Không bỏ lỡ thời cơ
Nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa cho rằng, nếu không tận dụng được lợi ích từ sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp và người nông dân sẽ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng và tiêu thụ sản phẩm ổn định, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Lê Gia (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) cho hay, hiện đơn vị có sản phẩm mắm tôm đạt OCOP 5 sao Quốc gia và nước mắm, mắm tép là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Thực tế, trong những năm qua, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, thông qua sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng online, Công ty TNHH Lê Gia (Lê Gia) đã thương thảo và đưa nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nga, Hàn Quốc...
Ông Lê Anh cho rằng, nền tảng số đã có, nếu doanh nghiệp không tận dụng lợi ích từ việc quảng bá, bán hàng online thông quan các sàn thương mại điện tử như hiện nay sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Chính vì thế, thông qua các app của đối tác, trên các sàn thương mại điện tử, Lê Gia đã xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh và tiếp cận với khách hàng. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phương thức bán hàng online thông qua các sàn thương mại điện tử lại càng cho thấy hiệu quả.
Hiện nay, 30% sản phẩm của Lê Gia được tiêu thụ qua kênh online, số còn lại bán qua kênh truyền thống. Tuy tỉ trọng đóng góp qua kênh online hiện chưa cao, song đang không ngừng tăng và ngày càng cho thấy vai trò quan trọng. Đây là xu thế tất yếu, tiếp sức cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản.
“Thông qua sàn thương mại điện tử, mình hiểu hành vi, nhu cầu của khách hàng. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bán hàng online đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Dịch Covid-19 đã tạo ra thói quen mới trong mua sắm thực phẩm, khách hàng thích ở nhà đặt hàng, nhận hàng và giảm thời gian đi mua hàng ngoài chợ hay siêu thị. Doanh nghiệp phải thích nghi dần với hành vi tiêu dùng này và không ngừng đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên nền tảng số. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp non trẻ như Lê Gia, việc xây dựng hệ thống cửa hàng phân phối đang còn khó khăn phải dựa vào xu hướng bán hàng online cũng là điều dễ hiểu”, ông Lê Anh phân tích.
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Kinh doanh Công ty Nông sản Công nghệ cao Thiên Trường 36 (Công ty Thiên Trường 36) cũng cho rằng, đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Hiện Công ty Thiên Trường 36 có 2 sản phẩm OCOP 3 sao dưa kim hoàng hậu và dưa chuột babi với tổng sản lượng khoảng 100 tấn/năm.
Từ hơn 1 năm nay, các mặt hàng nông sản của Thiên Trường 36 đã đưa lên sàn nongsanantoanthanhhoa.com.vn và một số trang bán hàng oline của các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bà Tiên cho hay, hiện công ty liên kết với một số đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ nên sản lượng rất lớn. Việc quảng bá, bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử là yếu tố rất quan trọng để quảng bá và tăng doanh thu bán hàng. Chính nhờ tham gia sàn thương mại điện tử, toàn bộ sản lượng nông sản của Thiên trường 36 đều được các đối tác tìm đến đặt hàng.
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đều thừa nhận, các sàn thương mại điện tử bán nông sản đang ngày càng sôi động nhưng hiện cũng chỉ chiếm 20-30% doanh số bán hàng và chủ yếu là đối tượng khách hàng lẻ. Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu, đặc biệt là trong việc quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Vì vậy, bên cạnh chọn phương thức bán hàng truyền thống, các doanh nghiệp và bà con nông dân cần mạnh dạn tham gia các sàn thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh có 120 sản phẩm OCOP của 64 xã, phường, thị trấn, với 77 chủ thể. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 30 sản phẩm 4 sao, 89 sản phẩm 3 sao.
Xây dựng được sản phẩm OCOP đã khó nhưng để sản phẩm được quảng bá rộng rãi, tiêu thụ với sản lượng ổn định càng khó khăn hơn. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa vừa nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP vừa triển khai nhiều phương án giúp doanh nghiệp và nhà nông tiêu thụ nông sản.
Trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, việc triển khai các hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua trang thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho sản phẩm lưu thông với doanh số ổn định.
Trước tình hình tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đây được xem là là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn.
Ông Phan Xuân Hùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, các sản phẩm OCOP, dù đã khẳng định được thương hiệu nhưng khi đã sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn nhưng khó tiêu thụ sẽ khiến các chủ thể chán nản và sẽ không phát triển như kỳ vọng. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân và các doanh nghiệp đưa hàng hóa của mình lên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài việc các chủ thể chủ động tự tìm trang để bán sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử với tên miền: www.langnghethanhhoa.vn. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cũng xây dựng website Chương trình OCOP với tên miền: ocoptinhthanhhoa.com.vn để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.
Để nâng cao năng lực trong việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, hàng năm Văn phòng phối hợp với các địa phương đều tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho các chủ thể OCOP. Trong các đợt tập huấn này, đại diện các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki đã được mời về để trao đổi, hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn thuận tiện nhất.
Giai đoạn 2021 - 2025, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại. Đối với các sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để đăng tải và duy trì sản phẩm trên trang thương mại điện tử có thu phí.