Nội dung phóng sự nêu: Học sinh Nguyễn Đức Dương sinh năm 2011, chuẩn bị vào lớp 7 của Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn nhưng vẫn không phân biệt được mặt chữ và không đánh vần được chữ nào trong sách giáo khoa... Em Dương có sức khỏe, trí tuệ bình thường; việc cho học sinh Dương không biết chữ lên lớp là dấu hiệu của bệnh thành tích trong nhà trường...
Theo UBND huyện Chợ Mới "những thông tin của Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải là chưa toàn diện, chính xác; thực tế em Nguyễn Đức Dương là học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật".
UBND huyện cũng thông tin thêm về trường hợp học sinh Nguyễn Đức Dương như sau:
1. Quá trình học tập của em Nguyễn Đức Dương
Năm học 2017-2018, em Nguyễn Đức Dương được tuyển sinh vào học lớp 1B, tại trường Tiểu học Nông Hạ; trong quá trình học, em Dương thường xuyên không tập trung, giáo viên chủ nhiệm là cô Lường Thị Nga cùng với các giáo viên bộ môn đã hỗ trợ em trong học tập và tham gia các hoạt động, cuối năm học em Dương đã hoàn thành theo chương trình lớp 1.
Đến lớp 2, năm học 2018 - 2019, giáo viên chủ nhiệm là cô Hà Thị Nữ nhận thấy em Dương nhận thức chậm nên cô giáo đã thường xuyên trao đổi với phụ huynh (mẹ em Dương) kèm cặp em học tại gia đình, động viên gia đình cho em Dương đi khám sức khoẻ tại Bệnh viện Bắc Kạn. Kết quả xác định em Nguyễn Đức Dương là trẻ khuyết tật chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ.
Gia đình em Dương đã làm đơn đề nghị nhà trường chuyển em Dương sang học hoà nhập; nhà trường đã tiến hành lập hồ sơ và gửi UBND xã Nông Hạ xét duyệt dạng và mức độ khuyết tật cho em Nguyễn Đức Dương và được hưởng chế độ dành cho học sinh khuyết tật học hoà nhập (theo giấy xác nhận số 71/XN-UB ngày 18/3/2019 do Chủ tịch UBND xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn ký).
Quá trình học tập được sự hỗ trợ của giáo viên và các bạn trong lớp em Dương vẫn tham gia các hoạt động và hoàn thành theo kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh khuyết tật từ lớp 2 đến lớp 5. Trong thời gian em Dương học tập tại trường Tiểu học Nông Hạ gia đình không có ý kiến gì với nhà trường về việc xin cho em Dương ở lại lớp theo như nội dung phỏng vấn của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Năm học 2022 - 2023, em Nguyễn Đức Dương được tuyển sinh vào học lớp 6A trường THCS Nông Hạ, khi được tiếp nhận vào trường em Dương có đầy đủ hồ sơ chứng nhận là học sinh khuyết tật trí tuệ (có Kế hoạch giáo dục cá nhân dành cho học sinh khuyết tật học hoà nhập, hồ sơ xác nhận khuyết tật của trường tiểu học Nông Hạ).
Trên cơ sở các hồ sơ chuyển từ trường tiểu học lên, trường THCS Nông Hạ đã thiết lập hồ sơ cho em Nguyễn Đức Dương theo quy định, đồng thời đã thực hiện kiểm tra khảo sát đầu năm một số môn và thành lập hội đồng đánh giá theo biên bản ngày 19/9/2022. Em Nguyễn Đức Dương - lớp 6A tham gia khảo sát các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một số môn khác. Kết quả: em Dương không thực hiện được các phép toán cơ bản, không thành thạo, viết chậm không đúng chính tả, môn Tiếng Anh không nhận thức được kiến thức cơ bản, trong các hoạt động giáo dục đôi khi có hiện tượng tăng động.
Kết luận em Nguyễn Đức Dương tham gia học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật.
Quá trình học tập, em Nguyễn Đức Dương nhận thức chậm hơn các bạn, luôn được thầy cô, bạn bè quan tâm, giúp đỡ; Em Dương có khả năng nhìn chép, có thể đọc nhưng tuỳ từng thời điểm do đó việc học sinh được chuyển từ lớp 6 lên lớp 7 thông qua nhiều hình thức kiểm tra khác nhau là đúng với quy định và tinh thần giáo dục học sinh khuyết tật tại Điều 11, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
2. Trích các quy định về đánh giá, xếp loại đối với học sinh khuyết tật
Khoản 1, khoản 2, Điều 11, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về “Đánh giá học sinh khuyết tật” nêu rõ: “Việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học. Đối với học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, kết quả rèn luyện và học tập môn học mà học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng được theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông thì được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả rèn luyện và học tập. Những môn học mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông thì được đánh giá kết quả thực hiện rèn luyện và học tập theo Kế hoạch giáo dục cá nhân; không kiểm tra, đánh giá những nội dung môn học hoặc môn học được miễn".
Tại khoản 4, Điều 12 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT nêu rõ: Đối với học sinh khuyết tật: Hiệu trưởng căn cứ kết quả đánh giá học sinh khuyết tật theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để xét lên lớp hoặc công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thống đối với học sinh khuyết tật.
“Chúng tôi đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam xem xét, đưa tin theo những tài liệu huyện Chợ Mới cung cấp như trên”, theo văn bản của UBND huyện Chợ Mới.
Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn những thông tin kịp thời của UBND huyện Chợ Mới và đăng tải thông tin phản hồi của quý cơ quan.