| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về phục hồi kinh tế

Thứ Tư 28/04/2021 , 10:17 (GMT+7)

Trong một báo cáo do Food Industry Asia thực hiện, ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam được đánh giá là đứng thứ 2 khu vực về kỳ vọng phục hồi kinh tế.

Ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam được đánh giá là đứng thứ 2 Đông Nam Á về kỳ vọng phục hồi kinh tế. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam được đánh giá là đứng thứ 2 Đông Nam Á về kỳ vọng phục hồi kinh tế. Ảnh: Thanh Sơn.

Để hiểu rõ hơn về những thách thức và tác động kinh tế mà ngành nông nghiệp, thực phẩm phải đối mặt vào năm 2020, Food Industry Asia (FIA) đã thực hiện báo cáo “Tác động kinh tế của ngành nông nghiệp thực phẩm tại Đông Nam Á”.

Báo cáo cho rằng ngành nông nghiệp, thực phẩm đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế Đông Nam Á, tạo việc làm cũng như đưa thực phẩm lên bàn ăn với mức giá ổn định.

Theo báo cáo Ma trận phục hồi kinh tế (Economic Recovery Matrix), Việt Nam xếp thứ 2 trên 10 quốc gia ở Đông Nam Á về kỳ vọng phục hồi kinh tế ngành nông nghiệp, thực phẩm với số điểm 6,6/10, chỉ sau Singapore.

Có được vị trí trên, một phần là vì Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan virus Covid-19 tương đối sớm, qua đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, đạt mức tăng trưởng 4% vào năm 2020, tương đương với việc đóng góp thêm 3,7 tỷ USD vào GDP toàn quốc.

Trước đại dịch, ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Cụ thể, ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP trong năm 2019. Hiện ngành này cũng đang cung cấp 27,5 triệu việc làm, chiếm một nửa lực lượng lao động trên cả nước và là nguồn tạo việc làm quan trọng nhất trong nền kinh tế.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp, thực phẩm cũng đóng góp tổng cộng 13,2 tỷ USD vào thu nhập thuế của Việt Nam.

Kết quả này có được chủ yếu là nhờ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đóng góp hơn 55,3 tỷ USD vào GDP, chiếm gần 2/3 thu nhập của toàn ngành nông nghiệp, thực phẩm. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp, thực phẩm cũng đã bắt đầu đa dạng hóa hơn trong bối cảnh sản xuất và phân phối thực phẩm và đồ uống đều đạt mức tăng trưởng hai con số từ năm 2015 đến năm 2019.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), cho biết, ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu tuyệt vời trước những thách thức của đại dịch. Tuy nhiên, sự lây lan của đại dịch Covid-19, rủi ro cung cầu và tài khóa có thể làm gián đoạn tăng trưởng của Việt Nam.

Bà Mary Tarnowka chia sẻ “Đại dịch đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các ngành nghề bao gồm nông nghiệp, thực phẩm. Tuy nhiên, với vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia, ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu cao với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua.

Khủng hoảng cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp thực phẩm góp phần nâng nền kinh tế Việt Nam lên tầm cao mới, thúc đẩy an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững, đồng thời tiếp tục là nguồn cung cho hơn một nửa lực lượng lao động của cả nước.

Chúng ta nên tiếp tục đa dạng hóa ngành nông nghiệp thực phẩm như trước đại dịch bằng cách nâng cao năng lực nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong công nghệ nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ”.

Ông Matt Kovac, Giám đốc Điều hành FIA cho rằng cần phải hiểu bối cảnh rủi ro hiện tại và trong tương lai để đón đầu cơ hội cho ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam.

Ông chia sẻ “Báo cáo cũng nhấn mạnh một loạt thách thức lớn trong cả ngắn hạn và dài hạn mà ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam phải đối mặt, và điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải nhận ra và giải quyết những thách thức, đặc biệt với quy mô của ngành này trong việc đóng góp tạo việc làm và tăng trưởng GDP tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế năm 2021 được dự báo với nhiều khó khăn, chính phủ Việt Nam cần phải lưu tâm đến điểm này khi đưa ra bất kỳ chính sách nào có thể tác động đến ngành”.

Ông James Lambert, Giám đốc Cố vấn Kinh tế châu Á của Oxford Economics cho biết “Để Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành nông nghiệp, thực phẩm phát triển mạnh mẽ với các chính sách tài khóa được hoạch định, thiết kế và truyền đạt một cách cẩn thận. Do đó, ngành nông nghiệp thực phẩm có thể tiếp tục duy trì những lợi ích kinh tế đã gặt hái trong những thập kỷ vừa qua”.

Báo cáo khuyến nghị rằng để xây dựng thành công các phản ứng tài khóa mà không kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp thực phẩm, chính phủ Việt Nam cần đáp ứng ba điều kiện: định hướng tác động đến hành vi; ưu tiên các quy định tiêu chuẩn hơn là thuế; và liên tục đối thoại với ngành.

  • Tags:
Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.