| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ xuất khẩu rau quả: [Bài 5] Unifarm dựng nhà cho cây chuối

Thứ Hai 05/08/2024 , 07:30 (GMT+7)

Là đơn vị đầu tiên đưa chuối xuất ngoại nhưng Unifarm không nhận là 'vua chuối' bởi trong thị trường mở, chất lượng là thước đo.

Dẫn đầu công nghệ

Nếu Bình Dương là vùng đất của nông nghiệp công nghệ cao, thì Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này.

Hệ thống nhà kính sản xuất chuối hữu cơ công nghệ cao tại Unifarm. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống nhà kính sản xuất chuối hữu cơ công nghệ cao tại Unifarm. Ảnh: Trần Trung.

Unifarm ra đời cách đây gần 15 năm. Thời điểm ấy, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ. Khi doanh nghiệp ra mắt mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, ai cũng trầm trồ thán phục. Dù đã qua thời hoàng kim, nhưng khi nhắc đến loại quả này là người ta nghĩ ngay đến Unifarm.

Cùng với quả dưa lưới, chuối cũng là một trong những mặt hàng chủ lực của công ty này với diện tích canh tác lên đến hàng trăm hecta. Với chất lượng mang tầm quốc tế, thương hiệu chuối Unifarm đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng tại các thị trường khó tính. Đồng thời, gây tiếng vang lớn, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu chuối như Philippines, Panama…

Không phải ngẫu nhiên những quả chuối mang thương hiệu Việt lại được quốc tế chấp nhận. Đằng sau những quả chuối chất lượng, đều tăm tắp là công sức của những công nhân với sự trợ lực của công nghệ cao.

Anh Phan Minh Tiệp phấn khởi khi giới thiệu thành quả trồng chuối trong nhà kính. Ảnh: Trần Trung.

Anh Phan Minh Tiệp phấn khởi khi giới thiệu thành quả trồng chuối trong nhà kính. Ảnh: Trần Trung.

Đến Unifarm, ai cũng lạ lẫm với hình ảnh chuối “bay” trên các ròng rọc chạy quanh trang trại để đưa hàng trăm tấn chuối căng tròn từ khu trồng trọt về khu vực sơ chế. Và, doanh nghiệp này đang phát triển một dự án táo bạo hơn, đó là trồng chuối trong nhà kính theo hướng kinh tế xanh tuần hoàn. Mô hình chưa từng có tiền lệ, bởi ai cũng nghĩ chuối là cây trồng dễ tính.

Theo chân kỹ sư Phan Minh Tiệp - Phó Giám đốc Chi nhánh Phú Giáo (Unifarm) thăm nhà kính rộng khoảng 2.000m2, chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những hàng chuối thẳng tắp, thân cây vạm vỡ cao chót vót, buồng chuối từ 12-15 nải căng tròn chờ được thu hoạch.

Anh Tiệp chia sẻ, đối với giống chuối già Nam Mỹ xuất khẩu, bình quân mỗi hecta cần tới hơn 60m3 nước mỗi ngày và phải tưới liên tục trong vòng 6 tháng mùa khô để duy trì độ ẩm ổn định. Bên cạnh đó, giống chuối này rất mẫn cảm các bệnh do nấm, công tác bảo vệ thực vật rất khó khăn. Để chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi quá trình sản xuất cực kỳ khắt khe.

Mô hình trồng chuối trong nhà kính độc nhất vô nhị của Unifarm... Ảnh: Trần Trung.

Mô hình trồng chuối trong nhà kính độc nhất vô nhị của Unifarm... Ảnh: Trần Trung.

“Mặc dù Unifarm đã định hướng sản xuất hữu cơ từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, đầu năm 2023, đơn vị mới bắt đầu làm đại trà cho khoảng 20ha trong nhà kính. Kết quả cho thấy, cây chuối đã phát huy hết tính năng ưu việt của giống và cho ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp nhờ tránh được mưa, duy trì độ ẩm ổn định, hạn chế sâu bệnh, côn trùng, nấm gây hại giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Cùng với hệ thống nhà kính, việc tưới bằng công nghệ thông minh vừa tiết kiệm, vừa chủ động. Quá trình quản lý cây chuối dựa trên dữ liệu số giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc và sản xuất”, anh Tiệp chia sẻ.

Unifamr còn dành 1ha nhà kính để áp dụng các giải pháp kinh tế xanh tuần hoàn như nuôi trùn quế nhằm giúp cân bằng hệ sinh thái, tối ưu hóa chi phí trong quá trình sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Đặc biệt, khu này còn thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo để tận dụng các phế phụ phẩm sẵn có trong vườn kết hợp chế phẩm sinh học để ủ phân compost, chiết tách enzym chuối,… tạo ra sản phẩm chuối hữu cơ.

Nhiều giải pháp sáng tạo Unifarm ứng dụng để ủ phân compost, chiết tách enzym chuối đáp ứng sản xuất xanh, tuần hoàn khép kín. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều giải pháp sáng tạo Unifarm ứng dụng để ủ phân compost, chiết tách enzym chuối đáp ứng sản xuất xanh, tuần hoàn khép kín. Ảnh: Trần Trung.

Sẵn sàng san sẻ kinh nghiệm

Trải qua 14 năm học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Israel, Mỹ, Nhật Bản,... Nhưng chủ trương của Unifarm là "không giấu công nghệ" để được đồng hành cùng người dân gia tăng giá trị quả chuối Việt Nam.

Những buồng chuối được Unifarm tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi đưa về khu sơ chế. Ảnh: Trần Trung.

Những buồng chuối được Unifarm tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi đưa về khu sơ chế. Ảnh: Trần Trung.

Minh chứng, hiện Unifarm có gần 30 cá nhân, đơn vị, các trang trại cùng liên kết hợp tác. Công ty hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Unifarm đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động địa phương và các tỉnh, thành khác. Hầu hết người nông dân đến trang trại qua quá trình “đào tạo lại” đều thích ứng với môi trường, phong cách làm việc mới. Từ đó, họ sẽ trở thành những “nông dân công nghệ” cho công ty hoặc trở về đóng góp cho địa phương.

Theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm, dưa lưới do Unifarm trồng từ năm 2010 đã góp phần đánh bật dưa lưới Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam, khẳng định giá trị của nông sản Việt Nam. Các sản phẩm chuối của Unifarm cũng đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc và Nhật Bản, với giá ngang bằng với chuối nhập từ các quốc gia có truyền thống trồng chuối lâu đời như Ecuador và Philippines.

Với phẩm chất vượt trội, chuối Unifarm cạnh tranh song phẳng với các quốc gia hàng đầu về chuối trên thế giới như Philippines, Panama... Ảnh: Trần Trung.

Với phẩm chất vượt trội, chuối Unifarm cạnh tranh song phẳng với các quốc gia hàng đầu về chuối trên thế giới như Philippines, Panama... Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Quốc Liêm chỉ ra rằng, người nông dân Việt Nam có khả năng tạo ra nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường một số nước. Tuy nhiên, nông nghiệp trong nước chưa thể phát huy và mang lại giá trị cao cho người nông dân bởi từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến vận chuyển khiến sản phẩm chưa đạt yêu cầu hoặc chi phí gia tăng khiến lợi nhuận đến tay người dân rất thấp.

“Unifarm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các ngành chức năng chia sẻ kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác, chuyển giao kỹ thuật để người dân thật sự nhận được những giá trị xứng đáng”, ông Liêm chia sẻ.

Trước đây, khu vực sản xuất chuối của công ty là đất phủ màu trắng của cát và chỉ có cỏ và gió. Tuy nhiên, với những nổ lực không ngừng nghỉ, nơi đây đã lột xác với những cánh đồng chuối bạt ngàn. Sự thay đổi mà Unifarm muốn tạo ra không chỉ là chất lượng của những quả chuối mà còn là sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Ngoài cơ hội về việc làm, họ còn được khai mở những giá trị khác, tiếp cận một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm (giữa) san sẻ kinh nghiệm sản xuất với các đối tác, nhà khoa học khi đến thăm công ty. Ảnh: Trần Trung.

Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm (giữa) san sẻ kinh nghiệm sản xuất với các đối tác, nhà khoa học khi đến thăm công ty. Ảnh: Trần Trung.

“Unifarm làm nông nghiệp không phải để thay thế vai trò của người nông dân, mà để xây dựng những mô hình tốt về nông nghiệp với cả chuỗi giá trị khép kín từ khâu chọn lựa sản phẩm, công nghệ, sản xuất đến việc tổ chức logistics, khai thác thị trường… để sản phẩm có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào đang sản xuất sản phẩm cùng loại. Với cách làm hiện nay của mình, tôi tin tương lai ấy đang đến rất gần”, ông Liêm phấn khởi nói.

Chuối là loại cây trồng chiếm 19% diện tích cây ăn quả của Việt Nam, sản lượng ước đạt 2 triệu tấn/năm và nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn (dự kiến đạt 300 triệu USD trong năm nay). Theo các chuyên gia, để xuất khẩu chuối thành công hơn nữa thì cần thêm nhiều nỗ lực của các đơn vị sản xuất. Nếu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, thì dù thị trường có khó khăn, các nhà nhập khẩu vẫn tìm đến.

Xem thêm
Nâng cao sức đề kháng vật nuôi sau bão lũ

Cần coi việc xử lý môi trường chăn nuôi và nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi có tính cấp bách không kém gì công tác phòng chống bão lũ.

Bao vây dịch tả lợn Châu Phi ở miền núi

QUẢNG BÌNH Huyện miền núi Tuyên Hóa triển khai các giải pháp để bao vây, ngăn chặn có hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất