - 47mm, bề mặt quả hoàn toàn không được có vết trầy xước do cơ học hay vết chích hút do côn trùng.

Ông Liêm cho biết: "Chúng tôi phải xây dựng hệ thống quản lý để xác định thời điểm thu hoạch khác nhau của 400.000 cây trong 8 - 12 tuần trên diện tích 200ha". Ông nhấn mạnh rằng không nhiều trang trại có thể thực hiện khâu trồng trọt theo tiêu chuẩn này và công đoạn phức tạp hơn nằm ở phía sau thu hoạch, bao gồm sơ chế và bảo quản.

Đây cũng chính là khâu yếu nhất của những vùng trồng chuối truyền thống hiện nay, dẫn đến chuối không đạt phẩm chất và hư hỏng, gây ra tình trạng "giải cứu chuối" ở nhiều địa phương. Ngược lại, tại Unifarm, chuối tiêu thụ tốt nhờ toàn bộ quy trình trồng trọt, bón phân, bảo vệ thực vật và sơ chế được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hiện đại và tiêu chuẩn GlobalGAP.

“Sau nhiều năm hợp tác với Dole, Unifarm đã trở thành đối tác cung cấp chuối độc quyền cho họ ở các thị trường khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại thị trường nội địa, chuối của Unifarm đã khẳng định vị thế riêng, mang thương hiệu của Việt Nam thay vì thương hiệu Dole”, ông Liêm khẳng định.

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười ba: Câu chuyện cây đu đủ

Cây đu đủ, như bao loại cây khác trong thiên nhiên, có thể trở thành một nguồn tài nguyên vô tận cho những bạn trẻ khởi nghiệp khai thác.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Ấn Độ giám sát hoạt động khai thác IUU bằng máy bay không người lái

Maharashtra trở thành bang đầu tiên ở Ấn Độ sử dụng máy bay không người lái để thực thi các quy định liên quan đến luật biển.