| Hotline: 0983.970.780

Nức tiếng vịt suối Tân Sơn

Thứ Năm 27/06/2024 , 08:08 (GMT+7)

Tôi gốc Vân Đình, từ nhỏ đã biết chế biến các món từ vịt cỏ, lớn lên đi khắp nơi, ăn nhiều loại vịt nhưng vịt suối Tân Sơn vẫn ở một đẳng cấp khác.

Thịt vịt da vàng rộm như gà ta

Dòng sông Bứa hung dữ chảy từ Sơn La về qua xóm Ú, xã Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) bỗng hiền hòa trở lại. Trên bờ, những cây cổ thụ tỏa bóng mát, bên dưới, một dòng nước mát bát ngát trôi.

Không gì thích thú bằng một buổi chiều hè nóng nực được dầm mình dưới dòng nước mát ở đầu xóm Ú, chỗ ấy bà con không thả vịt mà chỉ dành riêng để tắm. Tôi vừa bơi ngửa chầm chậm vừa lặng ngắm mây trời. Lúc này đoạn dưới xóm lũ vịt đàn nào đàn nấy đã tự về nhà hết. Sông Bứa trở lại là một dòng xanh trong, văng vẳng tiếng nói cười.

Tắm táp xong trở về nhà, ông Hoàng Văn Nhường mâm bát đã sẵn sàng. Tôi gắp miếng thịt vịt với lớp da vàng như da gà, màu thịt sẫm như thịt trâu, ngọt và thơm nức đưa lên miệng mà thấy cảm động không phải chỉ bởi nó quá ngon mà còn bởi cái tình của người dân xứ Mường nơi đây thật đậm đà, dung dị. Đàn vịt suối nhà ông Nhường có 6 con vốn để làm giống, chúng vừa đẻ quả đầu tiên của lứa thứ hai gia chủ đã bắt 1 con để làm thịt đãi tôi.

Xóm Ú có 157 hộ chừng 80% nuôi vịt suối, nhà nuôi đẻ, nhà nuôi thịt, ít mươi con để cải thiện bữa ăn, nhiều hàng trăm con để vừa ăn, vừa bán. Trong các lễ tết của người Mường nơi đây không thể thiếu được thịt vịt suối như Tết 3 tháng 3, Tết 2 tháng 9, cúng mùa màng 7 tháng 7.

Thả vịt suối trên sông Bứa chảy qua xóm Ú, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thả vịt suối trên sông Bứa chảy qua xóm Ú, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng theo phong tục, thịt vịt không được bày lên ban thờ mà chỉ bày thịt gà, thịt lợn. Dịp Tất niên cánh thanh niên trong xóm còn tổ chức nướng vịt suối bên bờ sông Bứa, rượu say vui nhiều khi quên cả lối về.

Ông Nhường kể, xưa người già quan niệm tháng Hai, tháng Ba, mùa các thứ cây trên đồi ra hoa, nhất là cây mịn bung nở những đóa hồng hồng, nuôi vịt thường hay bị chết nên phải chờ đến tháng Sáu, tháng Bảy dân Mường quê mình mới ra chợ Lai Đồng mua giống vịt bầu đất về nuôi.

Giờ người ta nuôi vịt suối quanh năm. Khác với ngan hay gà, vịt phải thả ra suối mới chịu “đạp mái” chứ nuôi trong chuồng, cũng được trứng cho gà ấp nhưng không hề có trống. Cứ sáng ra, cho ăn xong là nhà nhà trong xóm lại thả vịt ra suối cho chúng tự mò ốc, mò rêu.

Dòng sông Bứa lúc này như được nhuộm đoạn đen, đoạn trắng vì màu của những đàn vịt. Chiều ăn no đẫy diều chúng lại đủng đỉnh tự tìm về nhà, đi trên đường xóm đều như duyệt binh…

Anh Hoàng Văn Đính thường xuyên nuôi 20-30 con vịt suối chỉ để cải thiện bữa ăn trong gia đình, giải thích: “Muốn nuôi nhiều phải có vốn vì vịt ăn rất nhiều, 1 con gà ăn 100.000 đồng tiền cám là xuất bán được, còn vịt phải mất 150.000 đồng tiền cám. Tôi được ăn vịt suối nhiều nơi ở huyện Tân Sơn này nhưng về độ ngọt đậm và thơm sâu không đâu bằng Thu Cúc".

Trong xã Thu Cúc có nhiều xóm cũng nuôi vịt suối nhưng không ngon bằng xóm Ú được vì suối của các xóm đó nhỏ, ít rong rêu, tôm tép. Chỉ cần mở nồi luộc là biết vịt suối xóm Ú rồi bởi mùi thơm, nước sánh mỡ như nước luộc gà, chứ vịt nuôi nhốt dù cho cả gừng lẫn sả vào mà vẫn có mùi hôi.

"Mỗi năm tôi nuôi 4 lứa vịt, lứa nào cũng gửi cho các con ăn cùng bởi nghĩ mình ăn gì gửi cho chúng thứ ấy, toàn là đồ sạch, rau trong vườn, gạo trên đồng, vịt trên suối. Đứa con đầu đi làm ở tận tỉnh Lai Châu, trên đó có vịt bản nhưng vẫn bảo bố gửi vịt suối quê mình lên. Bởi thế cứ mỗi lứa tôi lại đóng 3-5 con vịt suối vào lồng rồi gửi xe khách cho nó. Còn đứa thứ hai làm ở tỉnh Vĩnh Phúc thì hàng tháng đều về nhà, lần nào cũng bảo bố thịt vịt suối đi”, anh Dính tâm sự.

Vịt suối không phải là một giống loài riêng mà cứ nuôi thả suối, thả sông gọi chung là vịt suối. Vịt suối về hình thức có mỏ sạch và óng ả, không mùi hôi. Khi chế biến vịt suối có da vàng ruộm và thịt sẫm như thịt trâu, thơm ngon, ngọt đậm.

Ước mơ kiểm soát được dịch bệnh của nhóm chăn nuôi vịt suối khu Ú

Lúc tôi đến, chị Hoàng Thị Vui thuộc nhóm chăn nuôi vịt suối khu Ú đang thái thân cây chuối rồi trộn với cám để cho đàn vịt ngót trăm con ăn. Xong xuôi đâu đó, chị mới mở cửa để chúng túa ra dòng sông Bứa rồi rửa tay, vào nhà pha trà, mời khách. Chị bảo, mỗi ngày gia đình mình đều phải dành ra 2 tiếng cho đàn vịt, sáng 1 tiếng, chiều 1 tiếng để thái chuối, trộn thức ăn cho chúng rồi mới đi làm việc khác.

Năm ngoái, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 10 triệu đồng để Hội Phụ nữ xã Thu Cúc mua cho 4 hội viên xóm Ú mỗi người 200 con vịt bầu biển làm mô hình thả suối. Lúc nhỏ, chúng được nuôi bằng cám công nghiệp, được 15 ngày băm thân chuối trộn với cám gạo cho ăn, đến 35 ngày chuyển sang khẩu phần gồm bột ngô, cám gạo và bã bia. Sau 4 tháng vịt thả suối mới cho thu hoạch, không ngờ bầu biển lại hợp kiểu nuôi này đến thế.

Chị Hoàng Thị Vui cho đàn vịt suối ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hoàng Thị Vui cho đàn vịt suối ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Huyện Tân Sơn có nhiều xã có vịt suối như Lai Đồng, Long Cốc, Khả Cửu, Văn Miều, Võ Miếu, Minh Đài, Xuân Sơn... nhưng nơi suối nhỏ, nơi chỉ có ao, hồ, chứ hiếm nơi nào như Thu Cúc, lòng sông rộng, bãi sông lại thoai thoải. Bởi thế mà đàn vịt suối ở đây hết cắm cổ mò ốc, mò rêu lại thỏa sức bơi lội để dâng cho đời thứ thịt vịt danh bất hư truyền.

“Từ đó, nhóm chúng tôi đã tự mua giống vịt bầu biển về nuôi bởi dù trọng lượng chỉ ngang với vịt bầu đất (2,8-3kg) nhưng xương nhỏ, thịt thơm, ngon, đậm đà hơn hẳn. Tôi đã từng nuôi 3 loại vịt là bầu cánh trắng, bầu đất và bầu biển. Xưa người ta thích to, nhiều thịt mới nuôi vịt bầu cánh trắng, giờ thích ăn ngon thì nuôi vịt bầu đất và nhất là bầu biển", chị Vui bộc bạch.

Hiện, nhóm mới chăn vịt theo kinh nghiệm truyền thống nên có đàn mắc bệnh đi ỉa, có đàn mắc bệnh sà cánh, có đàn mắc bệnh khọt khẹt, tỷ lệ đạt chỉ được khoảng 70%. Mỗi năm, chúng tôi nuôi 3 lứa vịt, bán buôn 80.000 đồng/kg, bán lẻ từ 200-250.000 đồng/con, tính ra lãi được 30.000-40.000đồng/con nhưng nếu nuôi đạt tỷ lệ cỡ 90% sẽ lãi 60.000 đồng/con”.

Đàn vịt suối nhà chị Hoàng Thị Vui. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn vịt suối nhà chị Hoàng Thị Vui. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo chị Vui, dòng sông Bứa đoạn chảy qua xóm Ú có độ dài khoảng hơn 1km, sáng hàng trăm hộ thả vịt ra nhưng chiều chúng lại tự về nhà, không đàn nào lẫn vào nhau, thỉnh thoảng có con nào bị lạc bà con liền mang trả lại. Giữa hàng trăm giọng nói nhưng vịt suối vẫn nhận ra ai là chủ, chỉ gọi chúng mới nghe theo.

Xưa nuôi vịt đẻ trứng cho gà ấp, người dân phải nhặt hoa xoan, hoa mịn, hoa giềng về cho vào ổ để tránh bệnh, giờ nuôi số lượng cả trăm con, để đảm bảo cứ phải tiêm phòng vacxin đầy đủ và nếu đã mắc bệnh rồi phải chẩn đoán đúng, mua thuốc thú y về mà cho uống. Tham gia nhóm nuôi vịt, chị em thường xuyên tư vấn cho nhau cách phòng và trị bệnh cũng như giới thiệu khách mua hàng.

“Cùng một giống vịt, cùng cho thức ăn giống nhau nhưng nuôi trong vườn ăn hôi, thịt không ngọt đậm như vịt nuôi ngoài suối. Chỉ cần đi qua con vịt nuôi trong vườn tôi đã ngửi thấy mùi hôi, lúc mổ, lúc ăn lại càng hôi. Vịt suối lông mượt, không một sợi rách, chân sạch, đi rất nhanh, ban ngày muốn dồn bắt cũng không được mà phải đợi chiều chúng về chuồng, còn vịt nuôi trong vườn cổ to, cánh sà, dáng không gọn gàng, đi chậm.

"Chúng tôi đã đem vịt suối trưng bày dưới huyện Tân Sơn mấy lần, đông khách đặt đi Hà Nội, đi Việt Trì lắm nhưng tiếc là chưa xây dựng được thương hiệu. Đàn vịt nhà tôi bây giờ bán mới đủ tiền sinh hoạt, không phải đi làm thuê làm mướn chứ chưa làm giàu được.

Nếu kiểm soát được bệnh, có thể nuôi gối nhau mỗi năm 5-6 lứa, gia tăng số lượng, xây dựng được thương hiệu giống như gà 9 cựa của Tân Sơn sẽ lãi nhiều hơn. Có một số hộ khác muốn tham gia vào nhóm nhưng chúng tôi chưa đồng ý cũng bởi vì thế”, chị Vui bày tỏ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.