| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Thanh Hóa nâng tầm giá trị Việt

Thứ Năm 09/11/2023 , 16:21 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mong muốn Thanh Hóa sẽ trở thành điển hình của cả nước về sản xuất nông nghiệp nói chung, sản phẩm nông sản nói riêng.

Nâng tầm nông sản Thanh Hóa trên thị trường

Sáng 9/11, UBND Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2023. Chương trình diễn ra trong 5 ngày (từ 09/11-13/11), tại quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa với quy mô 200 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh.

Các gian hàng của các địa phương trong tỉnh tham gia triển lãm lần này đã lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng để giới thiệu đến các đối tác, khách hàng, qua đó tranh thủ quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông sản thực phẩm. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (phải) tham quan các gian hàng nông sản tại triển lãm. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (phải) tham quan các gian hàng nông sản tại triển lãm. 

Tại Hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hóa cho biết, đây là hoạt động được tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, với mục tiêu chính là thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh; hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Thanh Hóa, những thành tựu về phát triển nông nghiệp của tỉnh đã đạt được trong những năm qua với các tỉnh bạn.

“Công tác kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm tiếp tục đóng góp quan trọng vào tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp, là cầu nối đặc biệt để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hiệu quả hoạt động của ngành và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. 

Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 là nội dung quan trọng để thực hiện chủ trương khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025”, ông Lê Đức Giang nhấn mạnh.

Sản phẩm nông sản của huyện Bá Thước tham gia triển lãm nông sản. 

Sản phẩm nông sản của huyện Bá Thước tham gia triển lãm nông sản. 

Năm 2023, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Ngành nông nghiệp tiếp tục góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế chung của cả tỉnh. Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 414 sản phẩm OCOP, duy trì trong tốp 3 của cả nước, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 357 sản phẩm 3 sao.

Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò tham mưu và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi cung - cầu nông sản thực phẩm, phát triển thị trường và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Năm 2023, toàn tỉnh xây dựng 112 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp hơn 571 nghìn tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu cho nhân dân. Toàn tỉnh có 338 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm; 19 siêu thị tổng hợp và 122 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các xã, thị trấn thực hiện thí điểm an toàn thực phẩm và các khu vực đông dân cư.

Đến nay, sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP Thanh Hóa đã kết nối tiêu thụ ở trên 30 tỉnh, thành phố.

Toàn tỉnh có hơn 340 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, với trên 500 sản phẩm, sản lượng tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử chiếm 25 - 30 % sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 36 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tinh bột sắn, dưa chuột đóng hộp, dứa đóng hộp, bột cá, ngao đông lạnh, chả cá surimi…

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm nông sản thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý còn rất ít; việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện tại, toàn tỉnh mới có khoảng 30% sản phẩm được phân phối thông qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, còn lại được phân phối tới người tiêu dùng chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm, nông sản nhỏ lẻ. Người sản xuất vẫn còn bị động trong sản xuất, thiếu thông tin thị trường, chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Nông nghiệp Thanh Hóa phải là hình mẫu

Sau khi tham quan các gian hàng tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng ĐứcTiến đánh giá cao đóng góp của các sản phẩm nông sản của tỉnh Thanh Hóa đối với sự phát triển các ngành hàng trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Thứ trưởng cũng bày tỏ ấn tượng về chất lượng, mẫu mã các mặt hàng nông sản của Thanh Hóa và các địa phương khác tham gia triển lãm. Thứ trưởng mong muốn các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung, sản phẩm nông sản tại Thanh Hóa nói riêng trở thành hình mẫu để các tỉnh trong vùng và cả nước học tập.  

Đánh giá về sự chuyển biến của ngành nông nghiệp Thanh Hóa thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Thành tựu của ngành nông nghiệp thời gian qua có đóng góp rất quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản của Thanh Hóa. Nền nông nghiệp Thanh Hóa đang có sự chuyển mình từ nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, sang nền nông nghiệp hàng hóa, đa giá trị. Thanh Hóa đã xây dựng được hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng về cây trồng vật nuôi, phong phú về sản phẩm. Thanh Hóa cũng là một trong số ít các địa phương tiên phong và đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trên cả nước".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2023. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2023. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần dành nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Phổ biến các quy định pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản; rà soát toàn diện các cơ sản xuất thực phẩm; tổ chức sản xuất tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương;l. Phát triển thị trường nông sản trong tình hình mới theo hướng sản xuất nông sản an toàn, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Thực hiện tốt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn nông sản Thanh Hóa sẽ trở thành điển hình của cả nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn nông sản Thanh Hóa sẽ trở thành điển hình của cả nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân. Phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu các đơn vị tham gia ký kết hợp đồng cung ứng và đơn vị tiêu thụ nông sản tuân thủ đầy đủ các nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng; tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.