| Hotline: 0983.970.780

Nước sông Lô xuống thấp, nuôi cá lồng gặp khó

Chủ Nhật 03/01/2021 , 18:17 (GMT+7)

Hiện mực nước sông Lô đang ở mức thấp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi cá lồng người dân.

Nước sông Lô xuống thấp, khiến việc nuôi cá lồng của nhiều hộ dân ở Tuyên Quang gặp khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Nước sông Lô xuống thấp, khiến việc nuôi cá lồng của nhiều hộ dân ở Tuyên Quang gặp khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Trung tâm Dựa báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, mực nước sông Lô hiện nay là 13,06 m. Kỷ lục thấp nhất là thời điểm ngày 26/11, mực nước trên sông Lô chỉ còn 12,72 m.

Một trong những nguyên nhân khiến mực nước sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều biến động, nước sông thường cạn nhiều vào ban đêm do vận hành của các đập thủy điện.

 Mực nước xuống thấp đã làm việc nuôi cá lồng của nhiều hộ dân trên dọc tuyến sông Lô gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đêm ngày 26, rạng sáng 27/11, do mực nước xuống thấp đột ngột đã làm 62 lồng nuôi cá của 26 hộ dân ở Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa bị ảnh hưởng.
Theo anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Yên Nguyên thì các lồng cá được thả ở độ sâu từ 1,8 - 2 m nước nhưng mực nước sông xuống cạn chỉ còn 40 - 50 cm kể từ đáy lồng nên cá thiếu ô xy. Hàng nghìn con cá với trọng lượng từ 1,8  -  2,7 kg nằm phơi bụng chết. Tổng số lượng cá bị thiệt hại ước khoảng 8 tấn.

Mực nước sông Lô tại Tuyên Quang hiện nay chỉ còn hơn 10m, đây là mực nước thấp kỷ lục trong lịch sử. Ảnh: Đào Thanh.

Mực nước sông Lô tại Tuyên Quang hiện nay chỉ còn hơn 10m, đây là mực nước thấp kỷ lục trong lịch sử. Ảnh: Đào Thanh.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra hiện trường và xác định nguyên nhân do nước cạn dẫn đến cá bị chết do thiếu ôxy, cá không bị chết do dịch bệnh.
UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị các đơn vị liên quan chỉ đạo Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Lam Sơn thực hiện việc thông báo lịch mở, đóng van xả nước vận hành nhà máy thủy điện (theo Quyết định số 344/QĐ-UBND ngày 18/8/2020 của UBND tỉnh Tuyên Quang) kịp thời đến UBND huyện Chiêm Hóa và các xã thuộc hạ lưu công trình thủy điện.

Đề nghị Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Lam Sơn (chủ đầu tư xây dựng công trình Thủy điện Sông Lô 8 tại huyện Hàm Yên) hỗ trợ cho các hộ nuôi cá lồng tại thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa bị thiệt hại.

Những ngày qua, mực nước tại sông Lô vẫn ở tình trạng xuống thấp kỷ lục đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng tại khu vực cầu Nông Tiến, thuộc tổ 4, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang.
Tại khu vực này có hơn 10 hộ gắn bó với nghề nuôi cá lồng hơn 10 năm nay. Trung bình mỗi hộ có từ 3 đến 5 lồng cá.

Bà Đoàn Thị Kính, người dân tổ 4, phường Nông Tiến cho biết, trước đây ngay tại khục vực thuyền làm nhà của gia đình bà mực nước thấp nhất vẫn còn 30 đến 40 cm. Nhưng năm nay nước cạn cả khu nhà thuyền của gia đình bà đều bị mắc cạn trên bờ, cách lòng sông cả trăm mét.

Nước sông Lô xuống thấp, nhiều nhà bè bị mắc cạn. Ảnh: Đào Thanh.

Nước sông Lô xuống thấp, nhiều nhà bè bị mắc cạn. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình bà Kính hiện có 6 lồng cá. Nhiều ngày nay, cứ hôm nào mực nước xuống thấp sau đó các hộ thủy điện tiến hành xả nước thì cá thường hay bị ảnh hưởng. Bởi việc thay đổi dòng chảy và rác thải dồn về khiến môi trường sống của cá thay đổi đột ngột. Nhiều con bị bệnh trắng đuôi và chết.
Để khắc phục tình trạng nước cạn, gia đình bà đã di chuyển các lồng cá đến những khu vực có mực nước sâu, đảm bảo môi trường sống ổn định cho đàn cá.
Việc di chuyển như vậy đòi hỏi công chăm sóc, đi lại nhiều hơn nhưng nếu không chủ động phương án khi mực nước xuống đột ngột, môi trường sống của cá không được đảm bảo thì thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.

Ông Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước thực trạng mực nước sông Lô xuống thấp, Chi cục đã phối hợp với các địa phương khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng cần đặt vị trí đặt lồng/bè phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Các hộ cần chú ý việc đặt đáy lồng/bè phải cách đáy sông ít nhất 0,5m vào lúc mức nước thấp nhất.
Với trường hợp đặt lồng/bè thành từng cụm thì các cụm lồng/bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m; mật độ lồng/bè ở khu vực nước chảy chiếm tối đa 0,2% diện tích mặt nước lúc mức nước thấp nhất; khu vực nước tĩnh chiếm tối đa 0,05% diện tích mặt nước lúc mức nước thấp nhất.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền được thông báo về lịch mở, đóng van xả nước vận hành nhà máy thủy điện cần kịp thời thông báo ngay đến các Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi cá trên địa bàn để chủ động phòng tránh, di dời đến địa điểm nuôi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.