Vụ núi lửa phun trào xảy ra vào sáng sớm ngày 14/1 ở phía bắc thị trấn Grindavik. Cơ quan Khí tượng Iceland (IMO) cho biết cho biết các rào chắn bằng đất và đá được xây dựng ở phía bắc thị trấn Grindavik đã bị phá vỡ và dung nham đang chảy về phía thị trấn có khoảng 3.800 dân, hiện cách các ngôi nhà ở Grindavik khoảng 450m.
"Dựa trên các hình thái dòng chảy, dung nham có thể mất vài giờ để tiếp cận khu vực này nếu nó tiếp tục chảy theo hướng hiện nay", người phát ngôn của IMO nói với Đài Truyền hình nhà nước Iceland (RUV).
Sau đó cùng ngày, cơ quan này đã nâng mức cảnh báo lên mức "khẩn cấp", mức cao nhất trong thang cảnh báo ba cấp, báo hiệu một sự kiện đã bắt đầu có thể gây hại cho con người, cộng đồng, tài sản hoặc môi trường.
Giới chức địa phương cho biết người dân được yêu cầu sơ tán chỉ vài giờ trước khi vụ phun trào xảy ra, đây là lần thứ 2 họ phải đi sơ tán kể từ tháng 11/2023. Toàn bộ người dân ở Grindavik đã đi sơ tán sau vụ phun trào núi lửa hồi tháng 12/2023. Chỉ có khoảng hơn 100 người quay trở lại thị trấn trong những tuần qua, trước khi lại tiếp tục được chính quyền yêu cầu sơ tán hôm 13/1.
Để đánh giá chính xác tình hình, một máy bay trực thăng của lực lượng bảo vệ bờ biển đã được cử đi làm nhiệm vụ, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Iceland.
"Không có người dân nào gặp nguy hiểm, mặc dù cơ sở hạ tầng có thể bị đe dọa", Tổng thống Iceland Gudni Johannesson viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X. Ông Johannesson cũng cho biết hoạt động hàng không sẽ không bị gián đoạn.
Iceland nằm ở điểm tiếp xúc của các mảng kiến tạo Á - Âu và Bắc Mỹ, hai trong số những mảng kiến tạo lớn nhất bề mặt trái đất. Hai mảng này di chuyển theo hướng ngược nhau, khiến Iceland trở thành "điểm nóng" về địa chấn và núi lửa.
Vụ núi lửa phun trào lớn nhất là vào năm 2010 khi núi lửa Eyjafjallajokull ở miền nam Iceland phun ra những đám mây tro núi lửa khổng lồ vào bầu khí quyển, khiến hoạt động hàng không trên khắp châu Âu bị gián đoạn trong nhiều ngày liền vì lo ngại tro bụi có thể làm hỏng động cơ máy bay.