| Hotline: 0983.970.780

Núi Bà Đen sao nhiều rác thế?

Chủ Nhật 17/04/2016 , 08:05 (GMT+7)

Rác lấp đầy các miệng hố, rác “hiên ngang” chắn đường... Đó là những hình ảnh rất dễ bắt gặp ở hành trình leo núi Bà Đen của chúng tôi, trong buổi tối cuối tuần tháng 3...

Rác lấp đầy các miệng hố, rác “hiên ngang” chắn đường... Đó là những hình ảnh rất dễ bắt gặp ở hành trình leo núi Bà Đen của chúng tôi, trong buổi tối cuối tuần tháng 3. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch nơi đây, nguồn rác từ những du khách để lại là nguyên nhân chính gây nên sự ô nhiễm đáng báo động.

Núi Bà Đen cao 996 mét (so với mực nước biển) thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch ăn khách với chùa Bà và hành trình đầy bí hiểm lên đỉnh núi săn mây. Từ nay, nó còn được biết đến là một nơi lý tưởng dành cho những “nhà leo núi thích săn rác”?

Rác – từ khóa quen thuộc

“Ui chà... toàn là rác, chai lọ linh tinh của đám tạm gọi là đi Phượt giống chúng ta để lại”, câu nói được thốt lên bởi trưởng nhóm Nguyễn Thế Bằng - người có kinh nghiệm leo núi Bà Đen trên dưới chục lần. Lạ thật, băng rôn “mang thức ăn lên nhớ mang rác xuống” được treo lên suốt dọc đường đi. Chắc là họ không thấy hay không để ý sao? Cũng có thể do bất cẩn mà làm rơi?

Tạm gạt qua những suy nghĩ, tôi cùng đoàn tiếp tục hành trình. Càng lên cao không khí càng loãng, cũng ít oxi hơn đã vậy còn toàn ngửi thấy mùi kinh kinh “Eo ôi, hóa ra là mùi thức ăn, đồ uống vương vãi dọc đường đi, đang trong quá trình phân hủy” - Thương (thành viên trong nhóm) thốt lên. Bà Đen không thơ mộng như trong trí tưởng tượng.

Nghĩ lại tôi thấy mình vẫn còn may mắn chán. Khi cứ dò dẫm đi mà vẫn còn nguyên mạng. Bởi sao? Những thành viên trong đoàn leo núi, kinh nghiệm là thế nhưng vẫn bị vấp phải những mảnh chai lọ trơn trượt. Không may người trước vấp ngã, kéo theo luôn cả người đằng sau lăn lốc, trật chân máu chảy be bét thấy mà ghê cả người.

Tự nhủ lòng đi leo núi thì không tránh khỏi những tình huống nguy hiểm, trớ trêu. Ấy thế mà toàn những tai họa từ trên trời rơi xuống mà nguyên nhân cũng chính bởi cái hành trình “vượt chướng ngại vật” mà ngại vật lại do chính con người “lỡ” để lại trên đường. Không thì là những mảng, miếng thức ăn đang lên men, bốc mùi khó ngửi như càng muốn thúc giục những đôi chân nhanh chóng vượt qua.

Rồi lại đi nhanh rồi lại vấp ngã. Muôn sự thì cũng tại nhân mà ra cả, giá như cái khẩu hiệu “hành lý trên vai mang thức ăn lên, nhớ mang rác xuống” làm đúng thì có phải có ít những tình cảnh trớ trêu như thế không?

Đỉnh núi cuối cùng cũng hiện ra trước mắt. Cả đoàn thở dài cuối cùng thì cũng lên đỉnh. Ôi chào, vừa kịp ngồi xuống chưa kịp bỏ balo xuống thì anh Đạt la toáng lên: “Mọi người cẩn thận, coi chừng bị thụt hố”. Thì ra một hố rác khổng lồ, rộng cũng chừng hơn chục thước. Lượng rác nơi đấy ước tính có thể “nuốt chửng” được cả chục cái xe tải container dạng “18 bánh xe công lý” – Phim. Nào thì vỏ chai nước khoáng, lon bia, bịch nilon, bìa cạc tông, vỏ hộp bánh đủ thứ hãng trên đời...

Đây không phải ở trên đỉnh núi? Chúng tôi đang bị lạc vô cái vựa ve chai hay cái công ty tái chế rác thải nào đó. Tôi thầm nghĩ: “Cái mớ này mà mang xuống bán ve chai thì có mà kiếm được bộn tiền. Có khi lại sắm được cả cái xe tay ga mới tinh thay cho chiếc wave quá khổ của mình”.

14-26-51_nui-b-den-so-nhieu-rc-the-1
Băng rôn có ở khắp nơi nhưng hình như nó không được chú ý lắm

Mặt trời ló rạng, không khí sáng sớm mới lành lạnh làm sao, lâu lắm rồi mới có cái cảm giác thèm ấm áp như vậy. Bật dậy khỏi lều, tôi nhanh chóng vác máy ảnh đi làm vài kiểu. Vượt rác, vượt chai lọ... đi đến đầu núi ngắm cảnh bình minh. Phải nói là quá tuyệt vời. Cứ như bị lạc trên tiên cảnh vậy, mây kéo ùn ùn tạo lớp lớp, giá như bây giờ mà có thuật “cân đẩu vân” thì hay biết mấy. Coi như cũng an ủi bớt phần nào.

Chúng tôi tranh thủ chụp lại vài tấm hình làm kỷ niệm. Người thì những cây viết xóa khắc tên chúng mình thề hẹn, những câu thơ sướt mướt lên những vách đá tội nghiệp. Khi bị tôi bắt gặp hỏi, thì họ lại trả lời tỉnh bơ “Tao thích, được không?”. Lạ thật? Đi đâu cũng thấy mấy cái cảnh tượng “xấu xí” như thế, hết ở Nhà thờ Đức Bà và giờ là ngay cả trên đỉnh Bà Đen, dường như việc khắc - xóa đã trở thành “thú vui” rồi.

Khép lại hành trình, Anh Bằng – trưởng nhóm tranh thủ đốt đám tàn dư mà hôm qua chúng tôi ăn xong để lại. Tôi mới hỏi: “Tại sao mình không mang xuống, mà lại đốt? Lỡ cháy rừng thì sao?”. Anh bảo: “Nhiều quá mang xuống không hết đâu, thà mình đốt còn hơn để vậy nó lại bốc mùi”. Ờ thì...

… Còn chút gì để nhớ?

Lên núi đã khó mà xuống cũng không phải dạng vừa. Đường núi chập chùng, trơn trượt, đi không khéo thì xác định ê mông. Thế mà, phía trước chúng tôi có 4 người cả trai lẫn gái tính kỳ cục, mang rõ nặng toàn cái bao tải, dạng bao bố. Rõ khổ, đường thì bé tý, nhanh chân cho người khác còn đi nào. Hỏi mới biết thì họ đi lượm chai lọ, lon bia, vỉ nướng... “cũng có máu làm giàu đó chứ” - tôi thầm nghĩ. Rõ khổ mình con trai, vác cái balô vài kí lô cũng thấy mệt rồi, cơ mà các bạn ấy là con gái, vừa ba lô vừa đống chai lọ, đèo bồng làm gì cho khổ ra. Hỏi ra mới biết các anh chị thuộc nhóm Phượt Đê chung tay hành động dọn rác trên núi Bà Đen.

14-26-51_nui-b-den-so-nhieu-rc-the-2
Những hố rác “khổng lồ” nằm chễm chệ trên đỉnh núi

2 tuần 1 lần, mỗi nhóm đi khoảng từ 10-20 người chia làm nhiều đường khác nhau đi lượm rác. Khi được hỏi anh, chị có thù lao gì trong việc này không? Họ chỉ cười bảo: “Làm gì có ai trả công hả em, anh chị đi phượt kết hợp với dọn, đốt, chôn rác. Cũng là vì muốn đóng góp chút ít công sức của mình để bảo vệ môi trường thôi. Vài ba trăm nghìn tiền bán ve chai, tụi anh góp vào thêm tiền để mua nước uống, đồ ăn cho các anh chị trong nhóm. Còn nếu có dư giả nhiều thì đi làm từ thiện. Đó cũng coi như là một niềm vui rồi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi hầu như không có bất kỳ nguồn nhân lực nào đi dọn rác trên núi Bà Đen mà hầu hết những việc làm này là do các bạn sinh viên, các nhóm Phượt tình nguyện làm.

Cảm phục trước những hành động đẹp đó, tôi và một anh trong nhóm cũng xớn xác đi nhặt những vỏ chai đó quăng lên đường để cho anh chị dễ nhặt hơn. Ấy vậy mà không phải dễ ăn đâu nhé. Mấy lần suýt trượt chân vì cái độ dốc lên tới 60-700.

Thử tưởng tượng một ngày, những bãi rác sẽ lớn dần hơn, nếu không có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời sẽ còn đâu những nơi để chúng ta đi phượt, đi du lịch, thỏa lòng đam mê của mình. Rồi sẽ có một Bà Đen như thế được thay bằng cái tên khác núi Bà Rác. Sẽ chẳng còn chùa Bà Đen linh thiêng nữa khi ngày nào đó, mùi hôi, thối của nó sẽ bay đến nơi cửa Phật. Mọi thứ sẽ chấm hết nếu như tình trạng xả rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn.

Tôi có nhớ lại lời bài hát ở đâu đó: “Tổ Quốc Việt Nam xanh lắm, có sạch đẹp mãi được không, điều đó tùy thuộc vào bạn, tùy thuộc vào bạn mà thôi...”. Vâng, chỉ tùy thuộc vào các bạn, tùy thuộc vào con người chúng ta mà thôi.

(KTGĐ số 14)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.